Các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến tỷ giá để có những giải pháp linh hoạt. |
Vay USD bớt gánh chênh tỷ giá
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập trên cơ sở tổ chức sắp xếp lại một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 3 (Genco3, mã PGV) không còn ghi nhận chênh lệch tỷ giá - khoản mục có thời điểm từng “ăn mòn” đến hơn 3.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này. Đây là các khoản lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn xây dựng cơ bản một số công trình điện trước đây và do đánh giá lại số dư các khoản nợ phải trả dài hạn gốc ngoại tệ, Genco 3 trừ trước trực tiếp vào vốn chủ sở hữu, sau đó mới phân bổ một phần vào các khoản chi phí trong năm.
Hai nguyên nhân giúp xóa toàn bộ khoản lỗ gần 1.100 tỷ đồng (thời điểm cuối năm 2018) ngoài việc đến từ nội lực doanh nghiệp, còn có yếu tố khách quan là sự ổn định của tỷ giá.
So với USD, nội tệ của Việt Nam gần như đi ngang, thậm chí lên giá nhẹ vào cuối năm. Tại Vietcombank, tỷ giá bán ra được yết ở mức 23.230 đồng/USD, giảm 15 đồng so với năm trước. Riêng trong quý IV/2019, Genco 3 lãi sau thuế 467 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 853 tỷ đồng nhờ không còn ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá và doanh thu tăng 15%.
Không riêng Genco 3 hưởng lợi khi đánh giá chênh lệch tỷ giá trên khối nợ xấp xỉ 2 tỷ USD của mình, nhiều doanh nghiệp đang vay nợ bằng USD cũng không còn bị “phập phù” theo biến động tỷ giá sau một năm tiền đồng giữ vững tỷ giá so với USD. Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power, mã POW) cũng giảm được 240 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá. Doanh nghiệp điện này đang vay hơn 8.500 tỷ đồng bằng USD, chiếm 62,7% tổng vốn vay ngân hàng.
Biến động tỷ giá một số đồng tiền so với USD trong năm 2019. |
Ứng biến trước thay đổi
Ngoài việc giữ vững tỷ giá so với USD, đồng nội tệ cũng lên giá đáng kể bởi nhiều ngoại tệ khác trượt giá. Điều này khiến một số doanh nghiệp xuất khẩu chịu ảnh hưởng vì đối thủ từ các quốc gia khác hưởng lợi thế khi đồng tiền của họ bị phá giá.
CTCP Vĩnh Hoàn, đơn vị đang nắm thị phần lớn trong xuất khẩu cá tra, báo lãi chưa đến 200 tỷ đồng trong quý IV/2019. Đây là mức thấp nhất trong 7 quý gần đây. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn cho biết, một số đối thủ đã giảm giá bán khi đồng tiền nước họ phá giá so với USD, vì thế, doanh nghiệp Việt cũng phải giảm theo để cạnh tranh. Giá bán giảm trong kỳ này là nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh trong quý IV của Vĩnh Hoàn giảm tới hơn một nửa. Cả năm 2019, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 7.895 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước.
Cũng phụ thuộc phần lớn vào doanh thu xuất khẩu, nhưng năm 2019 lại là năm thắng lợi của CTCP Vicostone (mã VCS). Đối thủ từ Trung Quốc trong mảng kinh doanh sản phẩm đá thạch anh nhân tạo trên thị trường Mỹ, dù có lợi thế khi đồng nhân dân tệ có thời điểm mất giá tới hơn 4% so với USD, nhưng cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh áp thuế của Mỹ trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Đối với quốc gia có độ mở thị trường cao và kim ngạch xuất nhập khẩu lên đến 500 tỷ USD như Việt Nam, điều lợi hơn cả khi tỷ giá giữa đồng nội tệ với USD - đồng tiền chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong giao dịch thương mại được duy trì là sự ổn định. Đây không phải điều nhiều quốc gia làm được trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong năm qua.
Trong năm 2020, dù nhiều dự báo kỳ vọng về một năm ổn định tiếp theo của tỷ giá, nhưng yếu tố bất ngờ và chưa thể nắm rõ tác động xảy ra mới đây là sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp từ chủng virus mới Corona (nCov-2019) có thể tác động đến cung - cầu ngoại tệ. Cùng với đó, những chuyển động trong xung đột giữa các quốc gia vẫn tiếp tục là yếu tố khó lường. Câu chuyện ổn định tỷ giá cũng như nhiều câu chuyện khác của nền kinh tế càng trở nên khó đoán định.
Tỷ giá VND/USD chỉ trong hai ngày giao dịch trở lại sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán đã tăng 60 đồng/USD. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến tỷ giá để có những giải pháp linh hoạt.