Đỗ Xuân Tiến (bên phải) giới thiệu các sản phẩm của FUWA |
Vào vai khách hàng đầu tiên
Tự nhận mình khởi nghiệp kiểu… nhà nghèo, Tiến cười và giải thích: “Nghĩa là, sẽ phải làm tất tần tật, mà chúng tôi hay gọi vui là ‘thợ đụng’, từ việc nghiên cứu chiến lược, cân đo tài chính, cho đến việc ngâm ủ từng thùng enzyme để sản xuất, đặc biệt là siêng rửa bát, lau nhà, giặt đồ hơn, vì chính mình sẽ phải thử nghiệm sản phẩm do mình làm ra đầu tiên”.
Đây là câu nói mà Tiến và các thành viên FUWA luôn dành cho nhau mỗi khi đối mặt với khó khăn, để động viên nhau giữ niềm tin và tiếp tục cố gắng.
Vào vai khách hàng đầu tiên trải nghiệm sản phẩm là cách mà đội ngũ FUWA đã thực hiện để đi tìm sự cân bằng giữa ba yếu tố: sản phẩm sinh học tự nhiên, hiệu quả và giá cả. Tiến và các đồng nghiệp tìm mua các sản phẩm trên thị trường về để sử dụng, trải nghiệm và tặng bạn bè, người thân để họ dùng và cùng đánh giá độ hiệu quả tẩy rửa, độ thân thiện của sản phẩm khi sử dụng...
Cùng với đó, FUWA thu thập dữ liệu và phân tích mức độ chịu chi của tệp khách hàng trong nhóm ưa dùng sản phẩm thân thiện với môi trường, tham khảo báo cáo của một số đơn vị khảo sát độc lập…
Sau gần 2 năm miệt mài, Tiến và đội ngũ FUWA đã tìm được công thức tối ưu để giữ được tính tự nhiên của sản phẩm, lại đạt được hiệu quả tương đương hoặc hơn sản phẩm hiện tại, đồng thời giữ giá bán ở mức khách hàng có thể chấp nhận được.
Nếu so với các sản phẩm công nghiệp, giá sản phẩm của FUWA đắt gấp 2 - 2,5 lần (tùy loại), còn so với sản phẩm cùng phân khúc (hữu cơ/sinh học), thì các loại nước giặt, nước rửa chén, nước lau nhà… của FUWA đang ở mức trung bình, nhưng Tiến tự tin, chất lượng của FUWA ở tốp đầu.
“Phải làm điều gì đó cho quê hương”
Điều gì đã dẫn lối cho Tiến, từ một kỹ sư công nghệ thông tin, chuyển sang nghiên cứu về phương pháp ngâm ủ thủ công và lên men tự nhiên từ vỏ trái cây để tạo ra các sản phẩm tẩy rửa sinh học?
Tiến kể, quê hương Thanh Hóa của anh có những vùng đồi núi thấp rải rác như Thạch Thành, Hà Trung, Bỉm Sơn… với đất đai màu mỡ, khí hậu nóng ẩm, là nơi lý tưởng để hình thành những nông trường dứa sạch với sản lượng lớn và chất lượng cao, trở thành đặc sản của địa phương.
Nhưng nhiều năm gần đây, dứa bị rớt giá trầm trọng do không tìm được đầu ra, người nông dân bao năm gắn bó với nông trường dứa không thể vừa lo trồng trọt, vừa lo làm thương mại cho quả dứa. Những chuyến hàng nhỏ lẻ, những vườn dứa vàng ươm đến ngày thu hoạch thường xuyên phải nằm chờ, thậm chí, có những mùa dứa, nông dân phải xót xa thu hoạch dứa và tìm chỗ đổ đi.
Là người con của đất dứa, Tiến thấu hiểu những vất vả, khó khăn của người nông dân. Anh luôn trăn trở để tìm đường ra cho đặc sản quê mình…
Xuất khẩu dứa, làm nước ép dứa… là phương án mà các doanh nghiệp đi trước đã làm, nhưng dường như vẫn chưa giải quyết bài toán đầu ra cho trái dứa một cách triệt để. Người nông dân quê nhà vẫn phải đối diện với nỗi lo thường trực.
