Giấc mơ của... “công dân hạng hai”
“Tôi vừa mua chiếc xe cá vàng. Chỉ để ngắm thôi, nhưng cho bõ giấc mơ thời trẻ không làm được”, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco nói, với âm giọng vui vẻ vốn có. Tiếng cười râm ran cả hội trường hơn 200 người, gồm cả những người từng ôm mộng có được chiếc Peugeot màu cá vàng – biểu tượng giàu có, sang trọng một thời, như ông Trương Gia Bình (Chủ tịch Tập đoàn FPT), ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch Công ty cổ phần Đồng Tâm), bà Cao Thị Ngọc Dung (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ)... và những người nghe kể về nó như một huyền thoại.
Ông Tiền được biết đến là người sáng lập Geleximco, Ngân hàng An Bình… Nhưng giới kinh doanh thường gọi ông là tỷ phú giấu mặt, với khối tài sản lớn trong nhiều lĩnh vực, công nghiệp, ngân hàng, bất động sản…
Nhưng, như nhiều doanh nhân Việt thế hệ đầu sau Đổi mới, khi bắt đầu kinh doanh vào năm 1993, một năm sau rời Nhà nước với lý do không đủ sống, “mệnh lệnh duy nhất” ông đặt cho mình đó là “phải kiếm tiền”.
“Tôi không có ý tưởng gì, suy nghĩ duy nhất là phải có tiền để mua sữa cho con. Các cụ nói đãi cát tìm vàng, nhưng khi đó phải nói là đãi đất tìm vàng. Cơ hội ít, nhưng không còn đường lùi”, ông Tiền kể lại thời mà những người kinh doanh như ông bị coi là “công dân hạng hai”, làm gì cũng phải xin, chỉ được làm những gì mà doanh nghiệp nhà nước không muốn làm…
Lúc này, rất khó để hình dung hết những chông gai mà các doanh nghiệp tư nhân khi đó phải đối mặt, dù chỉ để kiếm sống.
Trong nghiên cứu về phát triển kinh tế tư nhân của TS. Phạm Sỹ An (Viện Kinh tế Việt Nam), giai đoạn này được mô tả khá gọn gàng. Mặc dù chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần đã được công bố và thực hiện từ năm 1986, nhưng các nhà kinh doanh tư nhân trong nước vẫn có tâm lý dè dặt trong đầu tư sản xuất, kinh doanh. Sự lo ngại này có nguồn gốc sâu xa từ những biến cố trong lịch sử chính sách phát triển kinh tế, cũng như từ thực tiễn diễn ra hàng ngày ở các cấp khác nhau... Thêm nữa, tình trạng không rõ ràng về chủ trương và các chính sách cụ thể thể hiện chủ trương và chính sách lớn đó đã gây ra tâm lý ngần ngại đầu tư lớn, đầu tư dài hạn và bài bản.
Tuy vậy, số doanh nghiệp tư nhân đăng ký thành lập tăng dần. Năm 1993 là năm có số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất giai đoạn 1991-1996, với trên 7.800 doanh nghiệp. Khá nhiều tên tuổi lớn của Việt Nam hiện nay được thành lập trong năm này, như Tập đoàn T&T, Tập đoàn Delta, Tập đoàn CMC, VPBank, Techcombank, Tân Á Đại Thành, Hoàng Anh Gia Lai...
Và điểm quan trọng, TS. Phạm Sỹ An tính toán với sự nể trọng, trong các năm 1986-1990, tốc độ phát triển bình quân của khu vực ngoài nhà nước là 6,2%, trong khi khu vực nhà nước chỉ đạt 1,9%. Trong các năm tiếp sau, từ 1997 đến 2000, khu vực này giữ được tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm...
Ông Tiền nói về sự phát triển của các doanh nghiệp của ông và của cả những người chọn con đường kinh doanh đơn giản hơn.
“Chúng tôi làm việc như... trâu để nuôi sống gia đình mình và có tiền trả lương nhân viên. Có việc là làm, nhiều lĩnh vực để từ đó có trải nghiệm tư duy kinh doanh, có bài học về việc không thể kiếm nhanh, để hiểu rằng chỉ có tự mình kiếm từng đồng một, như bỏ lọ, mới thấy hết giá trị của đồng tiền, thấy được cách làm ra tiền và bảo vệ đồng tiền của mình”, ông Tiền nói.
