Chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (9/12), ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia đã đưa ra hàng loạt thông tin thú vị về thị trường M&A tại Việt Nam.
Theo đó, thị trường M&A nội địa đã bùng nổ với hàng loạt thương vụ trong những năm gần đây, nơi mà phần lớn giá trị và số lượng giao dịch đều đến từ các công ty Việt Nam.
Trước đây, các hoạt động M&A chủ yếu được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Tuy nhiên, thị trường đang chứng kiến sự chuyển hướng sang các công ty trong nước khi họ ngày càng tích cực hơn trong hoạt động M&A.
Các giao dịch M&A trong nước từ năm 2019 đến 10 tháng đầu năm 2021. |
Trong 10 tháng đầu năm nay 2021, các nhà đầu tư trong nước đã thể hiện sự tham gia mạnh mẽ vào hoạt động M&A với 133 giao dịch đã được thực hiện, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoàn thành lần lượt là 30 và 19 giao dịch.
Các công ty trong nước chiếm 1,61 tỷ USD trong tổng giá trị thương vụ cho 10 tháng đầu năm 2021 và chỉ kém 68 triệu USD so với mức 1,67 tỷ USD của Nhật Bản.
Tuy nhiên, nếu loại trừ thương vụ Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui mua 49% cổ phần của FE Credit trị giá 1,3 tỷ USD, các công ty Việt Nam đã vượt xa các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc về giá trị thương vụ.
Ông Warrick Cleine chia sẻ tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay. (Ảnh: Lê Toàn). |
Sự hiện diện của các công ty quốc tế trở nên ít hơn vào năm 2020 đã dẫn đến sự sụt giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái về cả số lượng và giá trị giao dịch đến từ nước ngoài.
Đồng thời, các công ty tại Việt Nam đang cần được rót vốn và đầu tư cấp bách để tồn tại và phát triển qua đại dịch.
Các nhà đầu tư trong nước nắm bắt những cơ hội này để mở rộng thị phần, thâm nhập vào các thị trường và ngành mới, đồng thời hình thành các mối quan hệ chiến lược.
Giá trị thương vụ trong nước đã tăng lên 2,2 tỷ USD vào năm 2020, thể hiện mức tăng trưởng 201% so với năm trước. Sự phục hồi bị cản trở bởi Covid-19 trong quý II và quý III năm 2021, điều này đã làm giảm số lượng giao dịch.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư trong nước vẫn chú trọng đến việc đầu tư; giá trị giao dịch do đó duy trì ở mức ổn định với 1,6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay.
Xếp hạng các quốc gia theo giá trị đầu tư. |
Trong những năm gần đây, lĩnh vực M&A tại Việt Nam đang trong giai đoạn phục hưng khi ban lãnh đạo các công ty trong nước đẩy mạnh các nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh với M&A là một trong những chiến lược chính.
Vậy, những nhà đầu tư trong nước nào hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường M&A?
Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Masan, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Tập đoàn Novaland đang là 5 đơn vị có hoạt động M&A thuộc hàng lớn nhất trên thị trường, cả về mặt giá trị và số lượng giao dịch trong hai năm vừa qua.
Cụ thể hơn, những tập đoàn lớn đã làm khuấy động thị trường với nhiều thương vụ bom tấn trong vai trò cả là bên mua và bên bán khi họ đã nâng giá trị thương vụ gấp 5 lần từ 248 triệu USD vào năm 2019 lên 1,21 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 53% tổng giá trị giao dịch M&A trong nước.
5 doanh nghiệp nội địa với tổng giá trị thương vụ lớn nhất. |
Bất chấp đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vào giữa năm 2021, nhóm này vẫn thể hiện nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm các khoản đầu tư chất lượng.
Qua đó, họ đã đóng 11 thương vụ với tổng giá trị lên đến 1,13 tỷ USD trong vòng 10 tháng của năm 2021, chiếm đến 70% tổng giá trị giao dịch trong nước.
Quy mô hoạt động của 5 công ty này đã tăng lên đáng kể theo thời gian không chỉ dựa vào năng lực quản trị và khả năng thực thi của đội ngũ lãnh đạo mà còn nhờ cách tiếp cận mạnh mẽ với chiến lược M&A.
Chính vì thế, nhóm này đã đạt được bước phát triển vượt bậc, nâng tầm cả về vốn hóa thị trường lẫn doanh thu, đặc biệt là Tập đoàn Masan, Hòa Phát và Novaland khi những doanh nghiệp này đã hưởng lợi lớn từ các khoản đầu tư chiến lược trong hành trình phát triển của mình.
5 doanh nghiệp nội địa có bước tiến vượt bậc về mặt quy mô. |
Doanh thu của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng gấp đôi từ 2,7 tỷ USD vào 2019 tới 5,7 tỷ USD; trong khi đó, vốn hóa thị trường của họ đã tăng gần gấp bốn lần từ 2,8 tỷ USD vào năm 2019 tới gần 11 tỷ USD tính tới thời điểm tháng 10 của năm 2021.
Trong khi đó, Tập đoàn Masan đã thành công trong việc triển khai một hệ sinh thái tiêu dùng được tích hợp và hỗ trợ từ nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập.
Vốn hóa thị trường và doanh thu của Tập đoàn Masan đều đạt mức cao nhất lịch sử, lần lượt là 7,7 tỷ USD và 3,8 tỷ USD.
"Sự chuyển biến tích cực trong hoạt động M&A trong nước sẽ vẫn còn được duy trì đối với những doanh nghiệp này vì họ không chỉ có đủ lượng tiền mặt dự trữ để tìm kiếm các mục tiêu chất lượng, mà còn có khẩu vị mang tính chiến lược trong việc tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng thị trường và cải thiện tỷ suất lợi nhuận", ông Warrick Cleine nhấn mạnh.
Khách mời tham dự Diễn đàn lắng nghe chia sẻ từ các diễn giả (Ảnh: Lê Toàn). |
Những thương vụ mang tính đột phá được 5 doanh nghiệp nêu trên thực hiện có hoạt động sôi nổi trong thị trường M&A trong vòng 3 năm gần đây.
Đó là sự sáp nhập của chuỗi bán lẻ lớn nhất toàn quốc là VinCommerce vào hệ sinh thái của Tập đoàn Masan.
Đó là thương vụ mua lại 98% cổ phần của Công ty TNHH Đô thị Đại học Quốc tế Berjaya Việt Nam của Vinhomes với mức giá là 514 triệu USD.
Và đó là thương vụ Sữa Mộc Châu của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) bằng cách nâng số lượng cổ phần tại GTNFoods lên từ 32% tới 75% để gián tiếp trở thành cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp mục tiêu.
Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhờ các quy định và chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia tin rằng, các công ty trong nước sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động M&A trong tương lai, tạo ra nhiều tập đoàn với quy mô có thể sánh ngang với các tập đoàn lớn trong khu vực.