Từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã đổ vào ngành dệt may |
Nhà máy dệt sợi công suất gần 16.000 tấn/năm vừa được Công ty Ilshin Việt Nam (Hàn Quốc), khánh thành và đưa vào hoạt động trong những ngày đầu tháng 10/2015 tại Tây Ninh.
Với tổng vốn đầu tư lên tới 177 triệu USD, đây là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép và triển khai thực hiện với thời gian nhanh kỷ lục từ trước đến nay tại địa phương này. Cụ thể, đầu năm 2014, Dự án Nhà máy dệt sợi Ilshin được cấp giấy phép đầu tư, chỉ đến hết tháng 9/2014, công tác xây dựng nhà máy đã thực hiện ước đạt 50% khối lượng công việc và vận hành chính thức trong quý III/2015.
Được khánh thành đúng thời điểm đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc, có vẻ như Ilshin đã tính toán rất trùng khớp trong việc đón bắt cơ hội thị trường mà ngành dệt may có được khi TPP có hiệu lực.
Ông Yang Seung Cheul, Giám đốc Công ty Ilshin Việt Nam cho biết, mặc dù được triển khai đầu tư trong thời gian nhanh chóng, nhưng chủ đầu tư tuân thủ nghiêm ngặt quy định xây dựng, đảm bảo các hạng mục đồng bộ, với tiêu chí kinh doanh bàn bản, bền vững, cam kết làm ăn lâu dài.
“Có 3 loại sản phẩm được sản xuất tại nhà máy là sợi, sợi thành phẩm, vải dệt kim. Sản phẩm được xuất khẩu sang Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...”, ông Yang Seung Cheul nói.
Cũng cần nói thêm, Ilshin là doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm ngành dệt may. Được thành lập năm 1955 và hiện có nhà máy và văn phòng giao dịch tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Công ty Ilshin cũng như nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội đầu tư đón ưu đãi từ các FTA đến với ngành dệt may Việt Nam.
Sự đầu tư quy mô, vốn lớn từ các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài là tác nhân chính khiến năng lực ngành sợi tăng lên nhanh chóng.
Ông Nguyễn Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) cho biết, hơn 2 tỷ USD vốn từ nước ngoài đã đổ vào ngành dệt may từ đầu năm 2015 đến nay. Phần lớn trong số này là các cụm dự án liên hoàn, từ sản xuất sợi, dệt nhuộm, hoàn tất vải và may xuất khẩu.
Xu hướng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực dệt may tại Việt Nam chưa bao giờ dồn dập và lớn mạnh về quy mô như thời điểm này. Theo ông Giang, số lượng dự án không quá nhiều như những năm trước, nhưng đều là những dự án đình đám, nhỏ cũng từ 30-40 triệu USD, lớn thì tới 660 triệu USD như dự án của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ) sản xuất sợi, vải.
Dòng chảy vốn FDI vào dệt may vẫn đang tiếp diễn. Theo kế hoạch, ngay đầu năm 2016, một phần trong tổng số 300 triệu USD vốn tài trợ của Chính phủ Ấn Độ dành cho các dự án hợp tác giữa ngành dệt may 2 nước sẽ được chuyển vào Việt Nam để cụ thể hóa bằng các dự án đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Ông Vishvajit Sahay, Tổng vụ Công nghiệp nặng Ấn Độ đã khẳng định điều này tại sự kiện dẫn đoàn gần 20 doanh nghiệp dệt Ấn Độ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào trung tuần tháng 10 vừa qua.
Vấn đề còn lại là các địa phương cần quản lý chặt khâu đầu tư, thực hiện các tiêu chuẩn về môi trường đối với các dự án lớn, do các khâu sản xuất nhuộm, dệt nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Theo khuyến cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các địa phương nên có kế hoạch giám sát hoạt động bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp dệt may và các dự án có khâu nhuộm, dệt nhuộm… Đặc biệt, khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án trong lĩnh vực dệt may, cơ quan cấp phép cần tuân thủ chặt chẽ quy trình thẩm tra, đánh giá dự án đầu tư, trong đó chú trọng đánh giá công nghệ sử dụng.