- Sản xuất thép trong nước lo "thót tim" với đề xuất của Bộ Tài chính
- Động thái từ thị trường thép Trung Quốc và chính sách của Việt Nam
- Việt Nam có nên làm thép khi áp thuế tự vệ, thép Trung Quốc vẫn rẻ hơn?
- Lợi nhuận quý II/2021 của doanh nghiệp phi tài chính tăng 86,2%, ngành nào triển vọng lên ngôi?
Việc tăng thuế xuất khẩu và mở rộng cửa cho thép ngoại sẽ khiến thép nội lao đao. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Tập đoàn Hòa Phát |
Gắng sức duy trì sản xuất
Ngay sau khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 57/2020/NĐ-CP liên quan đến biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, với việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép từ 0% lên 5% và giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với một số sản phẩm thép xây dựng xuống còn 10 - 15%, các doanh nghiệp ngành thép rất lo lắng.
Theo Bộ Tài chính, giá thép tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt là những dự án đầu tư công, ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Bởi vậy, việc điều chỉnh thuế này là để góp phần hạ giá mặt hàng thép xây dựng, thúc đẩy doanh nghiệp tiết giảm chi phí, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao.
Đồng ý là giá thép biến động, nhưng Tập đoàn Hòa Phát cũng cho hay, đây là bởi nguyên liệu đầu vào của các sản phẩm thép như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite… tăng cao trên thị trường toàn cầu. Việt Nam với sự liên thông mạnh cùng thị trường quốc tế nên cũng nằm trong vòng cuốn tăng.
“Nguyên liệu trong nước để sản xuất thép khan hiếm hoặc không đáng kể, do đó các nhà sản xuất thượng nguồn phải nhập khẩu quặng sắt, phế liệu, than mỡ từ nước ngoài về”, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Hòa Phát lý giải.
CEO của Hòa Phát cũng cho biết thêm, Trung Quốc đang chi phối hoàn toàn giá quặng sắt thế giới, với 70% lượng quặng nhập đường biển toàn cầu. Do quốc gia này đẩy mạnh đầu tư nhằm phục hồi sau đại dịch, nên các nhà sản xuất Trung Quốc cũng tích cực dự trữ, nhập nguyên vật liệu cho sản xuất. Australia, nước xuất khẩu quặng sắt lớn cũng đang gặp căng thẳng với Trung Quốc khiến thị trường quặng sắt toàn cầu càng thêm ngột ngạt.
“Dù thị trường thế giới bất ổn, nhưng để giữ được sản xuất trong nước ổn định, đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho hàng ngàn lao động, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp từ năm 2020 tới nay, Hòa Phát cũng phải chấp nhận mua giá nguyên liệu cao để đảm bảo sản xuất liên tục, cung hàng hóa đầy đủ ra thị trường, không tạo ra khan hàng. Dù giá thành nguyên vật liệu tăng cao và quá nhanh, nhưng doanh nghiệp cũng không thể tăng giá tương ứng được”, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát nói.
Trên thực tế, do liên thông với thị trường quốc tế, nên khi thị trường bên ngoài biến động, giá thép trong nước cũng chịu tác động theo, chứ không có chuyện khan hàng, thiếu nguồn cung thép.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) chứng minh, giá nguyên liệu chính của thế giới cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021 đi ngang và duy trì sự ổn định, nên giá thép trong nước cũng ngay lập tức được điều chỉnh. Theo đó, giá thép xây dựng hiện được các nhà sản xuất bán ở mức 15,9 triệu đồng/tấn, đã giảm 1,4 triệu đồng/tấn so với đầu tháng 5.
Từ góc độ doanh nghiệp có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành thép Việt Nam, ông Hiroyuki Iwasa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vina Kyoei cũng cho rằng, chính sách thuế đang dự thảo này cần cân nhắc kỹ vì “thời điểm hiện nay và cả trong tương lai, giá thép vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi giá thị trường quốc tế”.
Nếu xét trên thực tế đa phần các nguyên nhiên liệu phục vụ cho sản xuất thép lẫn máy móc, trang thiết bị của ngành thép đều phải nhập khẩu là chính, thì chuyện giá thép trồi sụt theo thị trường thế giới không có gì là khó hiểu, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn như hiện nay.
Khó yên tâm đầu tư lâu dài
Trong khi ngành thép nội có nguy cơ gặp khó khăn do Bộ Tài chính chọn lối đi nhanh nhất cho mục tiêu giảm giá thép thông qua tăng thuế xuất khẩu phôi thép, để phôi sản xuất tại Việt Nam khó đi ra nước ngoài và giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng thép phục vụ thi công để hàng ngoại có cơ hội tràn vào, khiến sản xuất trong nước có thể lâm vào tình thế “cắt thịt mình để đảm bảo sản xuất, có việc làm cho người lao động”, thì thế giới lại đang chứng kiến nhiều sự bảo hộ quyết liệt để củng cố sản xuất nội địa.
Đơn cử, Ủy ban châu Âu (EC) mới ban hành kết luận cuối cùng đợt rà soát cuối kỳ biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu. Theo đó, EC kết luận rằng, ngành sản xuất nội địa Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục bị thiệt hại nghiêm trọng nếu không gia hạn biện pháp và các nhà sản xuất thép EU vẫn đang thực hiện điều chỉnh để thích nghi với sự gia tăng nhập khẩu thép. Vì vậy, EC quyết định gia hạn thời gian áp dụng biện pháp tự vệ theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu thêm 3 năm (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2024).
Xét thực tế thị trường nội địa đang có sự đình trệ cùng với làn sóng dịch bệnh phức tạp hiện nay ở 19 tỉnh/thành phố phía Nam, hay đang diễn biến khó lường ở Hà Nội, ngành thép cũng như nhiều ngành hàng khác đang lâm vào cảnh khó khăn kép.
Ông Hiroyuki Iwasa cho hay, từ tháng 6/2021, mọi hoạt động kinh tế dường như dừng lại ở các thị trường chính gồm TP.HCM và các tỉnh phía Nam, do hầu hết công trình xây dựng đã ngừng hoạt động vì hạn chế di chuyển của người dân cũng như các phương tiện giao thông. “Chúng tôi không thể có bất kỳ triển vọng bán hàng nào trong lúc này. Doanh số tháng sẽ giảm mạnh và các nhà sản xuất thép đều đang gặp khó khăn nghiêm trọng”, ông nói.
Báo cáo của VSA cũng cho thấy, trong tháng 6/2021, tiêu thụ phôi thép của các doanh nghiệp sản xuất chỉ đạt 1,5 triệu tấn, giảm 13,5% so với tháng trước, trong đó xuất khẩu phôi thép chỉ đạt 110.350 tấn, giảm 66,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngay Tập đoàn Hòa Phát vốn nổi tiếng về giá tốt nhất trên thị trường do có nhiều lợi thế trong sản xuất, mà tồn kho thép xây dựng 6 tháng đầu năm 2021 cũng tăng lên 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Nếu áp thuế như Bộ Tài chính đề xuất sẽ ảnh hưởng xấu tới các doanh nghiệp đã dốc sức đầu tư mở rộng sản xuất ở trong nước để tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, khiến doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Điều này đi ngược với chủ trương của Chính phủ là tiếp tục giữ vững, duy trì sản xuất, đảm bảo tăng trưởng và ổn định việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp”, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát nêu quan điểm.