Thực tế, kỷ lục đã được lập và phá vỡ khi qua hai năm liên tiếp (2015 -2016), giá trị M&A đạt mức cao nhất từ trước đến nay với đỉnh mới là 5,82 tỷ USD vào năm ngoái. Nếu giữ được đà tăng trưởng như giai đoạn 2014 - 2016, thị trường M&A hoàn toàn có thể cán đích chu kỳ và thậm chí vượt mức 20 tỷ USD vào cuối năm 2018.
Song từ cuối năm 2016 đến nay, số lượng lẫn giá trị thương vụ M&A có dấu hiệu chậm lại, thương vụ “bom tấn” đã không xuất hiện, thị trường có dấu hiện trầm lắng trở lại. Vấn đề là phải làm gì để thị trường M&A tăng trưởng, vượt kỷ lục 5,82 tỷ USD, cán mốc 20 tỷ USD giai đoạn 2014 - 2018?
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức M&A 2017 phát biểu tại Họp báo công bố Diễn đàn tại Hà Nội sáng 20.7.2017 |
Diễn biến trên thị trường M&A những năm gần đây cho thấy, thị trường đang cần cú hích lớn từ động thái chính sách từ Chính phủ và từ chính doanh nghiệp để tận dụng dòng vốn ngoại đang đổ vào thị trường Việt Nam trước lúc dòng vốn này có xu hướng chậm lại, kết thúc giai đoạn tăng trưởng nóng của M&A toàn cầu.
Tìm hiểu, hiện thực hoá các yếu tố để thúc đẩy thị trường, tạo sự đột phá ở chu kỳ cuối của “làn sóng thứ hai” trong 2 năm 2017 - 2018 không chỉ là mục tiêu của riêng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A 2017, mà là mối quan tâm của không ít doanh nghiệp đang muốn mở rộng quy mô, vươn tầm khu vực và thế giới.
Yếu tố đầu tiên để thị trường M&A có thể tăng trưởng đột phá là “mở nút thắt” về cơ chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động M&A. Đó là các cơ chế, chính sách đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh thoái vốn, “nới room” cho nhà đầu tư nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước huy động vốn trên thị trường chứng khoán nước ngoài... Nếu thực hiện rốt ráo, thì đó sẽ là nguồn động lực thúc đẩy thị trường M&A tăng cả về chất và lượng.
Ngoài cơ chế, chính sách, việc quan tâm, tạo thêm nguồn hàng dồi dào về số lượng, phong phú về chất lượng, đủ sức hấp dẫn cũng góp phần thúc đẩy hoạt động M&A. Nguồn hàng này đến từ các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện thoái vốn, cổ phần hoá, từ khối doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu hợp tác, mở rộng quy mô, mở rộng thị trường nhằm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nguồn hàng này còn đến từ các start - up mới có tiềm năng, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, doanh nghiệp hành động.
Các khâu nhằm tạo sự đột phá này có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau. Nếu khâu đột phá về chính sách đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cơ quan quản lý thì khâu “đột phá nguồn hàng” cần sự sáng tạo, nhanh nhạy của chính doanh nghiệp. Theo đó, mức độ thành công, hiệu quả mang lại, khả năng đột phá thực sự phụ thuộc rất nhiều vào khả năng “hợp đồng tác chiến” của cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Một yếu tố quan trọng tạo sự đột phá cho thị trường M&A chính là dòng vốn nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài. Trong 10 năm qua, khối ngoại luôn là “khách hàng chiến lược” lớn nhất, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam. Phần lớn thương vụ tỷ USD được thực hiện với sự góp mặt của các nhà đầu tư quốc tế. Qua các thương vụ M&A chất lượng, khối ngoại không chỉ mang lại nguồn vốn lớn cho thị trường, mà còn mang về cho đối tác nội công nghệ, kiến thức quản lý và thị trường. Đây là “bàn đạp” để doanh nghiệp trong nước bước ra thị trường thế giới. Chắc chắn, dòng vốn nước ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn một khi cánh cửa M&A ngày càng rộng mở, khi cơ chế chính sách tiếp tục được khơi thông, khi nguồn hàng ngày càng phong phú.
Thị trường M&A 2017-2018 đang chờ những cú bứt phá, những thương vụ ấn tượng. Nguồn hàng khổng lồ đang đến từ tiến trình thoái vốn, cổ phần hoá các doanh nghiệp quy mô như Habeco, Sabeco, Vinamilk, Petrolimex... hay những cuộc gọi vốn tư nhân tầm quốc tế của Vietjet, FLC, VNG... Đây được xem là những “mỏ vàng”có thể đưa thị trường M&A vào cao trào mới, đạt kỷ lục mới trước khi làn sóng M&A thứ 2 lắng xuống vào năm 2018.