Ngày 3/8, tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các hiệp hội và doanh nghiệp đầu tư trong nước để lắng nghe những khó khăn và tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Theo phản ánh từ các hiệp hội, thời gian qua giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá cả tất cả các mặt hàng tăng theo, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp. Trong khi để duy trì sản xuất doanh nghiệp cần vốn thì không thể vay được từ ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đang gặp khó khăn trong việc vay vốn phục vụ sản xuất |
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương phản ánh, thời gian qua giá nguyên liệu sản xuất, giá cước vận chuyển đồng loạt tăng mạnh dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu cũng giảm hẳn. Trong khi đó các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng.
Trước tình hình khó khăn, ông Liêm kiến nghị Trung ương, tỉnh Bình Dương có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, ân hạn, giãn nợ, không giảm "room" tín dụng (giới hạn cho vay của ngân hàng). Đồng thời, có giải pháp bình ổn giá cả nguyên vật liệu, giá cước vận chuyển để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất.
Cũng phản ánh về vấn đề vay vốn, bà Phan Lê Diễm Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó vay vốn từ các ngân hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khó tiếp cận để áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường, phòng cháy chữa cháy, chuyển đổi số...
Bà Trang kiến nghị Trung ương và tỉnh Bình Dương cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay. Ngoài ra, tỉnh Bình Dương cần có chính sách cho thuê đất ổn định và hỗ trợ doanh nghiệp chi phí thuê đất, có phương án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Bà ví von các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan nhà nước được thực hiện sẽ giúp các doanh nghiệp như được tiếp thêm “oxy" để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất.
Liên quan đến vấn đề vay vốn của doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Bình Dương cho biết, Ngân hàng nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chú trọng 5 lĩnh vực ưu tiên là phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 31 ngày 20/5/2022 hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Với những chính sách hỗ trợ như vậy doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đại diện đại diện Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Bình Dương khuyến nghị, để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngoài những giải pháp từ phía Ngân hàng nhà nước và các tổ chức tín dụng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động của mình, chứng minh năng lực, tạo niềm tin để các ngân hàng yên tâm cho vay.