Đón gió quy hoạch đô thị
Theo UBND TP.HCM, Thành phố đang trong giai đoạn gấp rút triển khai những kế hoạch trọng điểm của dự án phát triển, đơn cử như chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng và giảm tải tai nạn, kẹt đường, ô nhiễm môi trường, giãn dân ra vùng ven… Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Trao đổi cụ thể hơn về các mục tiêu này, ông Lê Trần Kiên, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, kế hoạch đầu tiên đó là trong năm 2018, TP.HCM thực hiện di dời khoảng 10.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Trong đó, trọng điểm là ba tuyến kênh rạch đều nằm trên địa bàn quận 8, gồm hai khu phức hợp, công viên phía Bắc và Nam đường Tạ Quang Bửu, khu nhà ở cao tầng dọc rạch Hiệp Ân.
Doanh nghiệp bất động sản TP.HCM đang đón đầu quy hoạch để phát triển. Ảnh: Gia Huy |
Dự án này có tổng quy mô di dời 1.800 căn với tổng kinh phí bồi thường 2.700 tỷ đồng. Việc thực hiện di dời và tái định cư nhà trên và ven các tuyến kênh rạch chủ yếu bằng nguồn vốn doanh nghiệp. Đây là chủ trương xã hội hóa để tiết giảm gánh nặng cho ngân sách, đồng thời đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư chỉnh trang đô thị theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ông Kiên cho biết thêm, năm 2018 cũng là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách phát triển đặc thù. Vì vậy, lãnh đạo TP.HCM đưa ra 21 chương trình mục tiêu trọng điểm nhằm triển khai Nghị quyết 54, trong đó có Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Đối với quy hoạch TP.HCM trở thành đô thị thông minh, ông Kiên cho biết, sẽ có 3 quận áp dụng xây dựng quy hoạch đô thị thông minh đầu tiên của Thành phố, đó là quận 2, quận 12, quận 1. Những đô thị thông minh này sẽ được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số. Tiếp đó là quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức.
“Mục tiêu là người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng...”, ông Kiên nói và cho biết thêm, khi đó người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối Internet băng thông rộng; các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp; các cơ hội để được học hành, trao dồi kỹ năng, kiến thức; chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.
Ngoài ra, việc Thủ tướng Chính phủ công bố bản Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đầu năm 2018 cũng là cú huých lớn. Mục tiêu của quy hoạch này là sẽ phát triển vùng TP.HCM thành một đô thị lớn, phát triển năng động, bền vững, có vai trò vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế.
Nắm bắt cơ hội này, hàng loạt tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản đang và đã tung ra những dự án lớn để chạy theo phát triển quy hoạch vùng của TP.HCM. Trong đó, mục tiêu mà các chủ đầu tư đưa ra đều là đón sóng quy hoạch và phát triển dự án bám sát vào quy hoạch để có thể hưởng lợi tốt nhất quy hoạch cho dự án của mình phát triển.
Chạy đua theo quy hoạch đô thị mới
Với quy hoạch đô thị mới mà TP.HCM đang triển khai, chính quyền Thành phố cũng kêu gọi các doanh nghiệp bất động sản cùng tham gia, đặc biệt là ở những quận mà Thành phố đang triển khai thử nghiệm. Cũng từ đây, các dự án mới hình thành, tạo lên cơn sóng chạy theo quy hoạch.
Đơn cử như Dự án Him Lam Phú An, dự án nằm cạnh tuyến đường Xa lộ Hà Nội, đối diện là trạm dừng số 9 của tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và qua cầu Rạch Chiếc để tiến về khu đô thị Thủ Thiêm quận 2. Được quy hoạch trên tổng diện tích 1,8 ha, dự án được cho là hưởng lợi lớn trong quy hoạch hạ tầng và tiện ích sống cũng như chính quyền điện tử mà quận 9 đang thực hiện từ năm 2018.
