Chuyển đổi số - Kinh tế số
Doanh nghiệp SME nên cân nhắc khi ứng dụng blockchain vào kinh doanh
Hoàng Oanh - 02/12/2022 17:25
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) muốn ứng dụng blockchain vào hoạt động kinh doanh sẵn có chỉ nên cân nhắc khi đã có doanh thu và lợi nhuận ổn định…

Trong chương trình “Kết nối đầu tư công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc” tổ chức tại Báo Đầu tư, ông Trần Quang Chiến - người sáng lập ONUSChain đã có nhiều chia sẻ về hướng ứng dụng blockchain cho các doanh nghiệp SME trong phần “Rủi ro và cơ hội trong phát triển giải pháp công nghệ chủ động”.

Nhà sáng lập ONUSChain Trần Quang Chiến chia sẻ về giải pháp công nghệ chủ động cho các SME

Những năm gần đây, các doanh nghiệp lớn và định chế tài chính trên thế giới đã tuyên bố về dự án nghiên cứu, ứng dụng blockchain, trong đó có Amazon, IBM, JPMorgan… Năm 2021, công nghệ blockchain bùng nổ rất mạnh và theo số liệu của World Economic Forum, vào năm 2025, 10% GDP sẽ lưu trữ trên blockchain. Nghiên cứu của Blockdata từ năm 2021 cho thấy 81 trong số 100 doanh nghiệp lớn trên thế giới đang ứng dụng blockchain, trong đó 27 doanh nghiệp đã có sản phẩm, dịch vụ đưa vào triển khai. 

Nhưng trong bức tranh tổng thể vẫn còn thiếu sự đề cập đến các doanh nghiệp ở phân khúc vừa và nhỏ (SME) vốn đang ứng dụng blockchain rất hiệu quả trong những lĩnh vực như nông nghiệp, chuỗi cung ứng cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài. 

Trả lời cho vấn đề này, nhà sáng lập ONUSChain cho biết về mặt lý thuyết blockchain có tiềm năng ứng dụng cho doanh nghiệp ở tất cả các quy mô nhưng đối với SME có 2 cách tiếp cận. Đầu tiên, chủ doanh nghiệp SME có thể xác định ngay từ đầu sẽ lập startup blockchain chuyên về Fintech, game hoặc cung cấp các nền tảng blockchain. Còn hướng thứ hai là các SME muốn áp dụng blockchain vào hoạt động kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, theo ông, hướng phát triển này không dành cho tất cả mọi doanh nghiệp. 

Ông Chiến chia sẻ: “Khi muốn ứng dụng blockchain vào các hoạt động kinh doanh truyền thống, SME nên có các mô hình kinh doanh đã được chứng minh, họ đã có nguồn doanh thu và có dòng lợi nhuận ổn định, thì mới nên áp dụng blockchain vào để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, tăng doanh thu cũng như tạo sự tin cậy của khách hàng, tạo điểm mạnh về kinh doanh”.

Rào cản doanh nghiệp cần vượt qua

Một trong những trở ngại là blockchain đòi hỏi hệ thống hạ tầng lớn, cần rất nhiều mạng lưới máy chủ và các bên cùng tham gia để tạo ra hệ thống. Tình trạng thiếu những chuyên gia blockchain có năng lực cũng là trở ngại cho khâu triển khai, khiến việc tiếp cận không hề dễ dàng. 

Ông Chiến cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang tạo ra sẵn một nền tảng blockchain có thể giúp các doanh nghiệp ứng dụng vào ngay mà không cần phải tự xây dựng. ONUSChain tập trung vào yếu tố dễ tiếp cận, nghĩa là giúp cho cả những người xây dựng cũng như những người dùng cuối có thể dễ dàng ứng dụng blockchain”. 

Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư đặt vấn đề về những khó khăn mà SME gặp phải khi ứng dụng blockchain

ONUSChain là mạng blockchain dành cho người Việt, cam kết đóng vai trò quan trọng trong bức tranh công nghệ của Việt Nam và trở thành “bệ phóng khởi nghiệp” cho các start-up và nhà phát triển ứng dụng công nghệ. ONUSChain hiện tại đang có một hệ sinh thái đầy đủ các ứng dụng giải quyết vấn đề lưu trữ, hoặc những vấn đề về hạ tầng công nghệ.

Sau khi xây dựng được sản phẩm blockchain, ông Chiến cho rằng để giúp cho các doanh nghiệp áp dụng blockchain một cách chủ động, các hiệp hội, trường học, tổ chức giáo dục cần soạn thảo các tài liệu, giáo trình phổ cập kiến thức về blockchain, mở ra những buổi hội thảo để giúp cập nhật về vấn đề pháp lý. 

Bài tham luận của nhà sáng lập ONUSChain nằm trong khuôn khổ chương trình do báo Đầu tư phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA).

Sự kiện chào đón sự góp mặt của gần 100 khách mời đến từ các cơ quan quản lý nhà nước như đại diện Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đại diện Thành Đoàn Thành phố Hà Nội, Trưởng làng TechArt trực thuộc TECHFEST Việt Nam 2022; đặc biệt là đại diện Lãnh sự quán Mỹ tại Hà Nội và các đại diện đến từ Hiệp hội Content NFT Hàn Quốc (KONCA), Kênh truyền hình NBN Hàn Quốc (NBN), đại diện gia tộc Lotte; các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, đại diện thành viên hai hiệp hội cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực công nghệ.

Tin liên quan
Tin khác