Doanh nghiệp
Doanh nghiệp không muốn phải hỏi vì sao không được hỗ trợ
Khánh An - 06/03/2021 10:07
Doanh nghiệp đang ở giai đoạn kém lạc quan nhất về sức khỏe và đây là lúc doanh nghiệp cần bàn tay hỗ trợ thiết thực, thân thiện từ Nhà nước để có cơ hội hồi phục, bứt phá.
Các doanh nghiệp đang đứng trước rất nhiều khó khăn, mong muốn sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp nhỏ lún sâu trong vùng cảnh báo đỏ

Sức khỏe doanh nghiệp đang rất yếu không còn là thông tin mới. Thậm chí, trong nghiên cứu mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định sức khỏe doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức kém lạc quan nhất khi nhắc đến số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số lao động đăng ký của các doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2020 đều giảm hơn so với năm trước.

Ông Phạm Minh Tâm, Chủ tịch Công ty Đầu tư STI, chủ đầu tư hàng loạt start-up Việt như 24h, Sieuviet, Anycar, 30 shine cho rằng, tình hình không chỉ là sức khỏe yếu nữa.

“Tôi tin là tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động, đóng cửa rất lớn. Nhìn vào lượng khách hàng của Công ty cổ phần Nguồn nhân lực Việt (Siêu Việt Group), tôi ước tính tỷ lệ này là 30%”, ông Tâm chia sẻ thông tin tại cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Siêu Việt Group là đơn vị chủ quản của 4 website việc làm (Timviecnhanh.com, Vieclam24h.vn và Viectotnhat.com, Mywork.com  .vn). Năm vừa rồi, 30% trong số 50.000 khách hàng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ tìm việc làm của Siêu Việt Group ngừng hoạt động.

“Tôi lo tình hình có thể còn tệ hơn, khi nhiều doanh nghiệp tiếp tục ngấm đòn Covid-19 sau 1 năm cố gồng gánh. Nếu doanh nghiệp lớn có thể giảm doanh thu, chịu lỗ thêm được, thì doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khó trụ thêm”, ông Tâm nói.

Có lẽ những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nhỏ nhận thấy rõ nhất tình thế này. Bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA đã rất tâm trạng khi nhắc đến những khách hàng trong quá khứ, khi họ không còn tồn tại, đã phải đóng cửa.

“Các cửa hàng, quán ăn, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn... đóng cửa nhiều. Là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cho nhóm doanh nghiệp này, chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Năm 2020, sản phẩm cung cấp cho nhóm khách hàng này của chúng tôi bị lỗ”, bà Thúy nói.

Ví dụ rõ nhất là trong ngành du lịch. Theo số liệu vừa được ông Vũ Thế Bình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cập nhật, đã có 586 trong số 2.500 doanh nghiệp lữ hành quốc tế hủy giấy phép; 2/3 doanh nghiệp còn lại dừng hoạt động.

Doanh nghiệp vừa và lớn cũng mong manh

Khó khăn của doanh nghiệp lớn không giống doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Tuy không phải đối mặt với các tình huống đóng cửa, nhưng sức ép thiếu đơn hàng, chi phí hoạt động gia tăng tiếp tục làm khó các kế hoạch kinh doanh của không chỉ năm 2021.

Trong báo cáo của Hiệp hội Cơ khí Việt Nam gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp lớn đều được nhắc đến như Lilama, Coma, Huyndai Thành Công, Thaco... Lo lắng lớn nhất đang là thiếu đơn hàng, tiếp cận thị trường khó, chi phí mua vật liệu và cước vận chuyển tăng cao.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam nhắc đến doanh số giảm đi của các doanh nghiệp sản xuất ô tô và các doanh nghiệp cơ khí, từ đó kéo theo sự sụt giảm các đơn hàng phụ trợ, doanh nghiệp tư vấn...

“Việc kéo dài thời gian nhận hàng do ảnh hưởng của Covid-19 đã làm giá cả vật liệu tăng thêm 30% so với trước dịch bệnh. Chi phí cho chuyên gia tăng, nhiều dự án tăng 100%. Nhiều dự án bị chậm tiến độ, nhiều dự án ở nước ngoài bị dừng do phải đưa người về. Tổn thất vô cùng lớn, cả tiền bạc và cả uy tín”, ông Sáng phân tích.

