Thời sự
Doanh nghiệp nhà nước: chỗ lãi to, nơi lỗ nặng
Thanh Hương - 14/11/2013 07:21
Báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương mới đây cho thấy, kết quả hoạt động năm 2013 của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đang có khác biệt lớn. >>> Quốc hội nhất trí thu cổ tức doanh nghiệp nhà nước >>> SCIC được bán vốn dưới mệnh giá >>> Trói chân, trói tay khi nhận DNNN yếu

Sau 9 tháng đầu năm, khối các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đạt doanh thu 1.158.124 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ; lợi nhuận đạt 52.005 tỷ đồng, bằng 113% so với cùng kỳ và nộp ngân sách đạt 160.950 tỷ đồng, bằng 101% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, dù mức lợi nhuận của toàn bộ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có sự tăng trưởng tới 13% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng không phải doanh nghiệp nhà nước nào cũng đạt kết quả tốt.

Theo Báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, đơn vị có kết quả kinh doanh tốt nhất là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với doanh thu 481.000 tỷ đồng, đạt 74,4% kế hoạch năm. Đáng nói là dù chưa đạt kế hoạch về doanh thu nhưng lợi nhuận của Tập đoàn Dầu khí lại có mức tăng trưởng khủng, đạt 38.900 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có lợi nhuận cao nhất sau 9 tháng hoạt động

Trong số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp thì Tổng công ty Giấy Việt Nam có kết quả bết nhất với lợi nhuận sau thuế đạt 10 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, thương mại, có kết quả cao nhất là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông với doanh thu 84.192 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế là 4.379 tỷ đồng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam doanh thu đạt 118.900 tỷ đồng, bằng 99% cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế là khoảng 517 tỷ đồng.

Thấp nhất trong nhóm này là Tổng công ty Truyền thông Đa phương tiện với doanh thu 2.790 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ước đạt 73 tỷ đồng.

Ở khối các doanh nghiệp giao thông, vận tải, Tổng công ty Hàng không Việt Nam là đơn vị dẫn đầu khi đạt doanh thu hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng.

Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam đạt doanh thu 2.758 tỷ đồng, bằng 106% so với cùng kỳ nhưng so với kế hoạch năm thì mới đạt xấp xỉ 40%. Tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam cũng đạt lợi nhuận sau thuế là khoảng 2,99 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, bất động sản được đánh giá là gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ sản phẩm thấp. Thấp nhất trong khối này là Tổng công ty Phát triển Nhà và Đô thị có doanh thu 9 tháng tuy đạt 129% kế hoạch năm nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 56% kế hoạch năm và nộp ngân sách chỉ đạt 42% kế hoạch năm.

Vất vả hơn cũng là khối doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Đã có những đơn vị trong khối này lần đầu tiên báo lỗ như Tổng công ty Lương thực Miền Nam với số lỗ 234 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê lỗ 20 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp cũng có lợi nhuận lên tới ngàn tỷ đồng là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Trong 9 tháng đầu năm, đơn vị này đã đạt tổng doanh thu 2.762 tỷ đồng, bằng 96% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 53% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.176 tỷ đồng, bằng 90% so với cùng kỳ và đạt 58% so với kế hoạch năm.

Với Tập đoàn Bảo Việt, tổng doanh thu 9 tháng qua đạt 13.129 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 3,04% khi đạt 999 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương mới đây đã đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng nguyên tắc thoái vốn theo thị trường và doanh nghiệp được chủ động bảo toàn vốn về tổng thể khi thoái vốn, được lấy khoản thoái vốn có lợi nhuận bù cho khoản thua lỗ khi thoái vốn.

Với các trường hợp không đủ cơ sở để xác định giá thị trường thì lập hội đồng định giá, các trường hợp khi thoái vốn không bảo đảm bảo toàn vốn về tổng thể thì phải báo cáo, xin phê duyệt của Bộ, ngành chủ quản.

Tin liên quan
Tin khác