Việc đẩy mạnh phát triển năng lượng gió là một trong những hướng đi chủ đạo, phù hợp. |
Hàng loạt tư nhân muốn làm điện gió
Bộ Công thương vừa có Văn bản số 1931/BCT-ĐL (ngày 19/3), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió.
Cụ thể, theo Bộ Công thương, tổng công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt vào quy hoạch phát triển điện lực trong 2 năm trở lại đây là khoảng 4.800 MW, dự kiến đi vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2021, chủ yếu ở khu vực Tây Nam bộ và Nam Trung bộ. Trong số 4.800 MW đã bổ sung quy hoạch, tính đến thời điểm hiện tại, có 9 dự án điện gió đã đi vào vận hành, với quy mô công suất 350 MW.
Đến ngày 15/3/2020, ngoài các dự án đã được bổ sung quy hoạch, Bộ Công thương nhận được đề xuất của UBND các tỉnh với tổng cộng gần 250 dự án điện gió, có tổng công suất khoảng 45.000 MW.
Trong đó, tại khu vực Bắc Trung bộ, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đã đề nghị bổ sung quy hoạch 51 dự án, có tổng công suất 2.919 MW. Khu vực duyên hải Nam Trung bộ, các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận đề nghị bổ sung quy hoạch là 10 dự án, tổng công suất 4.193 MW (gồm cả dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind 3.400 MW).
Tại khu vực Tây Nguyên, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng đề nghị 91 dự án điện gió, có tổng công suất 11.733,8 MW. Khu vực Đông Nam bộ chỉ có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất 2 dự án, tổng công suất 602,6 MW. Còn khu vực Tây Nam Bộ, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đề xuất tới 94 dự án, tổng công suất 25.541 MW.
Bộ Công thương cũng cho hay, theo tính toán của Viện Năng lượng, công suất nguồn điện gió cần bổ sung quy hoạch đến năm 2025 ở phương án cơ sở là khoảng 6.030 MW, ở phương án cao là 11.630 MW.
Như vậy, ngoài 4.800 MW đã được bổ sung quy hoạch, công suất nguồn điện gió đến năm 2025 cần bổ sung khoảng 1.230 MW ở phương án cơ sở và 6.830 MW ở phương án cao.
Theo Bộ Công thương, tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thì việc đẩy mạnh phát triển năng lượng gió là một trong những hướng đi chủ đạo, phù hợp. Mặt khác, nguy cơ thiếu điện trong ngắn hạn (giai đoạn 2021 - 2024) là hiện hữu, trong khi các nguồn nhiệt điện lớn tiếp tục chậm tiến độ hoặc chưa xác định được tiến độ, phụ tải có thể tăng cao, điều kiện khí hậu có thể bất lợi. Bộ Công thương cũng đề xuất lựa chọn phương án cao để phát triển nguồn điện gió.
Đầu tư truyền tải vẫn do doanh nghiệp nhà nước gánh
Để phục vụ các dự án điện gió đã có trong quy hoạch và đang đề nghị bổ sung quy hoạch, Bộ Công thương cũng đã tính toán về sự đáp ứng của hạ tầng hệ thống điện đối với các khu vực có công suất điện gió đề nghị bổ sung ở quy mô lớn.
Trong đó, những khu vực như Bình Định, Phú Yên khó có khả năng bổ sung các dự án điện gió do lưới điện 220 kV khu vực này khá yếu.
Tại Ninh Thuận, Bình Thuận - nơi có tốc độ tăng trưởng các nguồn năng lượng tái tạo cao nhất trong cả nước, ước tính tại thời điểm cuối năm 2021, khi toàn bộ các công trình lưới điện truyền tải đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch đi vào vận hành (đặc biệt là TBA 500 kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối), đồng thời thực hiện giải pháp vận hành tách đường dây 220 kV Di Linh - Đức Trọng, thì lưới điện khu vực cũng chỉ hấp thụ được khoảng 800 MW điện gió và mặt trời.
Các khu vực như Tây Nguyên được cho là tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vận hành và cần phải đầu tư cải tạo xây mới một số công trình truyền tải. Tình huống cũng tương tự ở khu vực Tây Nam bộ với yêu cầu đầu tư thêm các đường truyền tải mới.
Bởi vậy, Bộ Công thương khi đề nghị Chính phủ cho chủ trương điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện gió đến năm 2025 với quy mô công suất 11.630 MW, cũng đồng thời đề nghị bổ sung quy hoạch hoặc đẩy sớm hàng loạt dự án lưới điện truyền tải đồng bộ, nhằm giải tỏa công suất các dự án điện gió trong danh mục đề xuất.
Đáng nói là, tất cả các dự án truyền tải này vẫn được Bộ Công thương yêu cầu giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên của EVN thực hiện đầu tư, thay vì kêu gọi tư nhân trong nước tham gia như mong muốn được đặt ra tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.