Đã nhiều lần, cộng đồng doanh nghiệp (DN) tha thiết kiến nghị dỡ trần chi phí cho quảng cáo, nhưng Bộ Tài chính luôn “khất lần”, vì sao vậy, thưa ông?
Cứ mỗi lần sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý liên quan đến xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản mà DN chi cho quảng cáo. Có ý kiến đề nghị bỏ, có ý kiến đề nghị nâng trần chi cho quảng cáo và cũng có không ít ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành.
Sau khi tính toán, cân nhắc giữa cái được và cái mất, Bộ Tài chính đều tiếp thu theo hướng tạo thuận lợi nhất cho nền kinh tế, đồng thời phù hợp với thông lệ mà nhiều nước đang áp dụng.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính |
Cụ thể, nếu như trong giai đoạn 1999 - 2003, chúng ta áp dụng mức trần quảng cáo theo 3 nhóm là sản xuất, thương mại và một số ngành nghề đặc thù, với các mức khống chế tương ứng là 3%, 5% và 7% tổng chi phí được trừ; thì từ năm 2004 đến năm 2013, đã áp dụng mức trần quảng cáo thống nhất là 10%, trong đó DN thành lập mới từ năm 2009 được áp dụng mức trần cao hơn là 15% trong 3 năm đầu.
Tiếp theo, từ năm 2014 đến nay, mức chi phí quảng cáo tối đa được thống nhất ở mức 15% tổng chi phí được trừ. Ngoài ra, các khoản nằm trong nhóm khống chế mức chi trần cũng được thu hẹp, nên đã tạo điều kiện cho DN quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Năm 2013, khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN, Bộ Tài chính vẫn nhất quyết giữ quan điểm chưa dỡ trần chi phí quảng cáo, nhưng chỉ mấy tháng sau, khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, Bộ Tài chính lại có quan điểm ngược lại?
Tôi cũng muốn giải thích thêm rằng, trước đây có khoảng 30% các quốc gia trên thế giới có nền kinh tế tương đồng như Việt Nam khống chế chi phí cho quảng cáo ở các mức độ khác nhau. Vì vậy, việc chưa dỡ bỏ trần chi phí cho quảng cáo cũng là nhằm bảo vệ DN trong nước và không vi phạm các hiệp định thương mại song phương hoặc đa phương mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, trên thế giới chỉ còn vài nước khống chế chi phí quảng cáo, nên chúng ta cần phải dỡ bỏ khống chế chi phí quảng cáo để phù hợp với thông lệ chung. Hơn nữa, năm 2015, Việt Nam thực hiện hàng loạt hiệp định thương mại tự do vừa mới ký kết hoặc chuẩn bị ký kết, nên cần phải tạo điều kiện cho DN trong nước quảng bá sản phẩm, tiếp cận và mở rộng thị trường. Chính vì vậy, việc dỡ bỏ khống chế chi phí quảng cáo ở thời điểm này là phù hợp.
Trước đây, một trong những nguyên nhân khiến Bộ Tài chính chưa muốn dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo xuất phát từ lo ngại DN tăng chi phí khiến ngân sách giảm thu. Nỗi lo này hiện nay còn không, thưa ông?
Hiện chỉ có khoảng 1% tổng số DN sử dụng hết mức khống chế chi phí dành cho quảng cáo (15% tổng số chi phí được trừ), nên nếu có dỡ bỏ cũng không ảnh hưởng tiêu cực tới số thu ngân sách. Theo tính toán, năm 2015, ngân sách chỉ giảm thu khoảng 160 tỷ đồng.
Trong khi đó, việc dỡ bỏ khống chế chi phí quảng cáo lại tạo điều kiện cho DN quảng bá, tiếp thị sản phẩm, dịch vụ, mở rộng thị trường, mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nên sẽ giúp ngân sách tăng thu bền vững trong tương lai.
Không những thế, dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo còn tăng tiềm lực tài chính cho DN. Bởi nếu bị khống chế, các khoản mà DN chi cho quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp thị… (chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng số chi phí của DN) khiến lợi nhuận của DN bị giảm đi nếu hạch toán vào lợi nhuận sau thuế hoặc họ phải hạn chế các khoản chi này. Dù là cách này hay cách khác thì cũng làm giảm “sức khỏe” của DN.
Nhiều người lo ngại, khi dỡ bỏ khống chế chi cho quảng cáo sẽ có DN lợi dụng để trục lợi?
Điều này không đáng lo ngại, vì theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập DN có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014, tất cả các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh phải có đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. Đối với hoá đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các trường hợp không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.
Nhưng DN vẫn có thể gian lận được thuế khi quảng cáo trên mạng Internet, thưa ông?
Về vấn đề này, chúng tôi đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa ra cơ chế quản lý, phương thức quản lý quảng cáo trên mạng Internet, quảng cáo qua biên giới, từ đó vừa quản lý được thị trường quảng cáo, vừa tránh được gian lận thuế.
Mạnh Bôn