Với cách này, ông Tiền và nhiều doanh nhân cùng thế hệ đã trở nên giàu có hơn, trả lương nhiều hơn cho nhân viên, góp nhiều tiền thuế hơn vào ngân sách...
Sứ mệnh không chỉ là cứu tinh
Là chuyên gia kinh tế, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam có góc nhìn khác về mục tiêu kiếm sống của các doanh nhân tư nhân Việt Nam.
“Tôi muốn gọi khu vực doanh nghiệp tư nhân là những cứu tinh của nền kinh tế. Cứ mỗi lần nền kinh tế khủng hoảng, khó khăn, cần xoay chuyển tình thế, doanh nghiệp tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ, thực hiện sứ mệnh này”, ông Thiên chia sẻ nhận định khi soi vào các đợt khủng hoảng kinh tế, những năm 1986, 1999-2000, 2007-2008... và cả giai đoạn hiện tại.
“Cuộc khủng hoảng vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước phải gọi tên hai nhân vật chính, đó là cơ chế kế hoạch hóa tập trung và khu vực quốc doanh. Năm 1986, ngay sau khi Đại hội Đảng lần thứ VI khẳng định kinh tế nước ta là kinh tế nhiều thành phần, kinh tế tư nhân được thừa nhận, doanh nghiệp tư nhân xuất hiện, hàng hóa tuôn ra khắp cả nước. Không thể tưởng tượng được sự hồi sinh rất nhanh của một nền kinh tế trước đó vài tháng gần như không có gì...”, ông Thiên nói.
Thực ra, trong các nghiên cứu về kinh tế tư nhân Việt Nam, chưa bao giờ dòng chảy này ngừng. Chúng len lỏi trong đời sống kinh tế, bất chấp mọi sự cấm cản.
Trong Nghiên cứu về cách tiếp cận khác về thành phần kinh tế, PGS-TS Phí Mạnh Hồng, Khoa Kinh tế phát triển (Đại học Kinh tế - Đại học quốc gia Hà Nội) đã nhắc tới cuộc khảo sát 1.000 doanh nghiệp nhỏ năm 1991 ở 8 tỉnh, trên cả hai miền Bắc-Nam. Kết quả cho thấy, 49% doanh nghiệp được điều tra tồn tại trước năm 1986. Chỉ 1% doanh nghiệp ra đời trong khoảng từ năm 1987 đến năm 1991.
Những mạch ngầm này đã làm nên sự bừng nở gần như ngay lập tức của khu vực kinh tế tư nhân những năm sau đó, khi pháp luật cho phép, dù chưa thực sự rộng mở, để đưa Việt Nam vượt qua được cuộc khủng hoảng kéo dài gần một thập kỷ đầy ấn tượng. Từ một nền kinh tế có mức lạm phát tới 774,7% năm 1986, Việt Nam trở thành điển hình của cải cách thành công khi tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức 4,5% trong giai đoạn 1986-1990; đạt tới 8,2% trong giai đoạn 1991-1995 và 7,6% trong giai đoạn 1997-1999…
Đặc biệt, tổng vốn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước tăng từ 98,3 ngàn tỷ đồng năm 2000 lên 11.020,9 ngàn tỷ đồng năm 2015. Nói cách khác, khoảng 546 tỷ USD đã được các doanh nghiệp Việt Nam huy động và đưa vào nền kinh tế trong vòng 15 năm, trung bình 36,4 tỷ USD mỗi năm. Con số này vượt xa số vốn FDI hàng năm đăng ký và thực hiện và nguồn vốn ODA được giải ngân tại Việt Nam trong cùng giai đoạn.
Đến năm 2018, khu vực này đang chiếm 43,2% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, với hơn 700.000 doanh nghiệp, có mặt ở hầu hết các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực phát triể quan trọng của nền kinh tế, theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, với kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới cho nền kinh tế từ nguồn năng lượng tự thân.
