Doanh nghiệp
Doanh nghiệp gia đình trước bài toán chuyên nghề hay đa ngành
Thanh Huyền - 23/12/2017 08:41
Khi phát triển tới một quy mô nhất định, các doanh nghiệp gia đình tất yếu sẽ nghĩ tới việc đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh. Đây có phải là lựa chọn khôn ngoan?
TIN LIÊN QUAN

Giữa năm nay, một thông tin được giới đầu tư hết sức quan tâm là việc Tập đoàn Thành Thành Công chính thức đặt chân vào ngành điện mặt trời. Mục tiêu tham vọng mà tập đoàn này đề ra là xây dựng 20 nhà máy điện mặt trời để đến năm 2020, ngành này có thể trở thành mảng đóng góp lớn nhất cho Thành Thành Công.

Nổi tiếng là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành mía đường, kế hoạch nói trên có thể xem là động thái hoàn thiện mảnh ghép quan trọng, giúp Thành Thành Công phát triển thành tập đoàn đa ngành với 5 lĩnh vực chủ lực là: bất động sản - năng lượng - mía đường - giáo dục - du lịch.

Doanh nhân Đào Hồng Thắm, Chủ tịch HĐQT CTCP Tổng hợp Lâm Khang chơi ở vị trí CEO.

Không riêng Thành Thành Công, có một thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp gia đình khi phát triển tới một quy mô nhất định sẽ chuyển sang kinh doanh đa ngành. Bên cạnh những sản phẩm chiến lược của mình, thì họ cũng lựa chọn một số lĩnh vực ngoài ngành với không ít rủi ro.

Một doanh nghiệp gia đình đang sản xuất và kinh doanh bánh ngọt cũng đang ấp ủ một chiến lược đa ngành. Xuất phát từ một cửa hàng làm bánh biscuit đầu những năm 1980, đến nay, doanh nghiệp này đã trở thành một tên tuổi lớn, sở hữu nhà máy sản xuất và chuỗi cửa hàng ở nhiều vị trí đắc địa.

Bên cạnh đó, cùng với quy mô phát triển thị trường, nhu cầu và phương thức cung ứng vật tư đầu vào của doanh nghiệp cũng dần thay đổi theo, từ mua lại vật tư của các nhà nhập khẩu sang nhập trực tiếp. Với các mối quan hệ kinh doanh và nhu cầu của thị trường, CEO nhận thấy doanh nghiệp có thể mở rộng kinh doanh ra các lĩnh vực khác như trở thành nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất bánh, mở trường dạy nghề. Ngoài ra, với kinh nghiệm làm dự án và đầu tư xây dựng nhà xưởng, công ty có thể đầu tư xây dựng và cho thuê đất khu công nghiệp.

Tuy nhiên, khi đem kế hoạch này trao đổi với các thành viên HĐQT, ý tưởng của CEO đã không nhận được sự hưởng ứng. Các thành viên HĐQT cho rằng, để trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cần thông thạo các hoạt động xuất nhập khẩu, cũng đồng nghĩa với phải xây dựng một đội ngũ kinh doanh có nghiệp vụ ngoại thương, đầu tư kho vận…, tốn rất nhiều tiền. Để trở thành đơn vị đào tạo cần phải có sơ sở vật chất, trường lớp, giáo trình đào tạo bài bản. Đặc biệt, việc mở thêm mảng kinh doanh đầu tư khu công nghiệp là một lĩnh vực hoàn toàn mới mà vốn đầu tư rất lớn.

Bảo vệ ý kiến của mình, CEO lập luận, phát triển đa ngành là cách giúp nhiều doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam và trên thế giới lớn mạnh. Với kinh nghiệm sẵn có của doanh nghiệp và việc nắm rõ nhu cầu của các đối tác, thành công là điều chắc chắn.

Tuy nhiên, HĐQT vẫn kiên quyết khẳng định rằng đây là ý tưởng mạo hiểm. “Tốt nhất là không nên đầu tư dàn trải, mà cần tập trung làm tốt những gì đã là thế mạnh của doanh nghiệp”, một thành viên HĐQT quả quyết.

Cuộc tranh luận đi đến “bất phân thắng bại”, bởi ai cũng đưa ra những lý lẽ hết sức thuyết phục. Để xử lý tình huống này, bà Đào Hồng Thắm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tổng hợp Lâm Khang, là người chơi ngồi ở vị trí CEO trong Chương trình CEO - Chìa khóa thành công với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Chuyên nghề hay đa ngành” sẽ đưa ra những kiến giải xác đáng. Bà Đào Hồng Thắm cũng là nhân vật xuất hiện trong chuyên mục Gương mặt doanh nhân kỳ này của Báo Đầu tư.

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (24/12) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (25/12) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Novaland, PwC Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân và Gia đình Việt Nam (VEFC).

Tin liên quan
Tin khác