Nhiều vụ sai phạm về đất đai xảy ra trong thời gian qua tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: P.V |
UBND tỉnh Kon Tum ngày 6/5 ban hành Quyết định thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật của các nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn huyện Kon Plông.
Theo đó, 27 dự án tại huyện Kon Plong sẽ bị thanh tra toàn diện (kể từ thời điểm các dự án này chấp thuận chủ trương đầu tư đến thời điểm thanh tra) trong vòng 45 ngày làm việc thực tế (không tính ngày nghỉ, ngày lễ) kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh Kon Tum đối với 27 dự án này do Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì (Trưởng đoàn).
Rồi ưu, nhược sẽ rõ sau thanh tra, nhưng vấn đề công luận quan tâm hiện nay là các dự án này đã triển khai như thế nào sau khi được cấp phép chủ trương đầu tư?
Theo tài liệu của phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, tính đến ngày 6/5/2022, nhiều dự án nằm trong “tầm ngắm” thanh tra liên ngành lần này triển khai chậm tiến độ nhiều năm và bị kiến nghị chấm dứt hoạt động.
Theo đó, Dự án nông trại hữu cơ tổng hợp sản xuất rau củ quả xứ lạnh xuất khẩu, kết hợp chăn nuôi trên địa bàn xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (do Công ty TNHH Kon Tum Bellest làm chủ đầu tư).
Tiến độ thực hiện đầu tư dự án trên là từ năm 2014 đến quý I/2019. Theo UBND tỉnh Kon Tum, dự án này đã khai hoang hoang 90 ha, trồng thử nghiệm các giống dây tây, củ cải, trồng 80 ha cây bơ Hass, 15 ha chanh dây, 1 ha cây Bí; đầu tư hồ nước, nhà ở cho công nhân, hệ thống điện nước, đường nội bộ. Riêng chuồng trại nuôi heo, theo UBND tỉnh Kon Tum, Công ty TNHH Kon Tum Bellest chưa triển khai xây dựng.
Dự án xác định là chậm tiến độ và đã được liên ngành kiểm tra năm 2021 đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm UBND tỉnh Kon Tum ban hành ban hành Quyết định thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật của các nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn huyện Kon Plông (ngày 6/5) thì nhà đầu tư chưa lập hồ sơ điều chỉnh dự án theo Văn bản số 1519 (ngày 13/5/2021) của UBND tỉnh. Dự án này đã bị Thanh tra Chính phủ thanh tra, kết luận và đề nghị chấm dứt hoạt động dự án.
Dự án Quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, trồng, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao (do Công ty cổ phần Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen làm chủ đầu tư) được triển khai làm 2 giai đoạn (trong đó, giai đoạn 1 (từ năm 2015 - 2020) với mức đầu tư 2.500 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ năm 2020 - 2025) với mức đầu tư 2.600 tỷ đồng).
Nhà đầu tư đã triển khai thực hiện dự án với diện tích khoảng 130 ha, đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà ở công nhân 250 m2; nhà điều hành 200 m2; hệ thống giao thông nội vùng dự án; hệ thống cấp, xử lý nước; xây dựng 3 khu chăn nuôi khoảng 20.000 m2. Trồng cỏ 120 ha; tổng đàn dê hiện có trên 4.000 con.
Dự án này cũng nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, được đề nghị điều chỉnh dự án, nhưng trường hợp không thực hiện thủ tục thì đề nghị chấm dứt dự án.
Còn tại Dự án nuôi trồng, sản xuất dược liệu và rau hoa sứ lạnh, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 16 đã khai hoang trên toàn bộ diện tích và đã triển khai trồng sâm dây khoảng 8 ha, đến cuối năm tiếp tục trồng thêm 10 ha và sản xuất hết diện tích còn lại trong năm 2021; đã kéo điện hạ thế về khu sản xuất.
