Cơ hội “vô tiền khoáng hậu”
Là người phát biểu đầu tiên trong 10 nhóm công tác tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) diễn ra cuối tuần trước, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FPT, Chủ tịch Nhóm công tác kinh tế số đã nhắc tới 2 câu chuyện với nhiều hàm ý.
Chuyện thứ nhất là Tập đoàn General Electric (GE) của Mỹ đang dần rời ngành họ đã sản xuất 120 năm qua để đầu tư vào một tương lai mới, đó là đưa Internet vạn vật vào các tua - bin khí và tua - bin gió. Việc ứng dụng công nghệ này sẽ đem đến cho GE khoảng 15.000 tỷ USD trong 15 năm tới.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và các doanh nhân tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2016. Ảnh: Chí Cường |
Chuyện thứ hai là cuốn sách của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab xuất bản hồi đầu năm về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà ông gọi là “cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu” sẽ biến đổi thế giới. Khi đó, thế giới ảo và thực sẽ trở thành một. Mọi doanh nghiệp sẽ trở thành doanh nghiệp số. Mọi ngân sách sẽ trở thành ngân sách số. Mọi người dân có thể trở thành doanh nghiệp số… như Uber không có chiếc xe nào nhưng lại là thương hiệu taxi thuộc hàng lớn nhất thế giới…
Trong bối cảnh này, cộng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang hoàn tất nốt thủ tục phê chuẩn, ông Bình cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức và cơ hội vô tiền khoáng hậu.
“Câu hỏi là chúng ta theo kịp, hoặc là bị bỏ rơi như trong 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó. Kinh tế số và quốc gia khởi nghiệp là câu trả lời cho những thách thức và cơ hội này”, Chủ tịch Nhóm Kinh tế số đặt câu hỏi nhưng cũng đã có ngay câu trả lời.
Có nhiều lý do để ông Bình và nhóm của ông tin vào câu trả lời này. 48% dân Việt Nam sử dụng Internet hàng ngày. Số doanh nghiệp chủ động tiếp cận với kinh tế số tăng nhanh. Cho dù khái niệm khởi nghiệp, vườn ươm, start-up hay quỹ đầu tư thiên thần, gọi vốn công chúng… vẫn còn quá mới, thậm chí còn chưa thống nhất trong nhiều văn bản, song chưa bao giờ hệ sinh thái cho khởi nghiệp lại được nhắc tới dầy dặn như hiện nay, từ Nghị quyết của Đảng đến các văn bản chỉ đạo của Chính phủ. Mới nhất, sự xuất hiện của các khái nhiệm này trong dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang mở ra cơ hội lớn cho khởi nghiệp sáng tạo…
Hơn nữa, các doanh nghiệp đang nhìn thấy, nếu chậm tiệm cận với kinh tế số, với công nghệ mới, họ sẽ khó cải thiện nhanh tình trạng kém hiệu quả. Đây đang là lý do lớn nhất cản bước hội nhập của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ trong các ngành dịch vụ, thương mại mà cả các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và cả nông nghiệp…
“Trước sự phát triển mạnh của kinh tế số và Internet, doanh nghiệp tư nhân cam kết tự mình nâng cao năng lực, hành động có trách nhiệm, tạo diễn đàn tổng hợp và dự báo yêu cầu phát triển, đề xuất cơ chế đối thoại thường trực, thúc đẩy sự liên kết chủ động và tích cực, đóng góp hữu hiệu vào công cuộc cải cách toàn diện của đất nước vì sự phát triển, không ngừng hoàn thiện chính sách và năng lực thực thi chính sách, góp phần mình vào các chương trình cải cách của chính phủ và tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Bình thay mặt các doanh nghiệp trong nhóm cam kết với Chính phủ.
Tất nhiên, vế song hành cùng với cam kết cũng rất rõ, đó là trông đợi vào chất lượng, hiệu quả của các nỗ lực cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, mà trước mắt đó là mở rộng cánh cửa gia nhập thị trường cho cộng đồng doanh nghiệp.
Mối quan hệ win - win
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã gọi mục tiêu mà VPSF hướng tới là mối quan hệ win – win (cùng thắng) giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên hội nhập sâu rộng, đòi hỏi Chính phủ và doanh nghiệp phải liên tục cải cách, hoàn thiện. Chính phủ đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp đòi hỏi Chính phủ nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Đó là quan hệ hai mặt và khi hai bên cùng xích lại thì sẽ tạo ra được năng lực cạnh tranh quốc gia”, Phó thủ tướng trao đổi sau khi nghe toàn bộ cam kết và kiến nghị của 10 nhóm công tác VPSF.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh lại quan điểm, Chính phủ tạo ra sân chơi bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp, tạo điều kiện như nhau khi tiếp cận các nguồn lực với doanh nghiệp các thành phần, nhưng sẽ không hỗ trợ các doanh nghiệp yếu kém.
Phó thủ tướng nói: “Doanh nghiệp vướng mắc, Chính phủ sẽ tháo gỡ, nhưng doanh ngiệp phải đi bằng đôi chân của mình, phải chịu sự sàng lọc của thị trường. Nghĩa là Chính phủ chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp thành công”.
Đây cũng là vấn đề mà các bên đối thoại đặt ra với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tại Diễn đàn. Ông Layton Pike, Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ đóng vai trò quan trọng tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, nhưng sự sáng tạo của doanh nghiệp mới đem lại sự phồn vinh cho nền kinh tế.
“Khi doanh nghiệp chủ động xây dựng chính sách, đưa ra các cam kết hành động là tín hiệu quan trọng, vì đó là hiệu quả trong đối thoại công – tư”, ông Layton Pike nói.