Đoàn Hải Bằng, Nhà sáng lập RIKAI. |
Người Việt vì người Việt
Tại Nhật Bản, có hơn 600.000 người Việt đang làm việc, học tập. Nếu ở Việt Nam, mọi người có thể dễ dàng mua và đăng ký sim điện thoại, thì tại Nhật Bản, câu chuyện hoàn toàn khác. Để sở hữu sim điện thoại từ các nhà mạng lớn của Nhật Bản, cá nhân phải đáp ứng những điều kiện khắt khe như: từ 20 tuổi trở lên, có thẻ tín dụng, có visa trên 2 năm, cần mua sim kèm điện thoại…
Những khó khăn này buộc nhiều người Việt Nam tại Nhật Bản tìm cách mua sim qua các cá nhân nhỏ lẻ trên mạng. Tuy nhiên, không ít trường hợp bị lừa, phải trả trước cho các gói di động từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng chỉ sau 1 - 2 tháng là sim không còn dùng được.
Quan trọng hơn, đa số những người bán sim trên mạng đều bán sim data. Nếu muốn đăng ký một sim nghe, gọi như ở Việt Nam, khách hàng phải cung cấp giấy tờ tùy thân cho một người mà mình không rõ là ai trên Internet.
- Đoàn Hải Bằng, Nhà sáng lập RIKAI
“Đây là rủi ro vô cùng lớn, vì người khác có thể dùng thông tin đó để làm những việc mà bạn không biết được. Ở Nhật Bản, giấy tờ tùy thân rất giá trị, thậm chí, chỉ cần mua thông tin thôi cũng được rất nhiều tiền”, Hải Bằng chia sẻ.
Hiểu được thực tế đó, Hải Bằng đã thành lập Công ty Phần mềm RIKAI, tiên phong phát triển mạng di động ảo (mạng di động mà nhà mạng hoạt động dựa trên cơ sở hạ tầng mạng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông khác, không cần sở hữu cơ sở hạ tầng riêng), hướng tới phục vụ người nước ngoài ở Nhật Bản và trước tiên là người Việt Nam.
Bằng cách hợp tác với nhà mạng NTT Docomo tại Nhật Bản, RIKAI đã phát triển mạng viễn thông ảo Aloo, đưa ra nhiều gói cước hợp lý, tiết kiệm cho người Việt. Có những gói, người dùng chỉ cần thanh toán theo tháng, thay vì phải trả trước 6 tháng hay 1 năm. Dù không sở hữu thẻ ngân hàng, người dùng vẫn dễ dàng thanh toán bằng tiền mặt tại 300.000 cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản.
Hải Bằng cho hay, quá trình đăng ký sim Aloo chỉ mất 5 phút. Người dùng cài ứng dụng, tự đăng ký thông tin và thanh toán, sau đó, hệ thống của Aloo sẽ xử lý, nên thông tin của khách hàng được bảo mật nghiêm ngặt. Ngay trên app Aloo, khách hàng có thể tự phát hành một sim điện tử. Trường hợp khách dùng sim vật lý, thì trong vòng 1 - 2 ngày, Aloo giao sim cho khách hàng tại Nhật Bản hoặc Việt Nam.
“Tôi thấy các doanh nghiệp Nhật Bản ít chú ý đến cộng đồng người Việt Nam. Tôi sẽ làm điều đó. Tôi dùng hạ tầng của họ và cung cấp dịch vụ cho người Việt một cách đàng hoàng, chỉn chu”, Hải Bằng nói.
Tay ngang lấn sân sang mảng viễn thông
Nói về những khó khăn trong việc phát triển mạng viễn thông ở Nhật Bản, nhà sáng lập sinh năm 1980 cho biết, khó khăn đầu tiên chính là việc anh không biết gì về mạng viễn thông, cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mở mạng viễn thông. Đoàn Hải Bằng từng làm ở FPT từ khi còn là sinh viên cho đến khi được Công ty cử sang Nhật Bản vào năm 2018. Sau đó, anh quyết định nghỉ việc, đứng ra thành lập RIKAI, chuyên lĩnh vực gia công phần mềm.
Quá trình sinh sống tại Nhật Bản khiến anh dần nhận ra, việc sở hữu số điện thoại chính danh rất quan trọng. Dù ít khi gọi điện thoại, nhưng mỗi cá nhân đều cần một chiếc sim của riêng mình, bởi ở Nhật Bản, làm bất cứ điều gì, từ đi uống cà phê cho đến đăng ký tài khoản ngân hàng, mua nhà… đều bị hỏi số điện thoại. “Việc sở hữu 1 số điện thoại được đăng ký chính danh sẽ đảm bảo tính chính danh khi sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, là điều kiện tiên quyết để đảm bảo quyền lợi ở mọi nơi, đơn giản nhất như tích điểm trong quán cà phê”, nhà sáng lập RIKAI nói.
Hải Bằng và đội ngũ RIKAI bắt tay nghiên cứu và hơn 1 năm sau thì chính thức ra mắt mạng viễn thông ảo Aloo. Ban đầu, các thành viên của RIKAI cũng tranh cãi về việc chỉ cung cấp gói cước data thuần tuý để cạnh tranh với các bên bán sim trôi nổi. Nhưng sau đó, họ quyết định kiên định với con đường mình đã chọn, phục vụ những người muốn chính danh, muốn được phục vụ như một khách hàng thực thụ ở Nhật Bản.
Aloo chủ động hướng tới phân khúc khách hàng riêng, đó là những người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, hoặc khách du lịch tại Nhật Bản. Bằng cách này, Aloo giúp đối tác NTT Docomo tiếp cận tệp khách hàng mới, vốn nhạy cảm về giá, mà không ảnh hưởng đến tệp khách hàng cũ.
Tất nhiên, để có thể bắt tay hợp tác với NTT Docomo, mọi chuyện không hề đơn giản. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về giấy phép con, nhất là hệ thống bảo mật thông tin người dùng, Hải Bằng chia sẻ, doanh nghiệp cần phải gây dựng uy tín vững chắc trên thị trường, bởi người Nhật Bản không chạy theo lợi ích, họ rất đề cao uy tín.
Mạng di động ảo Aloo đang tiến gần đến cột mốc 10.000 người dùng, dù mới chính thức ra mắt đầu năm nay. Nhà sáng lập Aloo đặt mục tiêu phục vụ 600.000 người Việt Nam tại Nhật Bản, tiến tới mở rộng sang các cộng đồng người nước ngoài khác.