Trong góc nhìn của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, du lịch đã có sự hồi phục rất tốt với thị tường trong nước cũng như thị trường nước ngoài sau khi Chính phủ đã mở cửa sớm cho du lịch
Đối với riêng thị trường du lịch trong nước, Vietravel đã phục hồi được 130% thị phần, đạt doanh thu bằng trước dịch.
Ông Nguễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 11/8. Ảnh: Nhật Bắc |
“Đây là sự kỳ diệu so với giờ này năm ngoái. Chúng tôi cũng cảm ơn các địa phương, các bộ ngành đã liên tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp du lịch”, ông Kỳ gửi tới Chính phủ và các địa phương tham gia Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 11/8.
Trong dịch, Vietravel gần như "đứng hoàn toàn", nhưng sau 6 tháng mở cửa, Vietravel đã phục hồi.
Liên quan đến những khó khăn chung của ngành du lịch, cũng là khó khăn của doanh nghiệp, ông Kỳ nhắc đến lo ngại khả năng không đạt chỉ tiêu 5 triệu khách năm nay.
“Lý do là thị trường nguồn của chúng ta chưa mở cửa. Thị trường Đông Bắc Á chiếm trên 50% du khách đến Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn chưa sẵn sàng mở cửa”, ông Kỳ lý giải.
Trong khi đó, cũng trong năm nay, Singapore đặt mục tiêu có được 2,34 triệu khách, Thái Lan đặt ra 5,6 triệu khách, Malaysia đặt ra 3,4 triệu khách.
Nư vậy, mục tiêu 5 triệu khách năm nay của Việt Nam là rất cao trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn, đặc biệt sau dịch còn những khó khăn về địa chính trị cũng như xăng dầu, và sự hỗn loạn, đứt gẫy trong chuỗi cung ứng dịch vụ của ngành du lịch.
“Thị trường du lịch sau dịch là thị trường mới hoàn toàn, an toàn hơn, nhanh và ít trạm hơn. Do đó, phải thay đổi toàn bộ cấu trúc của doanh nghiệp cũng như cấu trúc của cả ngành du lịch”, ông Kỳ khuyến nghị.
Trong giai đoạn phục hồi này, theo ông Kỳ, sức ép về tài chính rất lớn. Mặc dù có những hỗ trợ của Chính phủ với người lao động nhưng quy mô rất nhỏ, không có tác động lớn đến sự thay đổi để phục hồi ngành du lịch.
Ông cho rằng, mức hỗ trợ giảm VAT 2% quá ít, nên là 5%. Các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều.
“Đề nghị phải xem lại chính sách này”, ông gửi khuyến nghị trực tiếp.
Ngay cả gói hỗ trợ cấp bù lãi suất 2% cũng được ông nhắc đến với đề nghị làm rõ để doanh nghiệp tiếp cận được.
“Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều thế chấp hết rồi. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được, chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ báo cáo Thủ tướng.