Khó khăn chưa từng có
Phần lớn doanh nghiệp ở miền Trung có quy mô nhỏ và vừa, nên sau 4 đợt Covid-19, nguồn lực của đại đa số doanh nghiệp đã không còn. Nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất là du lịch, khi mọi hy vọng vào mùa du lịch hè năm 2021 tan biến như bọt biển. Sau năm 2020 đầy khó khăn, doanh nghiệp du lịch khấp khởi quay trở lại hoạt động. Thực tế lượng du khách đổ về miền Trung tăng mạnh trước ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng rồi dịch bệnh bất ngờ xuất hiện tại Đà Nẵng - thủ phủ du lịch miền Trung, du khách hủy tour, các điểm du lịch đóng cửa, hoạt động tắm biển bị cấm, thế là mọi sự chuẩn bị, đầu tư của doanh nghiệp du lịch như công dã tràng, hàng chục ngàn lao động ngành du lịch lại tiếp tục nghỉ việc.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vietnam TravelMart, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Sau các đợt dịch bệnh, doanh nghiệp du lịch không còn sức để kháng cự. Tại Đà Nẵng, có gần 7.000 doanh nghiệp du lịch thì hiện đã đóng cửa hơn 90%. Chỉ riêng Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có 1.000 doanh nghiệp, thì gần 10% đã giải thể, số còn lại đóng cửa”.
Khi Covid-19 xảy ra, các địa phương áp dụng nhiều hình thức để giãn cách và phong tỏa, doanh nghiệp sản xuất cũng áp dụng các biện pháp trong công ty để ngăn ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, các hoạt động kiểm soát dịch bệnh cũng khiến cho tiến độ công việc của doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ, như tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng có gần 70 doanh nghiệp phải đóng cửa dừng hoạt động. Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, nhiều dự án, nhất là dự án FDI đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng đang gặp khó khăn, chậm tiến độ do các chuyên gia không sang được Việt Nam…
Chung sức chống dịch
Đang ngồi trên lửa là tâm trạng chung của nhiều doanh nghiệp, họ phải xoay xở để giải được bài toán “làm gì để tồn tại được trong bối cảnh hiện nay”.
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, doanh nghiệp đang rất cần những giải pháp hỗ trợ như giãn thời gian nộp thuế; miễn giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp; Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, điều hành lãi suất linh hoạt, hạ lãi suất phù hợp; Ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách đặc thù để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thuộc một số ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như ngành du lịch và dịch vụ.
“Thay vì những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động có thể cầm cự như thời điểm một năm trước, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn này cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Nếu làm như vậy, sẽ hạn chế những hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng, làm nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Lê Trường Kỹ, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kỹ thuật - Xây dựng DINCO thì cho rằng, dịch bệnh xảy ra, các địa phương áp dụng nhiều hình thức để giãn cách và phong tỏa, doanh nghiệp cũng áp dụng các biện pháp trong công ty để ngăn ngừa dịch bệnh. Đây là điều hết sức cần thiết để có thể kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, không thể lặp đi, lặp lại trong tình trạng “lockdown”, vì như thế doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. “Chúng ta cần phải có một giải pháp căn cơ, mà vắc-xin Covid-19 là giải pháp hiệu quả nhất. Nhà nước dành nguồn lực để tiêm vắc-xin cho người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, còn doanh nghiệp sẽ bỏ kinh phí để tiêm vắc-xin cho người lao động”, ông Kỹ đề xuất.
Tuy khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp miền Trung đã và đang đồng hành với chính quyền trong công tác phòng chống Covid-19. Tại Đà Nẵng, sau lời kêu gọi toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống Covid-19 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Đà Nẵng, Câu lạc bộ Lan Sông Hàn đóng góp 2,5 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủng hộ Đà Nẵng 500 triệu đồng… Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho biết, Hội đang lên kế hoạch phát động ủng hộ Quỹ vắc-xin trong hội viên. “Quan điểm là Hội sẽ ủng hộ hết mình để đóng góp cùng với Chính phủ và các địa phương để có vắc-xin, tiêm cho người lao động. Bởi vắc-xin là giải pháp căn cơ nhất để chấm dứt cơn ác mộng Covid-19, từ đó các hoạt động kinh tế mới có thể phục hồi”, ông Hà Đức Hùng cam kết.
Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!