Tại Diễn đàn Công nghệ, do Dell Technologies vừa tổ chức tại Hà Nội, Dell đã công bố một nghiên cứu quan trọng về quá trình đổi mới của các doanh nghiệp. Nghiên cứu này được thực hiện tại 45 quốc gia.
Kết quả cho thấy, 60% người tham gia khảo sát lo ngại tổ chức của họ sẽ lạc hậu trong vòng 3 đến 5 năm tới, dựa trên tình hình hoạt động đổi mới và văn hóa doanh nghiệp.
Trong đó, riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ), chỉ 17% các tổ chức tại khu vực này được xếp vào nhóm Innovation Leader và Adopter (người đang ứng dụng đổi mới). Đây là những tổ chức có chiến lược đổi mới toàn diện và sở hữu vị thế tốt để vượt qua những thử thách từ suy thoái toàn cầu, các vấn đề về nguồn cung ứng, ảnh hưởng của môi trường, v.v. để tiếp tục phát triển.
Ông Paul Carter, Phó chủ tịch mảng giải pháp khách hàng tại khu vực APJ, Dell Technologies phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ |
Tại APJ, các doanh nghiệp này có khả năng tăng tốc đổi mới trong thời kỳ suy thoái nhanh hơn 2,1 lần so với các đơn vị thuộc nhóm Innovation Follower (người theo đuổi đổi mới) và Laggard (những đơn vị đang dần tụt hậu).
“Khả năng đổi mới bền bỉ” này (thể hiện qua sự quyết tâm và khả năng đổi mới trong những tình huống khó khăn) cũng là một trong những lý do mà khu vực APJ chứng kiến các doanh nghiệp thuộc nhóm Innovation Leader và Adopter có khả năng đạt mức tăng trưởng doanh thu cao hơn (cao hơn 15% so với tăng trưởng doanh thu dự kiến trong năm 2022) 2,1 lần do với nhóm Innovation Laggard và Follower.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Paul Carter, Phó chủ tịch mảng giải pháp khách hàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, Dell Technologies, cho biết, để bắt kịp tốc độ thay đổi nhanh chóng trên toàn cầu, các doanh nghiệp tại APJ nên cân nhắc ưu tiên đổi mới bên cạnh quản lý, vận hành việc kinh doanh hằng ngày.
“Các tổ chức thường luôn tìm kiếm một ý tưởng lớn để thực hiện. Họ đang chờ một khoảnh khắc đột phá mới. Tuy vậy, những ý tưởng nhỏ nhưng mang tính thực tiễn có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp nâng cao năng suất làm việc, lợi nhuận và quyết tâm. Các lãnh đạo doanh nghiệp có thể thực hiện điều này bằng cách điều chỉnh các dự án đổi mới sao cho phù hợp với mục tiêu của công ty, đồng thời nuôi dưỡng văn hóa không ngừng học hỏi”, ông Paul Carter nhấn mạnh.
Kết quả khảo sát của Dell Technoloigies cũng cho thấy, các tổ chức cần sự hỗ trợ để phát triển văn hóa đổi mới. Một doanh nghiệp sở hữu văn hóa đổi mới tốt chính là nơi thúc đẩy mọi ý tưởng để tạo ra sự khác biệt và rút kinh nghiệm thông qua mỗi thất bại.
Điều này được rút ra dựa trên kết quả khảo sát rằng, tại APJ, 59% người tham gia khảo sát tin rằng nhân viên rời công ty vì họ không thể thực hiện đổi mới nhiều như kỳ vọng; và 63% cho biết nhiều khía cạnh về văn hóa doanh nghiệp đang kiềm hãm những nỗ lực sáng tạo mà họ muốn/có thể thực hiện.
Kết quả khảo sát về đổi mới của Dell Technologies |
Văn hóa doanh nghiệp được thiết lập bởi những người đứng đầu nhưng 73% người tham gia khảo sát cho biết cấp trên của họ có xu hướng bảo thủ, ít lắng nghe. Một trong những rào cản cá nhân về đổi mới được nhắc đến nhiều nhất chính là nỗi sợ thất bại và thiếu tự tin khi chia sẻ ý tưởng với cấp trên.
Về đổi mới dựa trên công nghệ, qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp, Dell nhận thấy không ít doanh nghiệp khi chuyển ứng dụng lên các nền tảng điện toán đám mây (cloud) gặp phải vấn đề phát sinh chi phí cho lưu trữ và dữ liệu (data), và đó là một thách thức. Hoặc khi ứng dụng công nghệ, doanh nghiệp lại phải vận hành nhiều server (máy chủ) trên các nền tảng khiến họ gặp thách thức về quản trị…
Vì vậy, Dell đưa ra giải pháp để doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây với chi phí tối ưu nhất. Cụ thể, Dell đưa ra giải pháp đám mây lai - Dell APEX Cloud Platform. Đây là hạ tầng thế hệ mới, cung cấp khả năng vận hành nhất quán và kiểm soát nhiều hơn về việc sắp xếp ứng dụng bằng cách mở rộng lựa chọn của hệ sinh thái đám mây tại chỗ.
Các nền tảng này mang đến cho các doanh nghiệp sự linh hoạt và chi phí tốt hơn trong việc quản lý, điều phối cơ sở hạ tầng tự động, hệ thống lưu trữ điều khiển bằng phần mềm và điện toán thế hệ mới.
Theo ông Karolis Macionis, Giám đốc Khu vực, APEX, Dell Technologies, châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, Dell Technologies và Microsoft có một lịch sử lâu dài về hợp tác và đổi mới sáng tạo điện toán đám mây kết hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các ứng dụng và dữ liệu đến bất cứ nơi nào họ cần.
“Dell APEX Cloud Platform for Microsoft Azure là sáng kiến mới nhất xuất phát từ mối quan hệ hợp tác lâu dài của chúng tôi. Nền tảng mới này sẽ giúp các tổ chức trong khu vực đơn giản hoá việc quản lý Azure, tăng tốc độ phân phối ứng dụng, và mang đến sự linh hoạt để chạy các ứng dụng trên đám mây, vùng biên, và trung tâm dữ liệu”, ông Karolis Macionis nhấn mạnh.