Bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI) |
Tại sao môi trường kinh doanh và doanh nghiệp trong nền kinh tế số lại được lựa chọn để nghiên cứu cũng như thảo luận trong phiên bản 2018 của Báo cáo thường niên doanh nghiệp năm nay, thưa bà?
Chúng tôi xác định kinh tế số không phải là mốt, mà là đang có những vấn đề, thậm chí là nút thắt cần phải bàn tới.
Bất cứ doanh nghiệp nào muốn ứng dụng công nghệ, các dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ thì cần sự kết nối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Nhưng mối liên hệ này có vẻ kém, các hoạt động cung cấp dịch vụ từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp cũng không phát triển mạnh như đòi hỏi của xu thế.
Chúng tôi muốn vẽ lại bức tranh năng lực doanh nghiệp công nghệ để hiểu xem nút thắt nằm ở đâu.
Hơn thế, đang có sự lúng túng trong các cơ quan quản lý khi phân chia các trách nhiệm quản lý nhà nước theo các ngành, lĩnh vực hiện tại. Đơn cử như câu chuyện thí điểm của Uber, Grab, sau mấy năm, số lượng xe tăng rất lớn nhưng cơ chế, chinh sách vẫn chưa bàn xong.
Bức tranh này thế nào, thưa bà?
Chúng tôi dựa trên nền tảng của Sách Trắng công nghệ thông tin. Khi nghiên cứu, chúng tôi nhìn thấy sự giao thoa giữa các ngành theo cách phân ngành hiện tại, như giữa công nghệ thông tin và công nghiệp điện tử.
Về mặt hệ thống, doanh nghiệp công nghệ thông tin là làm dịch vụ, nhưng hiện tại đã tràn sang cả hoạt động sản xuất – công nghiệp. Đang có những dấu hiệu của nền kinh tế được dẫn dắt bởi công nghệ số.
Cách tiếp cận vấn đề của các cơ quan hoạch định chính sách là phân định các ngành, lĩnh vực theo cách truyền thống và quản lý theo cách đó. Sự giao thoa của mô hình kinh doanh đang va chạm trực tiếp với cách thức này.
Trong Báo cáo thường niên doanh nghiệp năm nay, chúng tôi chọn nghiên cứu thương mại điện tử và ngân hàng làm nghiên cứu cụ thể.
Cả hai đều nổi lên vấn đề về các quy định pháp lý để quản lý các xu hướng mới trong sự phát triển. Không thể áp dụng các quy tắc, quy định truyền thống cho những mô hình kinh doanh mới. Cũng không thể thí điểm kiểu như Grab, Uber, sau hai năm thí điểm đã bung ra số lượng rất lớn...
Hay như trong ngành tài chính xuất hiện hiện thuật ngữ Fintech, được sử dụng để cung cấp dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ số, nhưng chúng ta chưa có khuôn khổ pháp lý cho sự hoạt động của mô hình này...
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số, nghĩa là những cơ hội cho doanh nghiệp như, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuận tiện với chi phí thấp; có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh, mở rộng thị trường và thị phần, thậm chí lấn sân vào những thị trường mới; là nền tảng cốt yếu cơ bản để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo...
Nhưng thách thức không nhỏ đang nổi lên là đảm bảo an ninh, bảo mật, khả năng thích ứng với nền kinh tế số, từ vấn đề khách hàng, môi trường pháp lý và thiếu hụt nhân sự...
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp có khuyến nghị gì?
Dù thế nào thì mọi việc đều đang đi theo dòng chảy, xu hướng, doanh nghiệp vẫn phải hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Chúng tôi đang đề xuất xây dựng kế hoạch hành động của khu vực kinh tế tư nhân, để khai phóng những nguồn lực hiện có và thúc dẩy tiềm năng phát triển trong nền kinh tế số.
Doanh nghiệp sẽ không thể ngồi đợi cơ quan hoạch định chính sách mời đến góp ý chính sách, mà sẽ phải đề xuất chính sách để các cơ quan nghiên cứu. Dù về lý thuyết, chính sách luôn đi sau chuyển động thực tiễn, nhưng cần đi nhanh hơn, chứ như cách ứng xử với trường hợp của Grab, Uber thì chậm quá...
Cơ quan quản lý cũng phải hiểu rõ bản chất của các mô hình kinh doanh mới mà thế giới gọi là mô hình kinh doanh phi truyền thống, cũng như sự thay đổi của nó.
Sẽ có rất nhiều ý tưởng kinh doanh xuất hiện nằm ngoài các dự liệu chính sách, nếu không có tư duy mới trong quản lý nhà nước, sẽ có rất nhiều rào cản kinh doanh mới xuất hiện bên cạnh những gì chúng ta đang nói là điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính...
Nên chăng cần xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh trong nước, nhất là khi ngày càng có nhiều mô hình kinh doanh phi truyền thống xuất hiện.
Cũng cần có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng những cơ hội do nền kinh tế số mang lại.
Còn bức tranh doanh nghiệp năm nay có gì đặc biệt không, thưa bà?
Theo các chỉ số hoạt động kinh doanh mà chúng tôi nghiên cứu, khoảng cách giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và nước ngoài đã thu hẹp đáng kể. Khu vực tư nhân đã bắt đầu lớn lên, tham gia được vào mặt bằng chung.
Môi trường kinh doanh với những thay đổi mạnh mẽ về chính sách những năm qua đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cùng hoạt động trong sự bình đẳng nhất định.
Nhưng khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn khó khăn. Chúng ta vẫn phải quan tâm đến khu vực này, với chất lượng hoạt động của chúng. Đặc biệt, khu vực hộ gia đình vẫn muốn giữ mô hình hoạt động phi chính thức, không muốn thay đổi.
Trong khi những thay đổi trong lĩnh vực dịch vụ, nhất là thương mại điện tử, đang tác động trực tiếp tới họ, nếu không có sự thay đổi của khu vực này, họ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, bất lợi... Đây cũng là điều cần phải cảnh báo.