Công ty cổ phần đầu tư và thương mại 16 đã xây dựng nhà kho 200 m2. Tiến độ thực hiện dự án là quý IV/2016 đến Quý I/2019. Dự án được UBND tỉnh Kon Tum xác định là chậm tiến độ và đã được liên ngành kiểm tra năm 2021 đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh. Tuy vậy, đến ngày 6/5, nhà đầu tư chưa lập hồ sơ điều chỉnh dự án theo Văn bản số 1519/UBND-KTTH ngày 13/5/2021 của UBND tỉnh.
Đáng chú ý, theo UBND tỉnh Kon Tum, đến ngày 6/5, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thủy điện Boko vẫn chưa báo cáo tình hình thực hiện Dự án Thủy điện BoKo 2 cho cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Kon Tum.
Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại tiểu khu 486, thôn Măng Đen, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ Phúc Khang làm chủ đầu tư) cũng được UBND tỉnh Kon Tum xác định là dự án chậm tiến độ. Bởi lẽ, tiến độ thực hiện dự án này là 5/2019 đến quý I/2020. Dự án này từng bị Thanh tra Chính phủ thanh tra và đề nghị chấm dứt dự án.
Tương tự, Dự án nuôi và chế biến các sản phẩm từ giun quế tại thôn Kon Năng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (do Hợp tác xã Lan rừng làm chủ đầu tư) cũng chậm tiến độ, đã bị Thanh tra Chính phủ thanh tra, đề nghị chấm dứt hoạt động dự án.
Dự án đầu tư nuôi cá nước lạnh, trồng dược liệu kết hợp với du lịch sinh thái do Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ và Đầu tư Măng Đen làm chủ đầu tư.
Theo UBND tỉnh Kon Tum, nhà đầu tư đ ã triển khai khu nuôi cá với diện tích: 5,61 ha; Khu trồng rau hoa kết hợp dược liệu: 5,11 ha (gồm: cây sâm dây, đương quy, các loại dược liệu khác, hoa anh đào; hoàn thành các khu nhà làm việc với diện tích 150m2; nhà kho 300 m2; nhà ở, sinh hoạt công nhân 200 m2; nhà bảo vệ 20 m2; cổng và tường rào; bãi đậu xe, nhà vệ sinh, đường giao thông nội bộ và hệ thống điện chiếu sáng, bảng chỉ dẫn...
Nhà đầu tư tiếp đang chờ thủ tục đấu giá đối với diện tích đất thương mại dịch vụ để triển khai các thủ tục tiếp theo. Trong khi đó, dự án này có tiến độ thực hiện đầu tư từ quý I/2019 đến quý IV/2020.
Dù đã hết tiến độ thực hiện đầu tư từ cuối năm 2017, nhưng Dự án Nhà máy sản xuất nước ép từ trái sim rừng (Công ty TNHH Một thành viên Sim Thiên Sơn) mới đầu tư được 47%. Theo UBND tỉnh Kon Tum, nhà đầu tư đã xây dựng hàng rào, cổng, nhà công nhân, bể nước ngầm, lắp đạt 1 dây chuyên sản xuất thử nước ép, chai lọ và đã có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Giá trị đầu tư khoảng 10 tỷ đồng (đạt 47% so với tổng mức đầu tư).
Dự án này chậm tiến độ và đã được liên ngành kiểm tra năm 2021 đề xuất UBND tỉnh cho phép điều chỉnh. Tuy vậy, nhà đầu tư chưa lập hồ sơ điều chỉnh dự án theo Văn bản số 1519/UBND-KTTH ngày 13/5/2021 của UBND tỉnh.
Hay Dự án Trồng rau, hoa, quả và xây dựng khu trưng bày sản phẩm gắn với du lịch sinh thái Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu Ngọc Trinh cũng triển khai chậm tiến độ, được cho phép điều chỉnh nhưng đến 6/5, nhà đầu tư vẫn chưa nộp hồ sơ điều chỉnh dự án.