Tiêu thụ lên đỉnh lúc gần nửa đêm
Đợt nắng nóng gay gắt tuần qua ở miền Bắc đã khiến hệ thống điện lập những kỷ lục mới trong tiêu thụ. Theo số liệu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, sau khi vọt lên 41.549 MW vào ngày 31/5/2021 - cao hơn các mốc được thiết lập từ trước, công suất tiêu thụ điện toàn quốc vọt lên đỉnh mới là 41.558 MW vào ngày 2/6/2021.
So với mức đỉnh năm 2020, mức 41.558 MW cao hơn trên 3.200 MW, tương đương tổng công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La (2.400 MW) và Nhà máy Thủy điện Lai Châu (1.200 MW). Việc lập các đỉnh mới về tiêu thụ điện ở đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên trong năm 2021 tại phía Bắc đã làm bộc lộ những điểm yếu của hệ thống điện mà rất nhiều người lo lắng trong 3-4 năm trở lại đây.
Đáng chú ý nhất trong lần lập đỉnh ngày 31/5/2021 là mức công suất 41.549 MW xảy ra vào hơn 22h, tức là gần nửa đêm, nhờ sự đóng góp từ điện sinh hoạt. Hiện công suất lắp đặt của hệ thống là 71.100 MW, trong đó có khoảng 17.000 MW điện mặt trời trang trại lớn và áp mái nhà. Như vậy, khi mặt trời tắt nắng vào sau 17h và không có pin lưu trữ, thì công suất nguồn điện cả nước giảm mạnh, chỉ còn khoảng 54.000 MW.
“Với thực tế thời điểm này chưa phải là mùa mưa lũ ở miền Bắc, nước về ít, hay thời tiết quá nóng khiến các thiết bị và nước làm mát cũng nóng, dẫn tới không thể huy động cao hiệu suất tại các nhà máy nhiệt điện than…, thì công suất khả dụng của toàn hệ thống chỉ vào khoảng 45.000 MW. Nghĩa là hệ thống điện nếu cứ lập đỉnh công suất vào sau 17h, thì dự phòng gần như không có mấy và chuyện tiết giảm điện sẽ xảy ra ở nơi này, nơi khác”, một chuyên gia hàng đầu về điện nhận xét.
Đợt nắng nóng gay gắt tuần qua ở miền Bắc đã khiến hệ thống điện lập những kỷ lục mới trong tiêu thụ.. |
Nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết, nắng nóng tuần qua đã dẫn tới nhu cầu phụ tải cực đại của miền Bắc cao đột biến, ước đạt 21.500 MW, tăng khoảng 2.500 MW so với nhu cầu phụ tải các ngày làm việc trước đó và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng bởi nhu cầu điện tăng cao đột biến kết hợp với việc nước tại các hồ thủy điện xuống thấp, nên dù đã huy động tối đa các nguồn ở miền Bắc và khai thác tối đa truyền tải 500 kV từ miền Trung ra, nhưng miền Bắc vẫn xảy ra tình trạng quá tải, mất điện cục bộ tại một số khu vực và phải tiết giảm.
Đơn cử như ngày 31/5, miền Bắc đã phải tiết giảm mức 700 MW trong khoảng 13h -14h59 và sau đó lại tiết giảm 500 MW từ 20h50-22h48 để chống quá tải lưới điện và điện áp thấp ở miền Bắc.
Tới ngày 1/6, miền Bắc lại phải tiết giảm phụ tải 1.509 MW lúc 11h34 và sau đó tiết giảm bổ sung thêm 500 MW lúc 12h51. Sau đó hơn 15h thì khôi phục phụ tải. Tuy nhiên tới 20h50 lại phải tiết giảm 700 MW ở miền Bắc và tới 21h35 tiết giảm bổ sung 300 MW nữa và tới sau 23h mới khôi phục hoàn toàn phụ tải.
