Đông đảo doanh nghiệp dự hội thảo "Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tại VCCI, sáng 14/2/2023. |
Sáng 14/2, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương phối hợp tổ chức hội thảo "Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu".
Cả hội trường tầng 7 tại VCCI đầy kín khách mời, phần lớn là các doanh nghiệp đến từ khắp cả nước, hy vọng được góp thêm ý kiến cho Ban soạn thảo sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu.
DN bán lẻ đã lỗ nghìn tỷ cả năm nay
Ông Hà Thanh Tùng, lãnh đạo một công ty xăng dầu tỉnh Hà Giang, thay mặt cho nhóm khoảng 9.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước hiện đang tạo ra 27.000 việc làm, mỗi tháng chi 270 tỷ đồng tiền lương. Nếu tính bình quân một cửa hàng xăng dầu đầu tư xây dựng khoảng 10 tỷ đồng thì tổng tài sản lên tới 90.000 tỷ đồng.
"Tài sản, số việc làm, số tiền doanh nghiệp chi trả cho người lao động lớn hơn nhiều so với một số thương nhân xuất nhập khẩu. Nhưng lũy kế từ tháng 3/2022 đến nay, các DN này đã thua lỗ khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng, đang đứng trước nguy cơ xin rút giấy phép, tạm ngưng kinh doanh”, ông Tùng nói.
Do xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên lời hay lỗ vẫn phải bán hàng nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt.
"Thời gian qua dù chịu mức chiết khấu bằng 0, thậm chí là chiết khấu âm nhưng doanh nghiệp bán lẻ vẫn phải duy trì kinh doanh. Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng ở một nơi sau khi ký hợp đồng có thể bị chèn ép bởi nhà phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận bởi nếu không lấy hàng sẽ không thể lấy của nhà phân phối khác. Doanh nghiệp bán lẻ bị kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu", ông Tùng phản ánh.
Trong khi đó, doanh nghiệp phân phối vừa nhập hàng để bán buôn, vừa có các cửa hàng bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ. Qua đó được hưởng nhiều lợi tích như: Lợi nhuận định mức, chí phí kinh doanh định mức, chủ động được nguồn hàng, không bị xử phạt khi dừng bán hàng…
Sở hữu 2 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Bắc Giang, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Huệ cũng đang chịu cảnh thua lỗ. Chi phí kinh doanh hàng tháng 90-100 triệu đồng, trong đó gồm: 60 triệu trả lãi vay, 20 triệu lương nhân viên, 10 triệu là các chi phí khác, DN đang cố cầm cự thêm, nhưng có thể phải tính đến phương án đóng một cửa hàng để giảm áp lực chi phí vốn.
Trao đổi với Baodautu.vn, ông Hồ Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Huệ cho biết: "Sẽ cố gắng cầm cự, nhưng có thể trong thời gian tới sẽ đăng ký với cơ quan quản lý để rút ngắn thời gian bán hàng, vì càng bán nhiều càng lỗ nhiều.
Kiến nghị mức chiết khấu tối thiểu
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quan lý kinh tế Trung ương.
Để thị trường xăng dầu ổn định, công bằng, hài hòa lợi ích, ông Hà Thanh Tùng đề nghị: "Ban soạn thảo công nhận sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong xây dựng Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi để doanh nghiệp có các quyền và nghĩa vụ bình đẳng như các doanh nghiệp đầu mối”.
Đồng thời, quy định lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý đảm bảo công bằng, không có sự phân biệt đối xử… Cụ thể, chi phí định mức nên chia thành 3 khâu, trong đó của khâu bán lẻ khoảng 3-5%, lợi nhuận định mức của khâu bán lẻ khoảng 2-2,5%.
Còn ông Hồ Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Huệ đề xuất mức chiết khấu tối thiểu 5-6% /giá bán lẻ xăng dầu, đây được coi là công cụ để doanh nghiệp hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu thế giới.
Góp ý với Ban soạn thảo về sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng, kinh doanh xăng dầu hiện nay rất bất ổn, DN bán lẻ cực kỳ khó khăn, mấu chốt làm sao xây dựng được Nghị định kinh doanh xăng dầu lâu dài, ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế.
Ông Chấn khẳng định: "Nếu không có chiết khấu thì không thể đảm bảo được thị trường xăng dầu ổn định, DN bán lẻ không có lãi thì không thể duy trì kinh doanh. Đại diện DN đến từ Trà Vinh đề nghị, cần quy định mức chiết khấu tối thiểu và xem đó là khoản chi phí nhất định để đảm bảo hoạt động của thị trường xăng dầu được ổn định, vì doanh nghiệp bán lẻ là khâu quan trọng, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng nên cần đảm bảo các hoạt động cần diễn ra một cách liên tục, xuyên suốt.
Các doanh nghiệp bán lẻ đồng loạt cho rằng, chiết khấu là công cụ hữu hiệu để DN bán lẻ tồn tại. Tuy nhiên, cần chia 3 khâu rõ ràng: Đầu mối, phân phối và bán lẻ, đồng thời đề xuất chiết khấu tối thiểu 5-6% trên giá bán lẻ cho DN.
Khi giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ khắc phục được vấn đề đứt gãy cục bộ, đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh như hiện nay.