Chiều nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM để nắm bắt tình hình dịch trên địa bàn.
Phó Thủ tướng đã đề nghị TP.HCM áp dụng mô hình robot tự động, gọi điện hỏi thăm sức khỏe người dân, trước hết tại những nơi có nguy cơ cao; nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Robot này sẽ cập nhật dữ liệu sức khỏe của người dân và phát hiện những ai có triệu chứng dịch để ngành y tế kịp thời nắm bắt, xét nghiệm.
Phó Thủ tướng đã giao Bộ KH&CN phối hợp với Bộ TT&TT sớm triển khai mô hình này tại TP.HCM để tầm soát y tế nhanh nhất có thể.
Ngay khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện từ ngày 27/04, hàng loạt công ty công nghệ trong công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đã cùng với các đối tác đã phát triển nhiều giải pháp ứng phó dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp này đang tận dụng lợi thế từ nguồn lực đội ngũ kỹ sư tay nghề cao để xây dựng nhiều ứng dụng phục vụ trong công tác phòng – tránh dịch Covid 19.
Ví dụ, StayHome14- giải pháp quản lý cách ly phòng chống Covid-19 của công ty TMA Innovation là hệ thống quản lý được tích hợp với thiết bị đeo thông minh, hỗ trợ các cơ quan chức năng theo dõi và kiểm soát hành vi, tình trạng sức khoẻ của người thuộc diện nghi nhiễm Covid-19 đang phải cách ly tại nhà.
Ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng giám đốc TMA Solutions cho biết, giải pháp này ứng dụng AI và IoT giúp giám sát tình trạng sức khỏe và vị trí của người cách ly thông qua điện thoại và đồng hồ thông minh, gửi cảnh báo đến cơ quan quản lý khi có dấu hiệu bất thường về nhiệt độ cơ thể hoặc người cách ly ra khỏi khu vực cách ly.
Với giải pháp này, các đơn vị có thể dùng được với nhiều loại thiết bị khác nhau nếu có hỗ trợ Bluetooth và cho phép quản lý, kiểm soát dữ liệu. Dữ liệu truyền về từ thiết bị có tính bảo mật cao, chỉ được kiểm soát và truy xuất bởi các bên có thẩm quyền.
Ứng dụng kiểm soát cách ly bao gồm các chức năng như kiểm soát vị trí, theo dõi thân nhiệt, cảnh báo cho cơ quan chức năng, kiểm tra chỉ số sức khỏe và toàn bộ dữ liệu chỉ được kiểm soát, truy xuất bởi các bên có thẩm quyền.
Camera đo thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang người ra vào thang máy, tòa nhà của TMA. |
TMA còn vừa đưa ra cổng đo thân nhiệt tự động, sàng lọc người nghi nhiễm Covid-19. Cụ thể, khi có người đi qua, hệ thống sẽ tự động đo thân nhiệt và nhắc đeo khẩu trang (nếu người đó không đeo). Nếu thân nhiệt vượt quá 37,5 độ C thì máy sẽ đưa ra cảnh báo.
Cổng đo thân nhiệt tự động này được áp dụng tại các tòa nhà, khu vực cách ly cần kiểm soát người ra vào nhằm mục đích thay thế người kiểm tra thân nhiệt như hiện nay. Từ đó, giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, mang lại tính an toàn cao.
Hệ thống này đang được áp dụng nhiều nơi như công viên phần mềm Quang Trung, Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), khu biệt thự An Phú (quận 2), Công ty LandmarkAsia PPVN,...
Ngoài ra, để góp phần giảm tải công việc cho đội ngũ làm việc trong ngành y tế, công ty Alta Software đã nghiên cứu ra hệ thống thu thập thông tin về sức khoẻ POD (Personal Online Docket).
Đây là sản phẩm thiết bị phần cứng theo dạng checkin kiosk (một hình thức hành khách tự phục vụ) dành cho các bệnh viện, phòng khám, cho phép việc lấy chỉ số sinh tồn như chiều cao, cân nặng, nhiệt độ, huyết áp, và nồng độ oxy trong máu của người khám bệnh.
Hệ thống mở và có thể tích hợp được với các hệ thống quản lý bệnh viện (HIS) của các bệnh viện, phòng khám và có thể chuyển tiếp các chỉ số sinh tồn của người đi khám bệnh vào thẳng các hệ thống kế tiếp của bệnh viện.
Hiện trung tâm Hỗ trợ Dự án và Đổi mới sáng tạo (GIC), bệnh viện đại học Y Dược, bệnh viện Thống Nhất tại TP.HCM đã lắp đặt thử nghiệm hệ thống này.
.Với thiết bị POD, người đi khám bệnh có thể sử dụng một cách rất dễ dàng mà không cần phải có sự trợ giúp từ điều dưỡng hay y tá. |
Đánh giá về hệ thống POD, PGS Phạm Lê An, trưởng Trung tâm đào tạo bác sĩ gia đình, bệnh viện đại học Y Dược cho biết, hệ thống giúp lấy dấu hiệu sinh tồn một cách chính xác và an toàn cho người bệnh bao gồm các chỉ số về mạch, huyết áp, nhiệt độ, cân nặng, chiều cao.
Sau đó, dữ liệu được gửi về được lưu trữ một cách an toàn và bảo mật.
Đối với người bệnh, ngay trong mùa dịch người bệnh cũng có thể tự động lấy thông số, tự động đo và tự động khai báo y tế.
Nếu nhận được kết quả người bệnh có vấn đề thì có thể đưa đi cách ly ngay chứ không cần phải vào khu vực bệnh nhân đông, tránh lây nhiễm chéo.
“Các bệnh nhân thường có bảo hiểm y tế, việc nhận diện được khuôn mặt của bệnh nhân sẽ giúp nhanh chóng kết nối với hồ sơ sức khỏe điện tử của bệnh nhân hoặc là bệnh án điện tử trong bệnh viện. Từ đó dữ liệu được tổng hợp một cách toàn diện và liên tục và nếu bệnh nhân đi tái khám cũng rất nhanh”, PGS Phạm Lê An chia sẻ.