Nhìn nhận thực tế tiết giảm phụ tải ở miền Bắc những ngày qua là “tình huống cực đoan, nghiêm trọng”, nhưng các chuyên gia am hiểu về kỹ thuật hệ thống điện thừa nhận, “đó là việc phải thực hiện để đảm bảo vận hành an toàn cho hệ thống điện quốc gia”, vốn phải chịu hàng loạt ràng buộc ở nhiều mặt là sản xuất - tiêu dùng, ổn định điện áp, giới hạn truyền tải của đường dây…
Nếu hệ thống điện không được cải thiện kịp thời, nhất là được bổ sung nguồn tại chỗ ở miền Bắc sớm để không gặp khó khăn về giới hạn truyền tải hiện nay, thì tình huống sẽ ngày càng căng thẳng.
Thừa hay thiếu điện?
Năm 2018, phụ tải đỉnh của hệ thống điện cả nước ở thời điểm cao nhất vào đầu tháng 7 đạt 35.110 MW. Thời điểm đó, dù công suất các nhà máy điện trong hệ thống khoảng 44.500 MW, nhưng công suất khả dụng có thể huy động được chỉ là 35.000 MW.
Năm 2019, chưa tới cao điểm nắng nóng, phụ tải đỉnh của hệ thống đã vọt lên 38.147 MW, chênh lệch không bao nhiêu so với công suất khả dụng lúc đó. Năm 2020, do Covid-19, công suất đỉnh chỉ đạt 38.300 MW. Còn năm nay, đỉnh mới được lập các ngày bắt đầu hè là hơn 41.500 MW.
Thực tế đỉnh phụ tải vài năm gần đây đều tăng ở mức 3.000 - 4.000 MW/năm, đòi hỏi hệ thống điện cần bổ sung khoảng 4.500 - 5.000 MW công suất mới hàng năm. Trong 2 năm 2019 - 2020, hệ thống đã bất ngờ bứt phá với sự bổ sung của 17.000 MW điện mặt trời, khiến tổng công suất vọt lên trên 70.000 MW.
Tuy nhiên, do chỉ đầu tư nhà máy điện mặt trời, không có hệ thống lưu trữ, nên dù ban ngày dư thừa điện, thì ban đêm, dự phòng cấp điện lại giảm mạnh, khiến hệ thống gặp khó khăn trong việc xoay xở điều hành, chưa tối ưu được chi phí.
Năm 2019, khi nhắc tới biện pháp kêu gọi các khách hàng lớn hợp tác tiết giảm điện vào giờ cao điểm, ông Thái Phụng Nê, người nhiều năm là phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các công trình điện cho rằng, giải pháp này chỉ có thể thực hiện được trước mắt 1-2 năm, chứ không thể làm lâu dài. Nhưng thực tế tiết giảm điện ở miền Bắc tuần qua cho thấy, đây vẫn là giải pháp không thể bỏ qua.
Cần phải nói thêm, những năm qua, ở miền Bắc, không có thêm nhiều nhà máy điện mới có quy mô lớn và đáp ứng nhu cầu cơ bản về tiêu thụ điện. Tháng 3/2019, khi nhận xét, nếu Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (1.200 MW) được cho phép xây dựng năm 2017, thì đã gần có nhà máy, ông Nê cho hay, ít nhất phải mất từ 3,5 - 4 năm, thì Nhà máy mới hoàn tất xây dựng.
Vị chuyên gia giàu thực tế này khi đó cũng cảnh báo, nếu không có biện pháp khắc phục nhanh chóng và quyết liệt, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng như trước đây là cắt điện triền miên. Song tới thời điểm này, Nhiệt điện Quảng Trạch 1 mới bắt đầu bước xây dựng, còn Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn bất động sau 4 năm được đưa ra mổ xẻ. Có thể nhìn thấy trong 4 năm qua và 3 năm sắp tới, miền Bắc chỉ có thêm Nhiệt điện BOT Hải Dương đang hoàn tất đầu tư và Thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Và nếu chỉ ít ỏi vậy, câu chuyện đảm bảo điện sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là ở miền Bắc.