Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt |
Tăng phí ngoài kế hoạch
Khi TP.HCM áp dụng lệnh giãn cách xã hội trên toàn thành phố từ ngày 31/5, thì tối hôm trước, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt liên tục nhận được đề nghị tăng đơn đặt hàng, thậm chí gấp 10 lần ngày thường từ các siêu thị, cửa hàng phân phối.
Công ty Vĩnh Thành Đạt phải bố trí giao lượng hàng gấp 5 lần ngày thường cho đối tác, nhưng tất cả đều không được tiêu thụ hết trước ngày quá hạn.
“Khi họ đặt nhiều, mình giao xong thì mấy ngày sau họ lại gọi đến trả hàng về, vì đây là mặt hàng được đổi trả. Tình trạng này giống như những đợt dịch trước, gây thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Đạt nói.
Doanh nghiệp này từng phải hoàn tiền, hoặc đổi hàng mới cho các quán ăn, bởi chủ quán vào siêu thị gom thực phẩm về làm nguyên liệu, nhưng dùng chưa hết vì mua quá nhiều, mà sản phẩm đã hết hạn sử dụng nên yêu cầu doanh nghiệp đến thu về.
“Đó là những vấn đề khiến doanh nghiệp đã đuối trong giai đoạn này vì sức mua thấp, lại còn áp lực hơn khi phải giải quyết những chuyện phát sinh”, ông Thiện chia sẻ thêm về khó khăn, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp.
Trung bình mỗi ngày, Vĩnh Thành Đạt cung ứng ra thị trường từ 700.000 đến 800.000 quả trứng. Ông Thiện cho biết, doanh nghiệp đang phải gồng gánh chi phí cao, khi giá cám chăn nuôi tăng 20-30%, trong khi giá bán cam kết bình ổn, nhu cầu tiêu thụ giảm.
“Giai đoạn hiện nay rất thử thách. Tôi đã ra thương trường nhiều năm, có chút kinh nghiệm và vốn tích luỹ, nên có thể gồng gánh chi phí thêm một thời gian nữa, còn doanh nghiệp mới ra thị trường chắc không còn nguồn lực để tồn tại”, ông Thiện trăn trở.
Sắp hết khả năng cầm cự
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu đầu vào của ngành chế biến thực phẩm từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh, khiến doanh nghiệp trong ngành liên tục gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, các loại gia vị phụ gia nhập khẩu tăng 5 - 10%, nguyên vật liệu ngành nhựa phục vụ sản xuất tăng từ 15% đến 70%, bao bì tăng 10-15%. Các nguyên liệu nội địa như gạo, thủy sản, đường cũng tăng 5 - 20%.
“Chi phí sản xuất tăng mạnh, song các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm không thể tăng giá vì sẽ mất khách hàng, khiến tình trạng mất cân đối dòng tiền ở nhiều doanh nghiệp càng thêm nghiêm trọng”, ông Hiến nói.
Đó là chưa kể, thời gian thanh toán từ các siêu thị cũng mất từ 30-45 ngày, doanh nghiệp mong muốn có thể rút ngắn xuống 15-20 ngày để có dòng tiền xoay xở kinh doanh.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA), hiện nguồn nguyên liệu dự trữ với các doanh nghiệp trong ngành sắp hết. Giá nguyên liệu dự báo chưa có chiều hướng giảm, doanh nghiệp khó có thể duy trì việc kìm giá. Nếu tiếp tục duy trì như thời gian qua, không tăng giá bán, doanh nghiệp sẽ rơi vào nguy cơ thua lỗ.
“Hiện FFA có khoảng 400 hội viên, hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu. Để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, các doanh nghiệp đã phải kinh doanh không có lợi nhuận. Tình trạng này kéo dài thêm vài tháng nữa thì nhiều doanh nghiệp không cầm cự được. Bởi thế, ngành lương thực - thực phẩm mong muốn được xếp vào nhóm ngành ưu tiên hấp thụ vốn từ ngân hàng, thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để ổn định sản xuất”, bà Chi kiến nghị.
Là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP.HCM, bà Kim Chi đánh giá, thời điểm này, nếu doanh nghiệp có vốn để triển khai nhanh và hiệu quả việc tái cấu trúc, mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số để khai thác tốt hơn thị trường trong nước thì sẽ là cơ hội để nhanh chóng trở lại xuất khẩu.