Tập đoàn Hòa Phát giữ “ngôi vương” về giá trị tồn kho trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng không phải doanh nghiệp duy nhất tích lũy cho đầy thêm kho hàng. |
Trữ đầy thêm kho hàng
Liên tục mở rộng quy mô, lần đầu tiên, giá trị tồn kho của Tập đoàn Hòa Phát cán mốc 2 tỷ USD vào cuối quý III/2021. Lượng hàng tồn bao gồm nguyên vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm dù giảm trong quý cuối năm 2021, nhưng vẫn đạt xấp xỉ 42.370 tỷ đồng. Con số này tăng 60% so với năm 2020. Tỷ trọng tồn kho trên tổng tài sản cũng tăng mạnh lên 23,6%, từ mức gần 20% hồi cuối năm 2020.
Tập đoàn Hòa Phát giữ “ngôi vương” về giá trị tồn kho trong nhóm các doanh nghiệp sản xuất niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng không phải doanh nghiệp duy nhất tích lũy cho đầy thêm kho hàng.
Thông thường, trong môi trường ổn định về giá nguyên liệu đầu vào, số vòng quay hàng tồn kho càng cao, việc kinh doanh được đánh giá càng tốt
Thống kê nhóm 10 doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn tồn kho lớn nhất thị trường cho thấy, tăng trưởng giá trị tồn kho năm 2021 đạt 65,5%, trong khi năm 2020 chỉ đạt 15,6%. Tính trên hơn 500 doanh nghiệp sản xuất đang niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, giá trị tồn kho cũng tăng 34%.
Hay chỉ xét riêng trong nhóm doanh nghiệp tôn thép, hàng loạt công ty cũng tăng mạnh quy mô tồn kho và tăng tỷ trọng tồn kho trong cơ cấu tài sản. Tồn kho tại Tập đoàn Hoa Sen và Công ty cổ phần Thép Nam Kim cuối năm 2021 là 10.212 tỷ đồng và 8.281 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,14 lần và 3,49 lần năm 2020. Tỷ trọng tồn kho trên tổng tài sản tăng từ khoảng 30% lên gần 54% với Thép Nam Kim và 44,5% với Hoa Sen.
Đi cùng lượng tồn kho tích lũy thêm đột biến, quy mô doanh thu của đa số “ông lớn” trong nhóm doanh nghiệp sản xuất đều mở rộng nhanh. Với trường hợp của Tập đoàn Hòa Phát, vòng quay tồn kho tăng nhẹ từ 3,12 lần lên 3,17 lần.
Trong lĩnh vực ô tô, Công ty cổ phần Ô tô TMT cũng bất ngờ nâng tồn kho gấp đôi, tương ứng với tốc độ mở rộng quy mô doanh thu. Vòng quay hàng tồn kho chỉ giảm nhẹ từ 1,54 lần xuống 1,48 lần.
Bên cạnh đó, cũng có một số doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho hàng tồn kho, nhưng doanh số lại chưa cao tương ứng. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - “ông lớn” ngành tôm tăng quy mô tồn kho thêm 47% trong năm 2021, nhưng doanh thu lại đi xuống. Hay trường hợp của Công ty Đạm Phú Mỹ, giá trị tồn kho năm 2021 tăng 89%, nhưng tăng trưởng doanh thu và giá vốn hàng bán trong kỳ “khiêm tốn” hơn, kéo vòng quay tồn kho giảm từ 4,28 lần xuống còn 3,77 lần.
Biên lợi nhuận trồi sụt theo giá hàng hóa
Diễn biến giá hàng hóa trên thị trường không phải điều dễ nắm bắt. Đơn cử, giá thép thanh vằn đã tăng rất mạnh từ tháng 3/2020, nhưng lại biến động với biên độ rộng trong năm qua và chỉ nhích nhẹ 0,27% so với thời điểm cách đây 1 năm.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022 vừa cập nhật, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chỉ đạt mức biên lợi nhuận gộp 3,7%, thấp hơn nhiều mức 5,2% cùng kỳ năm 2020. Thậm chí, ở quý IV/2021, TISCO đã phải kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận khoản lỗ gộp 11 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng trong quý I này, TISCO đã tích thêm cả ngàn tỷ đồng tồn kho, chủ yếu là mua thêm nguyên vật liệu. Dòng tiền đầu tư thêm vào tồn kho được lấy từ chính Công ty, thông qua thu hồi các khoản phải thu, gia tăng khoản phải trả nhà cung cấp.
Tương tự, Công ty Phân bón Bình Điền cũng tăng mạnh tồn kho trong năm 2022 khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này âm gần 260 tỷ đồng, dù thu hồi tốt các khoản phải thu.
Thép Pomina cũng âm dòng vốn từ hoạt động kinh doanh 544 tỷ đồng, nhưng được bù đắp nhờ dòng tiền tài chính dương 835 tỷ đồng. Hay như trường hợp của Công ty Ô tô TMT, việc tận dụng phần vốn của nhà cung cấp, tăng các khoản phải trả đối tác đã giúp dòng tiền hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này chỉ thâm hụt nhẹ và bù đắp thêm từ dòng tiền đi vay.
Hưởng lợi nhờ sự tăng trưởng của biên lợi nhuận, Công ty Phân bón Bình Điền báo lãi quý IV/2021 cao nhất trong hơn 3 năm qua. Biên lợi nhuận của Pomina tương tự nhiều doanh nghiệp ngành thép khác suy giảm trong nửa cuối năm 2021, nhưng tính trong cả năm 2021, xu hướng tăng của giá thép vẫn giúp doanh nghiệp này hái “trái ngọt”.
Hơn một năm qua, thị trường toàn cầu đã chứng kiến làn sóng tăng giá chóng mặt của các loại nguyên vật liệu đầu vào, từ thép, đồng, lithium… đến dầu khí, phân bón đều tăng giá rất mạnh thời gian gần đây do ảnh hưởng từ chiến sự giữa Nga và Ukraine.
Tích lũy sớm nguyên vật liệu trong xu hướng tăng của giá hàng hóa mang lại mức biên lợi nhuận có lợi hơn nhiều cho các doanh nghiệp sản xuất.
Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các doanh nghiệp lựa chọn gia tăng trữ tồn kho là nhằm giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, hạn chế tình trạng thiếu hụt các yếu tố đầu vào trong sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, đây cũng là “con dao hai lưỡi” khi doanh nghiệp “đặt cược” giữa xu hướng tăng - giảm khó lường của giá hàng hóa và nhu cầu sản phẩm đầu ra của thị trường, nhất là khi gia tăng tồn kho bằng nguồn vốn từ các khoản nợ vay.