Nhưng ngay cả doanh nghiệp trong những ngành được coi là đang hồi phục như dệt may, thủy sản và cả ngành hưởng lợi nhờ Covid-19 như điện tử, tình hình cũng không hẳn sáng sủa.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, đơn hàng dệt may đang hồi phục khá nhanh, dù giá giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp đang tính tới khả năng quay trở lại mức doanh thu năm 2019.

“Song chi phí sản xuất đang tăng quá cao, chi phí vận chuyển, logistics... cũng tăng. Các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã kết thúc từ năm ngoái, nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp không tiếp cận được”, ông Cẩm nói và cho rằng, sự hồi phục của các doanh nghiệp dệt may là rất mong manh.

Còn doanh nghiệp trong ngành điện tử thì lo ngại bị cạnh tranh trực tiếp bởi sự chuyển dịch của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chuỗi sản xuất của họ.

“Doanh nghiệp nội trong ngành điện tử yếu cả công nghệ, nhân lực và nguồn lực tài chính. Nếu các chính sách thu hút FDI không tính tới điểm này, chỉ thực sự thu hút các doanh nghiệp đầu chuỗi, nắm công nghệ, chúng tôi lo ngại sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp FDI có cùng quy mô, lĩnh vực, trình độ hoạt động”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Điện tử Việt Nam thẳng thắn.

Cần sự hỗ trợ thiết thực và thân thiện

Phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp có mặt tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, góp ý về gói chính sách hỗ trợ bổ sung cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng đã có những đề xuất giải pháp cho các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020. Cũng chính các hiệp hội, doanh nghiệp này đang nắm trong tay thực tiễn thực thi và hiệu quả của các gói chính sách. Chính sách được đánh giá cao về hiệu quả hỗ trợ là giãn các khoản thuế phải nộp, giảm tiền thuê đất, tiền điện... Tuy nhiên, nhiều gói chính sách khiến doanh nghiệp cảm thấy không an tâm về sự “thân thiện”.

“Chúng tôi không hiểu vì sao đến giờ những giải pháp hỗ trợ mà doanh nghiệp không tiếp cận được, dù đã kiến nghị nhiều vẫn chưa được thay đổi. Nhiều khoản nộp của doanh nghiệp chỉ đề kết dư quỹ, chưa dùng ngay, sao không dừng lại cho doanh nghiệp? Lúc này, khi cơ hội hồi phục đang có, sự hỗ trợ cần nhất là các chính sách thiết thực và thân thiện”, ông Trương Văn Cẩm đặt câu hỏi.

Có thể nhắc tới gói hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi 0% để trả lương mà nhiều doanh nghiệp từng kỳ vọng gần như không thể tiếp cận được, do điều kiện quá khắt khe. Các khoản đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn cũng được nhắc tới.

“Chúng tôi đã khảo sát, không doanh nghiệp nào trong Hiệp hội Điện tử Việt Nam tham gia chương trình 16.000 tỷ đồng vay trả lương cho lao động. Các khoản phải nộp của doanh nghiệp như phí bảo hiểm xã hội, công đoàn không được chậm ngày nào. Chúng tôi đề nghị các giải  pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải thực tế, để doanh nghiệp tiếp cận được, thì mới có giá trị. Đặc biệt, đừng để doanh nghiệp không có tiền trả lương công nhân, nhưng phải xoay tiền đóng các khoản phí công đoàn, bảo hiểm...”, bà Hương đề xuất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhắc nhiều đến thái độ, cách ứng xử của đội ngũ công chức thực thi với các vấn đề của doanh nghiệp.

“Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp lúc khó khăn, như việc giảm thuế VAT, hay giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú như điện sản xuất... không phải không có tiền lệ, không phải không có quy định, nhưng vì sao không thực hiện được. Nếu các cơ quan thực thi nghĩ cho doanh nghiệp lúc khó khăn, thấu hiểu tình hình, mọi giải pháp đều có thể thực hiện được. Quy định để thực hiện chứ không thể để làm khó, không phải để doanh nghiệp cứ phải đi xin”, ông Vũ Thế Bình thẳng thắn.

Tin liên quan
Tin khác