Chuyển đổi số - Kinh tế số
Kỳ vọng đột phá trên thị trường blockchain
Hữu Tuấn - 01/12/2022 08:11
Khung pháp lý hoàn thiện sẽ là trợ lực lớn để thị trường blockchain phát triển và tăng trưởng đột phá.
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Hiệp hội Blockchain Việt Nam và Hiệp hội NFT Hàn Quốc (KONCA).

Mũi đột phá cho kinh tế

Công nghệ blockchain đang được nhiều quốc gia lựa chọn như một mũi đột phá cho kinh tế. Báo cáo của Grand View Research cho biết, quy mô thị trường công nghệ blockchain toàn cầu ước đạt 5,92 tỷ USD vào năm 2021, dự kiến đạt 7,18 tỷ USD năm 2022 và 163,83 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 56,3% trong giai đoạn này.

Việt Nam đang là thị trường mới nổi, giàu tiềm năng phát triển blockchain. Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain, hiện có hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD và đã xuất hiện những start-up "kỳ lân" trong lĩnh vực này. Trong số Top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain trên thế giới, có 7 doanh nghiệp do người Việt thành lập. Báo cáo của MarketsandMarkets cho thấy, thị trường liên quan đến blockchain tại Việt Nam dự kiến đạt giá trị gần 2,5 tỷ USD vào năm 2026, tăng gấp 5 lần quy mô so với năm 2021.

Ông Phan Đức Trung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho rằng, blockchain là nền kinh tế phát triển ngang hàng trên Internet. Công nghệ này được ứng dụng đầu tiên từ thị trường tài chính và nhanh chóng được mở rộng trên rất nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, kế toán, chứng khoán… và đang dịch chuyển sang hàng các lĩnh vực khác. Phần lớn người dân Việt Nam hiện chỉ nhìn thấy một phần rất nhỏ về thị trường ứng dụng blockchain thể hiện qua các dự án game, tiền kỹ thuật số, vô tình bỏ qua bức tranh tổng thể về công nghệ này đang được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội như hậu cần, y tế, chuỗi cung ứng, giải trí, định danh…

Theo ông Trung, tại Hàn Quốc, blockchain được định hình như một thị trường chứng khoán phái sinh, tài sản số. Tuy nhiên, các chính sách pháp lý blockchain, những cơ hội, rủi ro trong lĩnh vực này vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp.

Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc (MIST) đã công bố kế hoạch Digital New Deal dành 48,5 tỷ USD chi cho cơ sở hạ tầng mạng, phát triển AI và các công nghệ khác như blockchain, metaverse… Theo tính toán, Hàn Quốc có thể thu về 60.000 tỷ won, tương đương 3% GDP cho nền kinh tế trong 10 năm tới nếu ứng dụng công nghệ mới, tạo ra 900.000 việc làm vào năm 2025.

Ông Mark Hwang, Chủ tịch KONCA Việt Nam cho biết, tại Hàn Quốc, blockchain đang được ứng dụng khá rộng rãi. Điển hình như NBN - kênh truyền hình blocchain số 1 Hàn Quốc đang đặt mục tiêu mở rộng phát sóng toàn thế giới và thành lập các trung tâm ươm mầm blockchain. Trong lĩnh vực NFT, tại Hàn Quốc đang khá hấp dẫn với lĩnh vực thể thao giải trí…

Nóng vấn đề pháp lý

Cũng giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam và Hàn Quốc đang gặp vấn đề về hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, khiến các dự án blockchain chưa phát triển như kỳ vọng. Trong khuôn khổ của Chương trình “Kết nối đầu tư công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc”, tại phiên thảo luận mở về chủ đề “Bối cảnh pháp lý Việt Nam vào công nghệ blockchain cho các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư”, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 28/11, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã thảo luận sâu về chủ đề nóng này.

