Nhưng, trên trang web chính thức của Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) tại địa chỉ http://www.vca.gov.vn, vẫn không thấy thông tin nào nhắc tới thương vụ này.
Cho dù đúng 1 ngày sau khi Grab công bố hoàn tất giao dịch mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam, Cục này đã có công văn hỏa tốc gửi Grab yêu cầu phối hợp cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc mua lại nêu trên và hợp đồng mua lại Uber tại Đông Nam Á. Yêu cầu này căn cứ theo quy định kiểm soát tập trung kinh tế của Luật Cạnh tranh.
Thương vụ Grab mua lại Uber tại khu vực Đông Nam Á đang vào diện theo dõi khả năng vi phạm nguyên tắc cạnh tranh tại một số nước. |
Ngày 3/4/2018 đã là ngày cuối cùng Grab phải gửi thông tin. Một ngày trước thời hạn trên, thông tin từ lãnh đạo Bộ Công thương là chưa nhận được phản hồi từ Grab.
Song, theo công bố chính thức của Grab, ngày 8/4/2018 sẽ là ngày chấm dứt các hoạt động cuối cùng trên nền tảng công nghệ của Uber tại khu vực, các tài xế Uber (gồm cả xe máy và ô tô) sẽ chuyển sang hoạt động cùng Grab.
Có nghĩa là, Grab gần như là ứng dụng gọi xe lớn nhất hoạt động tại Việt Nam kể từ thời điểm hai nhà cung cấp cùng một loại dịch vụ chuyển từ đối đầu sang sáp nhập.
Tất nhiên, đó là đánh giá cảm tính từ những biểu hiện bên ngoài. Vào thời điểm này, mọi động thái của thị trường sẽ phải chờ vào quyết định của Cơ quan Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng.
Cũng phải nói thêm, giới chuyên gia về kinh doanh và cạnh tranh đều chưa có đủ thông tin đầy đủ để đánh giá thương vụ này. Ngay cả việc xác định rõ Uber, Grab kinh doanh taxi hay cung cấp dịch vụ công nghệ kết nối gọi xe vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhà nước bàn thảo xong. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc xác định thị trường liên quan khi xem xét thương vụ giữa Uber và Grab. Vì theo Luật Cạnh tranh, sự kết hợp giữa các doanh nghiệp mà chiếm trên 50% thị phần trên thị trường liên quan tham gia thì được xác định là hành vi tập trung kinh tế bị cấm. Nếu tỷ lệ này dưới 30% thì không có nghĩa vụ phải thông báo, nếu từ 30-50% thì không bị cấm nhưng phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành tập trung kinh tế.
Rõ ràng, đây là thời điểm Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cần chủ động vào cuộc, có phương án, nhanh chóng xác định cơ sở đánh giá thương vụ này để có quyết định phù hợp, tránh gây tổn thương cho thị trường cũng như các doanh nghiệp có liên quan.
Giới chuyên gia đang hiến kế phương án kết hợp với Bộ Giao thông – Vận tải, Sở Giao thông – Vận tải các địa phương, cơ quan thuế để lấy thông tin về số lượng xe, về doanh thu và nhiều thông tin khác về các hãng này, từ đó có cơ sở để xem xét vụ việc một cách toàn diện hơn.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cạnh tranh cũng có thể sử dụng biện pháp khảo sát người đi xe, khảo sát các lái xe để xác định xem họ có dễ dàng thay đổi sự lựa chọn giữa nhà cung cấp này so với nhà cung cấp khác hay không? Nếu một tỷ lệ đủ lớn người tiêu dùng và các lái xe trả lời có, thì những nhà cung cấp này có cạnh tranh trực tiếp với nhau và họ cùng thuộc một thị trường liên quan. Nếu không, thì họ thuộc những thị trường khác nhau. Phương pháp này và nhiều phương pháp khác đã được các cơ quan cạnh tranh trên thế giới phát triển và ứng dụng...
Cũng phải nhấn mạnh, việc chuẩn bị bộ hồ sơ này không phải đơn giản và các bên có thể mất đến hàng tháng trời. Các bên sẽ phải thuyết phục Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng rằng, thương vụ sáp nhập này không làm giảm đáng kể mức độ cạnh tranh trên thị trường, hoặc rơi vào các trường hợp miễn trừ.
Đương nhiên, để khẳng định các bên có vi phạm Luật Cạnh tranh hay không thì còn phải làm rất nhiều việc, thu thập rất nhiều chứng cứ, số liệu một cách cẩn trọng. Nhưng, sự chủ động của Cục Quản lý cạnh tranh sẽ là tín hiệu tốt, dẫn hướng để các bên liên quan có động thái phù hợp.