Sản xuất thép tại Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Lê Toàn |
Tăng sử dụng nợ vay để tích trữ tồn kho
Với nền lợi nhuận thấp trong năm 2023, bước sang năm 2024, giá thép có dấu hiệu phục hồi, nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp thép sẽ có kết quả kinh doanh khả quan và quay lại đà tăng trưởng.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh chỉ hồi phục trong nửa đầu năm 2024 khi giá thép hồi phục, nhưng từ nửa cuối tháng 5/2024 tới nay, giá thép giảm, dẫn tới khó khăn tài chính cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong quý III/2024, theo thống kê sơ bộ, trong 5 doanh nghiệp thép quy mô lớn đang niêm yết, có 4 doanh nghiệp báo cáo thua lỗ.
Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), trong quý IV niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/7/2024 đến 30/9/2024) ghi nhận lỗ 185,89 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 438,39 tỷ đồng, tức giảm tới 624,28 tỷ đồng.
Tình trạng thua lỗ trở lại trong quý IV của Hoa Sen có hai điểm đáng lưu ý là đã tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho thêm 211,04 tỷ đồng, lên 122,08 tỷ đồng (cùng kỳ hoàn nhập 88,96 tỷ đồng); tăng chi phí xuất khẩu 105,88%, tương ứng tăng thêm 202,4 tỷ đồng, lên 393,56 tỷ đồng.
Được biết, từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024, Hoa Sen tăng nợ vay thêm 2.427,8 tỷ đồng, lên 5.364,1 tỷ đồng, bằng 49,2% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ vay là 2.936,3 tỷ đồng, bằng 27,2% tổng vốn chủ sở hữu). Trong cùng thời gian, Công ty tăng tồn kho thêm 2.073,6 tỷ đồng, lên 9.702,2 tỷ đồng, bằng 49,6% tổng tài sản và tăng các khoản phải thu ngắn hạn thêm 663,6 tỷ đồng, lên 2.985,8 tỷ đồng, bằng 15,3% tổng tài sản.
Có thể thấy, từ cuối năm 2023, khi giá thép có dấu hiệu phục hồi, Hoa Sen đã tăng nợ vay để tích trữ hàng, đồng thời mở rộng các khoản phải thu với kỳ vọng thị trường phục hồi.
Tuy nhiên, thực tế khi giá thép vẫn duy trì mặt bằng thấp, thậm chí giảm hơn so với cùng kỳ và Hoa Sen ghi nhận lỗ trở lại trong quý IV do việc phải tăng trích lập giảm giá tồn kho, đồng thời chịu áp lực chi phí vận chuyển leo thang.
Câu chuyện của Hoa Sen ở thời điểm hiện tại là câu chuyện chung, đặc biệt với các doanh nghiệp thương mại thép khi tích trữ tồn kho để kỳ vọng giá lên.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp thương mại như Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC, Công ty cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên còn chịu ảnh hưởng nặng hơn.
Tại Thép Tiến Lên, trong quý III ghi nhận lỗ 122,71 tỷ đồng, luỹ kế trong 9 tháng kể từ đầu năm 2024 ghi nhận lỗ tới 274,94 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân thua lỗ đến từ việc kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm, đồng thời chịu áp lực các chi phí tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp và đặc biệt hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không hiệu quả.
Tại thời điểm 30/9/2024, lượng tồn kho của Thép Tiến Lên là 2.491,4 tỷ đồng, chiếm tới 61,5% tổng tài sản. Ngược lại, cũng tại thời điểm cuối quý III, đơn vị này đã tăng nợ vay thêm 261,01 tỷ đồng so với đầu năm, lên 1.711,5 tỷ đồng và bằng 108,4% tổng vốn chủ sở hữu (đầu năm dư nợ 1.450,49 tỷ đồng và bằng 77,9% tổng vốn chủ sở hữu).
Tương tự, Công ty Đầu tư Thương mại SMC không còn lợi nhuận từ thoái vốn khoản đầu tư, cũng như bán tài sản như trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong quý III, Công ty lỗ trở lại 82,42 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 30/9/2024, Công ty ghi nhận lỗ luỹ kế 146,97 tỷ đồng, bằng 19,9% vốn điều lệ (vốn điều lệ 736,8 tỷ đồng) và sử dụng 777,1 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản dài hạn (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thép Nam Kim (mã NKG) không thua lỗ trong quý III, nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đã chậm lại. Trong đó, 9 tháng năm 2024, Công ty tăng thêm 1.276,7 tỷ đồng nợ vay, lên 6.044,4 tỷ đồng và bằng 103,3% tổng vốn chủ sở hữu, đồng thời tăng 858,1 tỷ đồng tồn kho, lên 6.576,8 tỷ đồng, bằng 47,7% tổng vốn chủ sở hữu.
Ông Lâm Văn Vân, đại diện Quỹ đầu tư ECI Capital nhận định: “Việc tăng nợ vay trong bối cảnh giá thép vẫn lao dốc dẫn tới việc doanh nghiệp tích trữ tồn kho giá cao, đồng thời phải trích lập dự phòng, dẫn tới kinh doanh thua lỗ trở lại trong quý III”.
Doanh số hồi phục, nhưng giá vẫn duy trì mức thấp
Thực tế, nếu nhìn rộng hơn, trong 9 tháng năm 2024, sản lượng tiêu thụ tôn mạ và ống thép tăng khoảng 24,3%, đạt 5,86 triệu tấn, ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Lũy kế tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt hơn 3,2 triệu tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ và thị trường xuất khẩu đạt 2,6 triệu tấn, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, giá thép tấm cuộn cán nóng Trung Quốc trung bình trong quý III/2024 chỉ ở mức 470 USD/tấn, giảm 16% so với đầu năm và giá thép trong nước của Việt Nam duy trì mặt bằng giá thấp.
Mặc dù vậy, Chứng khoán Bảo Việt dự báo sản xuất thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2024 và tiếp tục tăng 8% trong năm 2025 nhờ nhu cầu sử dụng thép các ngành kinh tế trong nước hồi phục trở lại. Trong đó, kỳ vọng nhu cầu thị trường thép tăng vì tái thiết sau bão Yagi và sự phục hồi của thị trường bất động sản - lĩnh vực chiếm khoảng 60% nhu cầu thép.