Lấy ví dụ điển hình về việc Chính phủ Hàn Quốc đang lên kế hoạch triển khai căn cước công dân điện tử được bảo mật bằng công nghệ blockchain, ông Mark Hwang cho biết, vấn đề định danh số đang là chủ đề nóng ở Hàn Quốc. Việc ai quản lý, ở đâu cũng đang gây tranh cãi rất nhiều. Gần đây vụ việc những đứa trẻ khuyết tật bị vứt bỏ gây xôn xao thì có thể quản lý bằng định danh của nhà nước trong chăm sóc, nuôi dưỡng. Đây là một trong những vấn đề pháp lý cần quan tâm trong blockchain.

Ông Choi Kang Yong, Chủ tịch NBN cho rằng, việc chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo đang diễn ra rất nhanh, chỉ 2-3 năm, nhất là trong thời gian dịch bệnh. Điển hình là sự ra đời và phát triển nhanh chóng của metaverse. Thế giới ảo phát triển quá nhanh, các cơ quan tài chính, tín dụng gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát.

Nhận định về câu chuyện định danh số bằng công nghệ blockchain tại Hàn Quốc “soi chiếu” về thị trường Việt Nam, ông Phan Đức Trung cho rằng, đây là một ứng dụng blockchain rất tiềm năng và hữu ích. Theo đó, bằng công nghệ này, Bộ Công an quản lý căn cước công dân, Bộ Y tế quản lý khám chữa cho bệnh nhân, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hàng chục triệu học sinh - sinh viên một cách dễ dàng, thuận tiện, khoa học… nhưng e ngại pháp lý vẫn đang là rào cản. Điển hình như vấn đề định danh, chấm điểm tín dụng, khách hàng lo bị tiết lộ danh tính, xâm phạm đời tư.

Bên cạnh đó, các start-up blockchain đang gặp nhiều vấn đề pháp lý, buộc phải mở công ty ở nước ngoài. Theo đó, hiện pháp luật Việt Nam chưa phân biệt công ty mở và công ty đóng, chưa có thử nghiệm cho blockchain, nên các doanh nghiệp đang hoạt động trong vùng xám pháp lý.

“VBA đang xúc tiến thành lập Trung tâm tư vấn, xúc tiến pháp lý để hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy thiết lập cơ chế sanbox cho blockchain”, ông Trung cho hay.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Quang Chiến, Founder ONUSChain chia sẻ, rủi ro lớn nhất của các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới như blockchain là về vấn đề pháp lý. Đặc biệt ở Việt Nam khi chưa có  khung khổ pháp lý dành cho các doanh nghiệp khi sử dụng blockchain. Rủi ro thứ hai là khi ứng dụng blockchain sẽ cần hệ thống về hạ tầng lớn. Rủi ro thứ ba là nguồn nhân lực. 

Còn ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia cho rằng, đối với các công nghệ mới, kể cả blockchain hay công nghệ khác, quan điểm của Việt Nam là luôn chào đón. Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, suy cho cùng là triết lý mới, phương thức mới… cái gốc của công nghệ vẫn là bài toán bảo mật, về quyền dữ liệu. Các chỉ đạo của Chính phủ đều ủng hộ blockchain, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông tin đưa vào Thông tư số 19/2021/TT-BTTTT về ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm. Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Luật Đầu tư cũng đã đưa các quy định liên đới đến blockchain bằng quy định các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo sẽ được ưu đãi đầu tư. Trước đây, ưu đãi theo ngành lĩnh vực và địa bàn, nhưng giờ đây có thêm một lĩnh vực không thuộc ngành, lĩnh vực, địa  bàn, mà là start-up, đổi mới sáng tạo.

“Thực ra, blockchain đã thâm nhập hàng ngàn lĩnh vực tại Việt Nam và tất cả các lĩnh vực đã có hệ thống pháp luật để điều chỉnh. Câu chuyện pháp lý ở đây không nằm ở công nghệ blockchain, mà ở việc nhiều đối tượng lợi dụng công nghệ đó để lừa đảo, vì vậy, start-up cần có sự hỗ trợ của công ty luật, công ty tư vấn”, ông Đỗ Tiến Thịnh khuyến nghị.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Đẩy mạnh việc phát triển tại thị trường Việt Nam.

