Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt trước "cú sốc" Covid-19: Giữ niềm tin cùng vượt qua đại dịch
Bảo Duy - 29/07/2020 14:22
Vài tiếng sau khi Đà Nẵng bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, ông Phan Hải, Giám đốc Giày BQ (Đà Nẵng) đã có mặt, ngồi một mình ở văn phòng Công ty.

Trong vòng 2 tuần tới, 7 cửa hàng của Công ty ở khu vực Đà Nẵng đóng cửa, nhân viên nghỉ ở nhà.

Chỉ đầu tháng, ông Hải và nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp hàng cho thị trường nội địa, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, nhà hàng… đã khấp khởi nghĩ về kế hoạch bật nhanh trở lại khi mùa hè sôi động bắt đầu.

“Chúng ta đang sống trong đại dịch, nên đành chấp nhận thực tế. Thậm chí, nếu Đà Nẵng đóng cửa để cả nước an toàn, thì chúng tôi cũng chấp nhận hy sinh. Tôi đang chia sẻ điều này với các doanh nghiệp trong Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, với nhân viên của chúng tôi, như một liều vắc-xin tinh thần”, ông Hải tâm tư.

Nhưng lần này, sự hy sinh sẽ rất khác so với đợt giãn cách xã hội tháng 3/2020. Khoảng 80% doanh nghiệp của Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng có thể không còn nhiều sức đề kháng. Nỗ lực giữ chân lao động, giữ chân đơn hàng với các nhà cung cấp suốt mấy tháng qua đã lấy đi của doanh nghiệp nhiều sức lực.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp vẫn nói không tiếp cận được gói hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, hay các khoản vay hỗ trợ người lao động... mà Chính phủ đã quyết định rất kịp thời. Thủ tục, điều kiện, yêu cầu giải trình phức tạp, nhất là yêu cầu chứng minh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 rất khó thực hiện… là rào cản khiến những giải pháp cứu trợ đã phát huy được hiệu quả ở các thời điểm quan trọng.

Trong khi đó, thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất (theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất) của kỳ tính thuế tháng 3/2020 đã chuẩn bị đến hạn… Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ không có thu nhập để được hưởng lợi ích từ giải pháp này.

Vấn đề là, không phải chỉ doanh nghiệp ở Đà Nẵng khó khăn và cũng không chỉ doanh nghiệp ở đây khó tiếp cận các giải pháp cứu trợ doanh nghiệp. Có thể nhìn thấy rất rõ khó khăn đang lan ra rất nhanh trong ngành du lịch, khách sạn, vận tải hành khách… Đặc biệt là tâm lý lo ngại đang nổi lên.

Phải nhắc lại rằng, doanh nghiệp đều xác định rõ sẽ còn phải đương đầu với nhiều khó khăn cho đến khi kinh tế thế giới phục hồi. Nhưng họ chống chọi khó khăn với niềm tin rất lớn rằng, đa số doanh nghiệp Việt Nam sẽ tồn tại và phát triển mạnh hơn sau dịch. Chính vì vậy, sự đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các doanh nghiệp, tinh thần tương thân tương ái vượt khó để giữ việc làm cho người lao động chưa bao giờ cao như vậy. Năng lực chống chịu của doanh nghiệp Việt với các cú sốc cũng được cải thiện đáng kể.

Chính trong lúc này, các doanh nghiệp trông vào Chính phủ, với các gói hỗ trợ thực chất, đúng địa chỉ, thời điểm. Nhưng nhiều doanh nghiệp trông vào sự hy sinh về thu ngân sách, vào các kế hoạch chi tiêu nhiều của Chính phủ, nhất là giải ngân đầu tư công để “bơm máu” vào nền kinh tế. Các giải pháp liên quan tới giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp được đề nghị ưu tiên, cùng với đó là các đề xuất miễn thuế, thay vì giãn thời gian nộp.

Cũng phải nói thêm, trong bối cảnh hiện tại, để các gói hỗ trợ được kích hoạt, có thể phải chấp nhận việc sẽ có tỷ lệ sai sót nhất định trong thực thi. Lý do là nếu vì sự an toàn tuyệt đối của các đơn vị, tổ chức thực hiện, thì nhiều doanh nghiệp sẽ không còn sức trụ lại… Nhưng, điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị, nỗ lực và trách nhiệm của cả hệ thống, nhất là của những người đứng đầu, qua đó giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin, từng bước vượt qua thách thức, khó khăn do Covid-19 gây ra.

Tin liên quan
Tin khác