Đau đáu với suy nghĩ phải làm điều gì đó cho quê hương, để người trồng dứa có cuộc sống tốt hơn, nhưng rồi, thời gian trôi đi, với chuyên môn về công nghệ thông tin, Tiến vẫn chưa biết phải làm gì.
“Tôi thấy mình thật kém cỏi, nhưng vẫn không ngừng suy nghĩ về quê hương. Cho đến một ngày, tình cờ, tôi được nghe câu chuyện về TS. Rosuko, người Thái Lan, đã có 30 năm nghiên cứu về phương pháp ngâm ủ thủ công và lên men tự nhiên từ vỏ trái cây, đem đến những sản phẩm sinh học, sản phẩm xanh, sạch cho môi trường, tốt cho sức khỏe cộng đồng”, Tiến nhớ lại.
Khi đó, Tiến mừng vui thấy mình như tìm được “chân kinh”. Anh lao vào tìm hiểu, nghiên cứu về tác dụng của dứa và được biết, trong vỏ dứa có rất nhiều a-xít hữu cơ, đó chính là chất tẩy rửa tự nhiên.
Bằng chứng là, khi dùng một con dao thép bị rỉ để gọt dứa, con dao cũng sạch và sắc hơn. Hay khi ăn dứa, cảm giác rát rát nơi đầu lưỡi là do những enzyme Bromelain trong dứa hoạt động mạnh mẽ, tiêu diệt những chất bẩn protein trên lưỡi… Nếu kết hợp với các loại vỏ trái cây giàu vitamin, tinh dầu khác như vỏ cam, vỏ chanh, vỏ bưởi… có thể tăng thêm tính tẩy rửa, kháng khuẩn và giúp mềm mại da tay.
Từ đây, Tiến hình thành ý tưởng sản xuất sản phẩm tẩy rửa sinh học tự nhiên. Anh chia sẻ với vợ và những người bạn của mình ở Đà Nẵng. Cả nhóm quyết định bắt tay thực nghiệm.
Đến năm 2017, những sản phẩm nước rửa chén sinh học đầu tiên được ra đời. Tiến và đội ngũ tiếp tục thử nghiệm thực tế bằng cách tạo ra 2.000 mẫu thử đồng nhất và gửi cho người dùng sử dụng để đánh giá sản phẩm. Trong suốt thời gian đó, họ liên tục cải tiến công thức, quy trình ngâm ủ và nghiên cứu các chế phẩm khác như nước rửa tay, lau sàn, xịt khử mùi…
Năm 2019, Công ty TNHH Công nghệ sinh học FUWA Biotech được thành lập, bắt đầu hành trình thương mại hóa sản phẩm. Khó khăn lớn nhất mà Tiến và đội ngũ FUWA phải đối mặt khi nghiên cứu, sản xuất những chế phẩm tẩy rửa sinh học hoàn toàn tự nhiên, không chất tạo màu, không hóa chất độc hại là phải đảm bảo chất lượng, mà giá cả không chênh lệch lớn so với các sản phẩm trên thị trường. Để làm được điều này, cùng với việc không ngừng học hỏi, nghiên cứu, cải tiến, FUWA còn phải nâng cao năng lực quản trị, marketing…
Đội ngũ FUWA kỳ vọng, đến năm 2025, sẽ có khoảng 100 triệu người sử dụng sản phẩm xanh của FUWA.
“Các nền tảng công nghệ mở ra những cách thức mới để đưa sản phẩm vươn ra thế giới. Chúng tôi đang có những bước chuẩn bị, từ việc tăng cường đầu tư hoàn thiện mở rộng nhà xưởng, xây dựng nền tảng tiếp thị và thương hiệu để chinh phục thị trường”, Tiến chia sẻ.