| ||
Ông Nguyễn Ngọc Bảo (đại biểu Vĩnh Phúc) |
Ông Nguyễn Ngọc Bảo (đại biểu Vĩnh Phúc) cho biết, nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ bản hiện rất căng vì phải vay tiền ngân hàng để đóng thuế GTGT.
“Theo quy định, sau khi công trình có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành khối lượng thì phải nộp thuế GTGT ngay trong khi doanh nghiệp chưa được chủ đầu tư thanh toán toàn bộ giá trị công trình khiến nhiều doanh nghiệp phải… vay tiền để đóng thuế”, ông Bảo phản ánh.
Theo phản ánh của nhiều đại biểu Quốc hội, tình trạng ngân sách chậm thanh toán khối lượng công trình diễn ra khá phổ biến. Ngay cả những địa phương có tiếng là xằng phẳng cũng nợ vì có quy định, chủ đầu tư được giữ lại 20% giá trị công trình đợi đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt toàn bộ quyết toán công trình mới được thanh toán hết.
“Thời gian chờ đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt toàn bộ quyết toán đâu phải ít. Thường là 5-7 năm sau doanh nghiệp mới nhận được 20% tổng giá trị còn lại, nhưng doanh nghiệp nếu nợ thuế do ngân sách chưa thanh toán sẽ bị cơ quan thuế phạt tiền chậm nộp và gây khó dễ với các công trình sau. Vì thế, cách tốt nhất là vay tiền để nộp thuế”, ông Bảo cho biết.
Tình trạng nộp khống thuế GTGT cũng diễn ra khá phổ biến ở Thanh Hóa.
| ||
Ông Lê Nam (đại biểu tỉnh Thanh Hóa) |
Ông Lê Nam (đại biểu tỉnh Thanh Hóa) cho biết, ở địa phương, công trình xây dựng cơ bản đã hoành thành, các bên đã ký biên bản xác nhận theo đúng quy định về đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, chỉ có điều ngân sách có khi còn nợ tiền xây dựng 30-40%, trong khi doanh nghiệp vẫn phải bỏ tiền ra đóng khoản thuế mà mình chưa nhận được tiền từ ngân sách đã gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Vấn đề nộp thuế khống, theo ông Nam không phải chỉ xảy ra với doanh nghiệp xây dựng cơ bản mà còn xảy ra với các doanh nghiệp liên quan như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, thiết kế…
“Chúng tôi cũng đã từng nhiều lần phải thuê tư vấn, thiết kế với hợp đồng trị giá có khi lên đến cả chục tỷ đồng, nhưng thực tế nhiều lắm chúng tôi cũng chỉ “tạm ứng” cho họ một ít vì ngân sách không cấp. Trong trường hợp này mà doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế GTGT ngay thì không hợp lý”, ông Nam bình luận.
| ||
Ông Lê Quang Hiệp (đại biểu tỉnh Thanh Hóa) |
Cũng đại diện cho cử tri tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Quang Hiệp cho biết, trước những bất hợp lý này nhiều doanh nghiệp không chịu và chỉ chịu đóng thuế GTGT khi có quyết toán công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay vì chỉ có biên bản nghiệm thu như trước đây.
“Cơ quan thuế cũng đồng ý cho phép doanh nghiệp đóng thuế GTGT khi quyết toán công trình. Chỉ có điều, công trình được quyết toán, doanh nghiệp phải nộp thuế nhưng đợi 4-5 năm sau ngân sách mới thanh toán hết nợ nần. Như vậy, tính kiểu gì doanh nghiệp vẫn thiệt”, ông Hiệp phát biểu.
Tham gia thảo luận tổ về Luật thuế GTGT sửa đổi vào chiều nay (ngày 21/5/2013), Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, ông Đinh La Thăng cũng khá bất ngờ trước việc doanh nghiệp xây dựng cơ sở hạ tầng phải “vay tiền đóng thuế”.
Theo ông Thăng, tình trạng này xảy ra là do nhiều doanh nghiệp thiếu việc làm, nên biết là ngân sách chưa có đủ tiền nhưng vẫn cố xin làm, vay tiền để làm với mong muốn giải quyết công ăn việc làm và hy vọng ngân sách sớm thanh toán khối lượng công trình đã hoàn thành.
“Có khi chủ đầu tư (bộ ngành, địa phương) đã bảo tao chưa có tiền đâu, nhưng do thiếu việc nên doanh nghiệp lại cố nài nỉ, các anh cứ cho bọn em làm công trình này, dự án kia, tiền nong không thành vấn đề, thanh toán sau cũng được, làm cho Nhà nước đi đâu mà thiệt nên mới xảy ra tình trạng chưa được thanh toán công trình đã phải nộp thuế GTGT. Còn ngành thuế, cứ theo luật là có quyết toán công trình, doanh nghiệp xuất hóa đơn là người ta thu thuế GTGT”, ông Thăng nói vui.
Mạnh Bôn