Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại Heineken Việt Nam. Ảnh: Chí Cường |
Tại Hội thảo thường niên Phát triển bền vững với chủ đề “Tiên phong Chuyển đổi kép vì một Việt Nam xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức diễn ra sáng 12/11, bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao tại Heineken Việt Nam đã chia sẻ về hành trình hướng đến Net Zero của Heineken Việt Nam.
Theo bà Ánh, Heineken Việt Nam hiện có 5 nhà máy bia trên khắp cả nước, với gần 3.000 nhân viên, sản xuất và phân phối nhiều thương hiệu mà trong đó, có những sản phẩm được sáng tạo bởi chính các chuyên gia nấu bia Việt Nam, dành riêng cho người Việt.
“Với cam kết song hành và phát triển cùng Việt Nam, chúng tôi luôn là một trong những đơn vị tích cực đóng góp cho nền kinh tế của đất nước. Năm 2023, trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức, chúng tôi đã nhanh chóng thích ứng cùng bối cảnh mới để giữ vững cam kết của doanh nghiệp, đóng góp tương ứng 0,5% GDP Việt Nam và tạo ra hơn 172.000 việc làm trong toàn bộ chuỗi giá trị”, bà Ánh cho hay.
Theo bà Trần Ngọc Ánh, tại Heineken Việt Nam, phát triển bền vững luôn là yếu tố trung tâm trong mọi hoạt động kinh doanh và sản xuất. Với mục tiêu “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”, chiến lược phát triển bền vững của Công ty tập trung vào ba lĩnh vực: Xã hội, Uống có trách nhiệm và Môi trường. “Ở mỗi lĩnh vực, chúng tôi đều đang theo đuổi những tham vọng lớn theo quy chuẩn của Heineken toàn cầu”, bà Ánh nói.
Riêng ở lĩnh vực môi trường, cùng tham vọng tác động môi trường bằng 0, Heineken Việt Nam đang tiếp tục triển khai những sáng kiến bảo tồn nguồn nước, đồng thời nỗ lực thúc đẩy các lộ trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và tối đa kinh tế tuần hoàn để đóng góp vào mục tiêu Net Zero của chính phủ.
Theo đó, Heineken Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng tối đa mô hình kinh tế tuần hoàn. Nhằm thúc đẩy những lộ trình này, doanh nghiệp trong ngành bia này đã áp dụng chiến lược 4Rs với 4 trụ cột: (1) Reduce: Giảm tiêu thụ năng lượng bằng các thiết bị tiên tiến và tối ưu quy trình; (2) Replace: Thay thế năng lượng hoá thạch bằng năng lượng tái tạo; (3) Remove: loại bỏ dư lượng phát thải bằng các dự án bù đắp carbon; (4) Report: Báo cáo và đánh giá tác động xuyên suốt quá trình.
Trong sản xuất, nhờ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, trong năm 2023, Heineken Việt Nam đã đạt 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất, đồng thời cũng duy trì việc không rác thải chôn lấp tại tất cả nhà máy từ năm 2021 nhờ thực hành và áp dụng tốt kinh tế tuần hoàn. Toàn bộ các phụ và phế phẩm trong quá trình sản xuất của Heineken Việt Nam đều được tái chế, tái sử dụng, hoặc biến thành sản phẩm có giá trị để đưa vào chuỗi giá trị khác.
Heineken Việt Nam hiện sử dụng 99% năng lượng tái tạo trong sản xuất, trong đó nhiệt năng tái tạo đến từ sinh khối và khí sinh học và toàn bộ điện năng được đảm bảo bằng chứng chỉ thuộc tính năng lượng. Trong năm 2023, Heineken Việt Nam đã giảm 93% phát thải CO2 trong sản xuất so với năm 2018.
“Có thể nói, chúng tôi đã tiến rất gần đến tham vọng Net Zero trong sản xuất. Hy vọng đến năm 2030, tất cả sản phẩm của Heineken Việt Nam sẽ là các sản phẩm Net Zero”, bà Trần Ngọc Ánh chia sẻ.
Trong chuỗi giá trị, chiến lược cung ứng của Heineken Việt Nam tập trung vào việc hợp tác và hỗ trợ nhà cung cấp xây dựng lộ trình giảm phát thải, từ đó góp phần giảm phát thải ở phạm vi 3 (chuỗi giá trị) của Công ty.
Cụ thể, với bao bì, Công ty tái sử dụng đến 97% chai thủy tinh và 99% két nhựa. Với lon nhôm và thùng carton, Công ty đang hợp tác với các nhà cung cấp, nhà tái chế cho các dự án từ Lon nhôm ra Lon nhôm và carton to carton. “Heineken Việt Nam là công ty đầu tiên trong tập đoàn thực hiện dự án này”, bà Ánh cho hay.
Ngoài ra, bà Ánh cho biết, Heineken Việt Nam sử dụng tủ lạnh phát thải thấp do Heineken toàn cầu kiểm soát chất lượng, đồng thời cũng nghiên cứu xây dựng chính sách tuần hoàn tủ lạnh đối với những tủ lạnh đã qua sử dụng.
Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu trên, theo vị đại diện Heineken Việt Nam, vẫn còn nhiều thách thức trên hành trình hiện thực hóa tham vọng Net Zero trong toàn chuỗi giá trị vào năm 2040 của Công ty nói riêng và nhiều doanh nghiệp nói chung.
Đề cập đến những thách thức về chính sách và hạ tầng, bà Ánh nhắc đến việc khó khăn trong tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo. “Chúng tôi rất kỳ vọng doanh nghiệp và các nhà cung cấp có thể tham gia cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến trực tiếp người tiêu dùng thông qua hệ thống truyền tải quốc gia - PV) sớm nhất. Nếu đối tác không thể chuyển sang năng lượng tái tạo, rõ ràng rất khó cho chúng tôi thực hiện tham vọng giảm phát thải”, bà Ánh nói.
Một thách thức khác là thiếu hạ tầng tái chế cũng như thị trường các sản phẩm tái chế. Do vậy, cần thúc đẩy hợp tác để có các giải pháp chung phù hợp. Hiện Việt Nam chưa có nhà máy sản xuất tấm nhôm cuộn từ nhôm tái chế, nên hầu hết tấm nhôm cuộn có thành phần nhôm tái chế vẫn đang được nhập từ nước ngoài để sản xuất lon nhôm trong nước. Vì vậy, hợp tác trong việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là rất quan trọng.
Thách thức thứ ba phát sinh từ việc hầu hết phát thải nằm trong chuỗi giá trị và chúng ta không thể triển khai riêng lẻ. Vì vậy, phải có sự phối hợp, cam kết phát triển bền vững của đối tác.
Bà Trần Ngọc Ánh khẳng định, những diễn đàn như Hội thảo thường niên Phát triển bền vững là cơ hội để các bên cùng nhau chia sẻ và kêu gọi chung tay hành động, mang ý nghĩa rất lớn trên hành trình phát triển bền vững.