Ngày 16/12, UBND TP.HCM đã công bố chương trình đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDIC) TP.HCM năm 2022.
Lãnh đạo TP.HCM cùng các sở, ngành thực hiện nghi thức công bố chương trình đánh giá năng lực điều hành của các sở, ngành - Ảnh: TTBC |
Thông tin chi tiết về chương trình này, ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, dự kiến khoảng 15.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sẽ thực hiện đánh giá năng lực điều hành của sở ban ngành và các quận, huyện.
Trong đó, 8.000 doanh nghiệp đánh giá TP. Thủ Đức và các quận huyện; 7.000 doanh nghiệp đánh giá khối sở, ban, ngành.
Sẽ có 8 nội dung khảo sát, lấy ý kiến gồm: tính minh bạch và và tiếp cận thông tin; tính năng động và hiệu lực của hệ thống sở, ban, ngành và chính quyền địa phương; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và chính quyền địa phương.
Riêng khối địa phương sẽ đánh giá thêm chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất.
Dự kiến, thời gian khảo sát kéo dài từ nay đến hết tháng 1/2023. Theo kế hoạch trước ngày 15/3/2023, Thành phố sẽ tổ chức công bố báo cáo kết quả DDCI năm 2022 và triển khai kế hoạch DDCI năm 2023.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, việc đánh giá năng lực điều hành của các sở, ngành và quận huyện sẽ thực hiện thường niên để giúp các đơn vị này nhận ra điểm mạnh và hạn chế của mình. Từ đó, khắc phục để nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ công bố, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho biết, hiện nay “làn sóng” đầu tư đang có sự dịch chuyển sang Việt Nam. Các công ty đa quốc gia cũng đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Tuy nhiên, bà Mary Tarnowka đã thẳng thắn chỉ ra rằng quy trình thủ tục hiện nay của Việt Nam đang thách thức rất lớn trong thu hút đầu tư. Hiện tại, nhiều đơn vị có tâm lý thận trọng trong việc phê duyệt các dự án, làm chậm trễ các thủ tục đầu tư của doanh nghiệp.
Vì vậy, chỉ số DDCI là công cụ quan trọng để tiếp nhận những phản hồi của doanh nghiệp, để các sở, ngành giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn.
Về phía UBND TP.HCM ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, việc đánh giá DDCI cũng sẽ giúp cho việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thực tiễn, chính xác hơn. Ông Hoan cho rằng, muốn cải thiện môi trường đầu tư thì các sở, ngành phải lắng nghe và thấu hiểu doanh nghiệp.
Ông mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào quá trình đánh giá về lĩnh vực cải cách hành chính, đặc biệt là vấn đề thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Đây là cơ sở để Thành phố xem xét và có điều chỉnh phù hợp.