. |
Điều kỳ diệu Việt Nam
Một ngày tháng 6/2020, giám đốc quốc gia một thương hiệu lớn của Mỹ đã bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để gặp mặt các nhà báo liên quan đến hoạt động của Công ty tại thị trường Việt Nam. Một sự kiện vốn bình thường, nhưng bỗng trở nên thật đặc biệt trong dịp này.
Vị giám đốc kể, để thực hiện được cuộc gặp này, cô phải đệ trình kế hoạch lên cấp rất cao bên tập đoàn mẹ và chỉ nhận được sự phê duyệt sau một thời gian khá dài “nâng lên đặt xuống”. Bởi vậy, khi cô gửi bức ảnh mình và các nhà báo Việt Nam giữa khoảng sân đầy nắng và hoa của một khách sạn ở Hà Nội, đồng nghiệp của cô ngạc nhiên vô cùng. Họ không thể tin được, giữa lúc nhiều quốc gia vẫn trong vòng phong tỏa, lại có một nơi mọi người có thể ngồi bên nhau, nhâm nhi café và chuyện trò.
“Họ nói, đó là điều thật tuyệt vời. Tôi cũng cảm thấy mình may mắn khi ở Việt Nam vào lúc này!”, cô mỉm cười.
Không chỉ vị giám đốc ấy, cả thế giới đang nhìn Việt Nam bằng sự ngưỡng mộ. Rằng. Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu.
Kỳ diệu thật chứ, khi cho tới nay, mới chỉ có 335 người mắc bệnh, chưa bệnh nhân nào phải giã từ cuộc sống tươi đẹp này, trong khi Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc, nơi khởi phát của Covid-19. Bất chấp nguồn lực có hạn, trang thiết bị y tế và có thể trình độ bác sĩ còn thua kém nhiều quốc gia khác, hầu như tất cả người bệnh đã được chữa khỏi. Phi công người Anh, sau 3 tháng nằm trên giường bệnh, có lúc đã ở lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết, cũng đã nở nụ cười và bước những bước đi đầu tiên.
Sự sống được hồi sinh, không điều gì kỳ diệu hơn thế!
Và không chỉ là chiến thắng đại dịch, Việt Nam đang từng bước chiến thắng trong cuộc chiến phục hồi kinh tế.
Giữa lúc nhiều quốc gia dự báo tăng trưởng âm, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 3,82% trong quý I/2020. Cả năm, dù không thể đạt mục tiêu 6,8% đề ra, thì vẫn có thể đạt khoảng 5% như dự báo. Ngay cả khi chỉ đạt con số 2,7% mà IMF đề cập, thì vẫn là điều đáng ghi nhận, khi mà Mỹ, Nhật, Hàn đang lo suy thoái…
Quan trọng hơn, giữa lúc nhiều nền kinh tế lớn trên toàn cầu vẫn vật lộn với dịch bệnh, Việt Nam đã bắt đầu các kịch bản phục hồi kinh tế, chuẩn bị bước đi cần thiết để tận dụng cơ hội khi làn sóng đầu tư nước ngoài dịch chuyển, khi cấu trúc kinh tế toàn cầu thay đổi…
Việt Nam đã làm nên điều kỳ diệu trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, thì rất có thể, cũng sẽ viết nên chuyện thần kỳ về phục hồi kinh tế. Có thể lắm chứ! Chính các đại biểu Quốc hội đã nói vậy khi bàn về kinh tế Việt Nam thời Covid-19.
Và “tấm huy chương” dành cho báo chí
Cách đây ít hôm, khi dự hội nghị sơ kết về công tác thông tin, tuyên truyền về đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói, chính cách thức truyền thông đa dạng, sinh động, vừa đảm bảo kỷ luật thông tin, không gây kích động trong xã hội, nhưng vẫn đủ để đảm bảo người dân không chủ quan và chấp hành tốt việc phòng, chống dịch của các cơ quan báo chí đã góp phần làm nên chiến thắng của Việt Nam trước đại dịch Covid-19.
Chưa có tấm huy chương thực tế nào được trao, nhưng lời khen ngợi đó của người đứng đầu Chính phủ đã tiếp thêm sức mạnh cho những người làm báo Việt Nam.
Chính phủ đã rất nỗ lực trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Nhưng làm nên chiến thắng đó, quan trọng hơn hết là nhờ tinh thần đoàn kết một lòng của mỗi người dân Việt. Chính các nhà báo, những người không quản ngày đêm, lặn lội đường xa, xông pha cả vào những “điểm nóng” dịch bệnh để đưa tin, viết bài giữa những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp…, đã trở thành chiếc cầu nối hữu hiệu giữa ý chí, quyết tâm của Chính phủ và sự đồng lòng, nhất trí của mỗi người dân Việt.
Từng ca bệnh được cập nhật mỗi ngày. Từng hành trình di chuyển của mỗi người bệnh được thông tin cụ thể. Mỗi thông điệp của Chính phủ, “chống dịch như chống giặc”, hay phải thực hiện nhiệm vụ kép “cả chống dịch, cả duy trì phát triển kinh tế” đều đã được chuyển tải tới mỗi người dân một cách rõ ràng, nhanh chóng nhất. Để ai cũng hiểu, thực hiện giãn cách xã hội là vừa để bảo vệ sức khỏe nhân dân, cũng là vừa giảm thiểu thiệt hại kinh tế. Để ai cũng biết, giữa lúc bệnh dịch hiểm nguy, phải tin ở thông tin chính thống, và nói không với tin “fake”, tin đồn, tin lan truyền thất thiệt… Để ai cũng tin và tuyệt đối tuân thủ các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, không chỉ trong phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh, mà giờ đây, còn cả trong hành trình vực dậy nền kinh tế.
Hơn 10 năm trước, kinh tế đất nước từng trải qua tác động khôn lường của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đợt khủng hoảng lần này, dù không xuất phát từ nguyên nhân kinh tế, nhưng lại khiến nền kinh tế đối mặt với khó khăn, thách thức gấp bội. Dù thách thức khác nhau, các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra từng thời kỳ có những khác biệt, nhưng vai trò của truyền thông trong tạo đồng thuận trong xã hội luôn được khẳng định và nhấn mạnh.
Không chỉ là theo sát từng diễn biến của nền kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng diễn biến thế nào, xuất nhập khẩu tăng trưởng hay sụt giảm ra sao, liệu tăng trưởng kinh tế có đạt mục tiêu đề ra khi mà Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, mà còn là để dân hiểu và tin tưởng, vì sao Chính phủ phải đóng cửa biên giới, tại sao cho phép các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, lý do nào phải điều chỉnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội… Và hơn hết, là cùng vạch ra con đường mà Việt Nam phải đi sau đại dịch, để nền kinh tế nhanh chóng đứng dậy, không chỉ bằng mà còn vượt cả trước thời điểm đại dịch tràn tới…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, để thực hiện mục tiêu kép, hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, các cơ quan truyền thông phải làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, phải góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, công ty tốt, cách làm ăn hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa kinh tế bật dậy sau dịch…
Muốn nhận được tấm huy chương, báo chí còn nhiều việc phải làm, để cùng một lần nữa viết nên điều kỳ diệu Việt Nam!.