Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam |
Lãi suất cho vay đã giảm so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng cũng cho hay, chưa bao giờ lãi vay thấp như hiện nay. Vậy thực tế, các doanh nghiệp trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (DNTVN) sử dụng vốn vay phải trả mức lãi suất ra sao, thưa ông?
Theo khảo sát của Hội DNTVN, tỷ lệ lãi suất ngân hàng hiện tại của các doanh nghiệp hội viên khoảng 8 - 12%/năm. Tuy mức lãi suất này đã giảm so với đầu năm 2023, song vẫn là áp lực đối với doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, sức mua trong nước yếu và xuất khẩu chưa cao.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đầu vào thấp, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm thêm lãi vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Nhưng thực tế phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, rất ít doanh nghiệp tiếp cận được những khoản vay với lãi suất tốt. Ngoài ra, các chi phí vay ngoài lãi cũng rất cao.
Đối với khoản vay cũ trước đây thì thế nào. Các doanh nghiệp có được ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất vay cũ về mức phù hợp khi lãi tiết kiệm giảm?
Không chỉ áp lực lãi vay mới còn cao, mà một số doanh nghiệp vay vốn thời điểm lãi suất cao, thì hiện lãi suất ngân hàng chỉ còn dưới 7,5%/năm, nhưng nhiều tổ chức tín dụng không điều chỉnh giảm lãi vay đối với khoản vay cũ, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Vậy thay mặt các doanh nghiệp hội viên, ông có kiến nghị, đề xuất gì về lãi suất cho vay và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trước bối cảnh thị trường hiện nay?
Tại phiên họp thứ ba của Tổ công tác Cải cách thủ tục hành chính và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/2 vừa qua, chúng tôi đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giảm lãi vay 1 - 2% trong 2 tháng tới đối với các khoản vay trung hạn. Như vậy, nếu doanh nghiệp có nhu cầu vay 10 tỷ đồng, giảm được 1% lãi suất thì đã giảm được 100 triệu đồng, cũng đỡ chi phí cho họ.
Trước tình hình khó khăn của nền kinh tế hiện nay, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ, nhưng để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, nhất là trước bối cảnh sức mua yếu, giải pháp cấp thiết trước mắt là cần giảm thêm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ. Hiện một số doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất khoản vay cũ cao, lý do ngân hàng đưa ra bởi trước đây huy động vốn lãi suất cao.
Theo tôi, cần có chủ trương quyết liệt trong việc giảm lãi suất cho vay. Chủ trương này phải được chỉ đạo xuyên suốt và nhất quán thì phía ngân hàng mới đẩy mạnh triển khai, còn không thì vẫn tồn tại cơ chế xin - cho.
Bên cạnh việc giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng cũng cần có chính sách ân hạn nợ gốc trong 2 - 3 năm để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp vay vốn. Với các khoản vay mới, cần điều chỉnh lãi suất giảm và có các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần tổ chức hội nghị khách hàng để lắng nghe, có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn vay.
Ngoài ra, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp, chế tài nhằm hạn chế việc gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiếp cận nguồn vốn vay, ví dụ yêu cầu doanh nghiệp phải mua bảo hiểm để được giải ngân vốn, trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn gửi các ngân hàng thương mại đề nghị chấm dứt tình trạng này. Thậm chí, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được ban hành cũng quy định ngân hàng không được bắt buộc doanh nghiệp mua bảo hiểm khoản vay nếu người vay không có nhu cầu. Do đó, theo tôi cần có chế tài để kiểm soát, vì thực tế hiện nay do áp lực KPI, nên nhân viên và kể cả chi nhánh của một số ngân hàng vẫn chưa thực hiện triệt để chủ trương trên.
Ngoài vấn đề lãi suất, theo ông, hiện khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu là gì?
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan quy định nông sản xuất khẩu phải làm giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ canh tác nông sản WO (xác nhận xuất xứ thuần túy). Quy trình là mỗi container xuất khẩu phải làm giấy WO có xác nhận của chính quyền cấp xã; hàng lên xe ra cảng làm thủ tục kiểm dịch, kiểm hóa xong, doanh nghiệp xuất khẩu có số bill tàu để điền vào giấy WO, sau đó quay lại địa phương xin xác nhận của Chủ tịch xã, mất thêm ít nhất 1-3 ngày thì mới đủ thủ tục lên mạng khai làm C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa). Từ lúc hàng ra cảng lên tàu, để làm xong C/O mất 5-7 ngày, có khi tàu chuẩn bị cập cảng đến vẫn chưa xong thủ tục xin giấy WO.
Thực tế, các nông sản muốn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu phải có mã vùng trồng đã đăng ký, khách nhập khẩu chỉ quan tâm đến các test kiểm tra chất lượng bởi các đơn vị giám định chuyên nghiệp độc lập, test dư lượng theo quy định chung SPS quốc tế… nên chúng tôi kiến nghị cải cách quy trình cấp giấy xác nhận xuất xứ WO 1 lần cho tổng sản lượng dự kiến/diện tích canh tác/thời gian mùa vụ mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu đề xuất, thay vì xác nhận từng container rất mất thời gian, lãng phí không cần thiết.