Hay Công ty cổ phần Nhà Mơ phát triển Dự án Khu cao ốc DreamHome Riverside nằm dọc theo Đại lộ Nguyễn Văn Linh. Dự án có diện tích hơn 24.000 m2 nằm trong tổng thể khu dân cư mới có quy mô lên đến 51,5 ha.
Công ty Bất động sản Hưng Lộc Phát cũng tiết lộ, ngay đầu năm 2018 đã chào bán ra thị trường Dự án The Green Star nằm trên đường Nguyễn Lương Bằng nối dài (quận 7).
Đại diện Công ty Địa ốc Tiến Phát cũng cho biết, trong năm 2018, đơn vị này sẽ đưa ra thị trường một dự án mới nằm cạnh đường Đào Trí, có vị trí giáp sông Sài Gòn, tầm nhìn trực diện về cầu Phú Mỹ. Ngay khu vực này, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cũng sẽ tái khởi động siêu Dự án Saigon Peninsula trị giá 6 tỷ USD với hàng ngàn căn hộ cao cấp.
Một nhà đầu tư đến từ Malaysia cho biết, đang chuẩn bị công bố ra thị trường dự án khu phức hợp nằm giáp khu Saigon Peninsula của Vạn Thịnh Phát.
Tập đoàn Hà Đô thì phát đi thông báo, tháng 6 tới đây sẽ đưa ra thị trường dự án chung cư hơn 1.000 căn hộ tại quận 8, HungThinh Corp cũng đưa ra dự án hơn 3.000 căn hộ tại quận 7, Novaland đưa ra dự án gần 1.000 căn hộ tại quận 2, Samland đưa ra gần 1.000 căn hộ tại Bình Dương, Phú Đông Group cũng thông báo tháng 5 này sẽ cho ra thị trường Bình Dương hơn 600 căn hộ. Các đơn vị như Cát Tường Group, Trần Anh Group… cũng đang tiến hành đưa ra thị trường Long An dự án bất động sản ở phân khúc nhà phố…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện các doanh nghiệp cho biết, việc các dự án mới đưa ra thị trường đều nằm ở vùng ven thể hiện ý đồ của doanh nghiệp, đó là bám sát vào quy hoạch phát triển vùng của TP.HCM. Đặc biệt là bám sát chính sách liên kết vùng và đô thị thông minh để dự án hưởng lợi từ những quy hoạch này.
Đánh giá về chính sách phát triển này của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, đây là hướng đi đúng, vì hiện nay, dư địa tăng trưởng của thị trường vùng ven vẫn còn rất lớn. Cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua đủ tạo ra những thay đổi nền tảng của một đô thị hiện đại cho TP.HCM trong 2 năm tới.
Với cơ chế đặc thù và các chính sách phát triển, quy hoạch TP.HCM là đô thị thông minh, TP.HCM sẽ có nhiều nguồn lực hơn để phát huy hết tiềm năng và lợi thế để có thể cạnh tranh quốc tế và rút ngắn khoảng cách với các thành phố lớn trong khu vực châu Á như Seoul của Hàn Quốc, Thượng Hải của Trung Quốc...
“Tôi kỳ vọng với hướng đi mới, bám sát quy hoạch của TP.HCM, các doanh nghiệp bất động sản sẽ nhanh chóng tìm ra hướng đi mới, giúp giải tỏa được áp lực về dân số trong các quận trung tâm, đẩy thị trường tài chính đi lên, các doanh nghiệp sẽ phát triển các dự án chỉnh trang đô thị nhằm phục vụ kinh tế - xã hội. Trong đó, bất động sản sẽ là lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất”, chuyên gia Lê Minh Hoàng nói thêm.
Trong khi đó, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, việc doanh nghiệp bám sát quy hoạch của Thành phố là một hướng đi phát triển bền vững.
“Phát triển bền vững là phát triển có trách nhiệm, sẽ không có nền kinh tế thị trường phát triển bền vững nếu không có các chủ thể tham gia có trách nhiệm. Mà doanh nghiệp bất động sản đang làm rất tốt điều đó trong những năm qua”, bà Mẫu cho biết.