“Với đường lối Đổi mới, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dựa trên sự thừa nhận tính đa dạng của các hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế, trong đó điều cốt yếu là thừa nhận sức sống mãnh liệt và tầm quan trọng của kinh tế tư nhân”, ông Hồng phân tích khi nhìn lại các bước cải cách giai đoạn vừa qua.
Nhưng, ông Thiên chưa muốn dừng ở đánh giá này. Trong nghiên cứu về khu vực kinh tế tư nhân đưa ra vào đầu năm 2019, ông Thiên cho rằng, trong 30 năm qua, sau mỗi lần vượt khó của cả nền kinh tế và khu vực kinh tế tư nhân, vai trò của khu vực này đều được nhìn nhận đúng đắn hơn. Nhưng, giá như mỗi lần như vậy, thể chế, môi trường kinh doanh phải chuyển đổi, để thực sự nuôi dưỡng người kinh doanh, ý tưởng kinh doanh.
“Nếu làm được, kinh tế Việt Nam đã có một lực lượng doanh nghiệp gắn kết, mạnh mẽ, đàng hoàng chứ không thể mãi ở thế khi nào đất nước cần mới vùng dậy”, ông Thiên nói.
Tư thế doanh nhân Việt
Forbes Asia vừa công bố danh sách 200 công ty có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam góp 7 cái tên, gồm Masan Group, Thế giới Di động, Sabeco, Vietjet Air, Vinamilk, Techcombank và Vingroup.
Ngoài Sabeco có dấu ấn của tỷ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi; Vinamilk dù sao vẫn còn 36% vốn Nhà nước, những tên tuổi còn lại đều là đại diện tiêu biểu cho khu vực tư nhân Việt Nam, sánh vai với nhiều doanh nghiệp tiếng tăm toàn cầu và khu vực, như Alibaba (Trung Quốc), Jollibee (Philippines) Tencent (Trung Quốc) hay Advantest (Nhật Bản), Naver (Hàn Quốc)…
Nhưng, nhìn vào Bảng xếp hạng VNR500 (500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam) năm 2018, trong Top 10 chỉ duy nhất Vingroup có mặt. Nếu mở rộng hơn, đến Top 50, có thêm Thế giới Di động, Doji, Trường Hải, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VPBank, Masan, Cotecons, Hoa Sen, Sacombank. Tỷ lệ áp đảo vẫn rơi vào khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn chi phối của Nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Rõ ràng, bước chân của khu vực tư nhân, dù không phải toàn thuận lợi đã không dừng lại ở trong nước, trong các liên kết nội địa. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn không chỉ tham gia, mà còn là những người tổ chức cuộc chơi, thậm chí đề xuất giải pháp cho phát triển kinh tế đất nước. Sự có mặt của Vingroup trong ngành phân phối, bán lẻ; nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ô tô…; của Vietjet trong ngành hàng không… đã làm thay đổi cơ bản sự phát triển của ngành, nghề này…
Nhiều người vẫn hay nhắc đến đề xuất đình đám về việc giao Dự án đường sắt Bắc Nam hay Cảng Hàng không quốc tế Long Thành cho tư nhân mà ông Trương Gia Bình gửi lên Chính phủ. Đây không phải đòi hỏi cho Tập đoàn FPT. Ông nói với tư cách là đại diện cho khối tư nhân, với cam kết thời gian thực hiện dưới 10 năm. Nghĩa là, doanh nghiệp tư nhân sẽ phải liên kết trên nền tảng chung là niềm tin và sự sẵn sàng cống hiến.
Tất nhiên, để có được nền tảng này, ông Bình buộc phải nhắc đến hệ thống cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư – kinh doanh hiện tại. “Nếu còn tình trạng "trên trải thảm đỏ, dưới trải đinh", thủ tục hành chính còn phức tạp, nhiêu khê, thì doanh nghiệp không thể cùng nhau làm lớn được”, ông Bình thẳng thắn.
Nhu cầu thay đổi, để làm nên tư thế đĩnh đạc hơn của khu vực doanh nghiệp tư nhân, để thực sự trở thành một lực lượng thực hiện sứ mệnh là giải quyết các vấn đề của đất nước, tạo nên sức cạnh tranh cho nền kinh tế đã chín muồi...