Chế tạo màn hình tivi tại Công ty TNHH Competition Team Technology tại KCN Đông Mai. Ảnh Minh Đức |
Mới đây, tại Khu công nghiệp Sông Khoai (thị xã Quảng Yên), Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) đã tổ chức lễ khởi động sản xuất và ra mắt tấm silic đầu tiên của Dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam. Dự án có quy mô đầu tư trên 8.380 tỷ đồng (tương đương 365,6 triệu USD), diện tích sử dụng đất hơn 20 ha.
Mặc dù mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ cuối tháng 9/2021, nhưng chỉ sau gần 4 tháng triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã ra mắt sản xuất sản phẩm đầu tiên, vượt trước 7 tháng so với kế hoạch ban đầu. Có thể nói, đây là tốc độ triển khai kỷ lục đối với một dự án. Hơn nữa, đây còn là dự án có tỷ suất vốn đầu tư đạt 18,28 triệu USD/ha - cao nhất trong số các dự án thứ cấp trong các khu công nghiệp hiện nay của tỉnh.
Trước đó, cuối tháng 3/2021, Quảng Ninh cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam với quy mô vốn đầu tư 11.499,86 tỷ đồng (tương đương 498 triệu USD), diện tích sử dụng đất 32,6 ha. Như vậy, tổng vốn đầu tư của 2 dự án mà Tập đoàn Jinko Solar đầu tư tại KCN Sông Khoai lên đến 19.882 tỷ đồng (tương đương 865,6 triệu USD).
Theo thông tin của Báo Đầu tư, 2 doanh nghiệp FDI lớn (một trong 2 doanh nghiệp này là Logos) chuyên phát triển nhà xưởng xây sẵn tại Việt Nam đang thực hiện việc thuê 24 ha đất tại KCN Bắc Tiền Phong (thuộc Khu kinh tế ven biển Quảng Ninh) để đầu tư nhà xưởng xây sẵn.
Đại diện DEEP C - chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng KCN Bắc Tiền Phong cho biết, xu hướng tìm kiếm quỹ đất công nghiệp mới đang diễn ra trong bối cảnh nhiều trung tâm bất động sản công nghiệp được phát triển từ lâu đang dần được lấp đầy. Trong thời gian các địa phương như Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương chờ được bổ sung quỹ đất công nghiệp mới, thì Quảng Ninh đã được các nhà đầu tư quan tâm nhờ hạ tầng phát triển và đồng bộ, tính kết nối cao, gần với trung tâm công nghiệp Hải Phòng.
Chẳng hạn, khu nhà xưởng xây sẵn thuộc KCN Bắc Tiền Phong sắp được triển khai nằm trong Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, dọc theo tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Dự án này rất gần cụm cảng biển Hải Phòng và chỉ cách cửa khẩu Móng Cái khoảng 2 giờ chạy xe.
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn đạt trên 51.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2021. Trong đó, thu hút vốn FDI dự kiến đạt 29.900 tỷ đồng, vốn đầu tư trong nước dự kiến đạt 21.900 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, chỉ tiêu này đòi hỏi, các sở, ban, ngành, địa phương liên quan cần phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều trong việc xúc tiến, hỗ trợ, thu hút đầu tư vào địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế, gắn với chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19. Trong đó, triển khai có hiệu quả Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh. Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình hoàn thiện hồ sơ...
Điều quan trọng, ông Hoàng Trung Kiên nhấn mạnh, việc thu hút các dự án mới phải theo hướng ưu tiên vào lĩnh vực công nghiệp sạch, công nghệ hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, có giá trị gia tăng cao.