- Ông Jun Kwon, Giám đốc Công ty Meta Planet

Việt Nam là thị trường trẻ, chúng tôi tìm hiểu thì biết độ tuổi từ 10 đến 20 chiếm đến 30-40%. Chúng tôi đã chuẩn bị những game liên quan tới NFT và metaverse để các bạn không chỉ chơi game, mà còn có những lợi ích từ chơi game. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc phát triển tại thị trường Việt Nam.

Tôi cũng phán đoán chính sách đầu tư về blockchain tại Việt Nam cũng sẽ khó hơn một chút so với Hàn Quốc, nhưng thông qua Hiệp hội blockchain Việt Nam, chúng tôi cũng có cơ hội hiểu hơn về thị trường Việt Nam và học hỏi kinh nghiệm của các doanh nghiệp đi trước để có sự chuẩn bị tốt hơn khi bước vào thị trường này.

Hướng đến việc khai thác thị trường vốn.

- Ông Choi Kang Yong, Chủ tịch NBN

Chúng ta đều thấy rằng, xu hướng chuyển đổi sang tài sản kỹ thuật số đang diễn ra rất mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam, Hàn Quốc, mà còn trên toàn thế giới.

Thêm vào đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động lên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, công nghệ blockchain đang được chú trọng và được coi là trung tâm của cuộc cách mạng kinh doanh.

Thị trường tiền điện tử ở Hàn Quốc được ước tính trị giá lên đến 23 tỷ USD với hơn 7 triệu người dùng giao dịch mỗi ngày. Thị trường toàn cầu hiện nay ở mức 900 tỷ USD, tương đương với 20 triệu tỷ đồng.

Với tiềm năng lớn như vậy, đây là lúc để chúng ta suy nghĩ lại về thị trường vốn và khả năng tiếp cận thị trường tài sản kỹ thuật số với góc nhìn rộng hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần hướng đến việc khai thác thị trường vốn này như là giải pháp để đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và sự gia tăng lãi suất trên thị trường vốn.

Blockchain có thể ứng dụng cho cả doanh nghiệp SME.

- Ông Trần Quang Chiến, Founder ONUSChain

Blockchain có thể ứng dụng cho không chỉ doanh nghiệp lớn, mà cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Với doanh nghiệp SME, tôi nghĩ là có 2 cách tiếp cận về blockchain. Thứ nhất là ở các doanh nghiệp có thể thành lập các start-up về blockchain. Thứ 2 là các doanh nghiệp này có thể áp dụng blockchain vào trong hoạt động kinh doanh có sẵn.

Với hướng đầu tiên, hiện tại có rất nhiều start-up về blockchain ở Việt Nam lẫn ở nước ngoài, ví dụ như là các ứng dụng về VinTech, ứng dụng về game hoặc sử dụng các nền tảng blockchain.

Hướng số 2, với các doanh nghiệp SME muốn ứng dụng công nghệ blockchain vào trong hoạt động kinh doanh truyền thống của họ, theo tôi, điều này không dành cho tất cả doanh nghiệp. Đầu tiên, các doanh nghiệp SME nên ứng dụng blockchain vào các hoạt động kinh doanh truyền thống thì nên có các mô hình kinh doanh đã được được chứng minh, đã có nguồn doanh thu và có dòng lợi nhuận ổn định, thì mới nên áp dụng blockchain để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp của mình cũng như tạo sự tin cậy của khách hàng, tăng thêm doanh thu.

Phổ cập kiến thức về blockchain cho các doanh nghiệp cũng như người dân.

- Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA)

Blockchain là công nghệ mới nên sẽ phát sinh hàng loạt vấn đề mới. VBA đã có chủ trương, lập kế hoạch phổ cập kiến thức cho các doanh nghiệp cũng như người dân.

VBA cũng sẽ làm việc với các cơ quan lập pháp của Quốc hội để có đầy đủ những quy định pháp lý đối với vấn đề này ở Việt Nam. Đấy là một cách để hỗ trợ và giúp đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm hoạt động ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của mình.
Tin liên quan
Tin khác