Đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trao đổi tại Hội thảo |
Điều quan trọng với doanh nghiệp là ý thức tự phát triển bền vững cho chính mình, vì lợi ích của mình và hạn chế các tác hại đối với môi trường xã hội, chứ chưa cần đòi hỏi xa vời phải có trách nhiệm xã hội, đóng góp cho xã hội mới được coi là phát triển bền vững, ông Phan Đức Hiếu nêu tại hội thảo bàn về sự tham gia của kinh tế tư nhân vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tổ chức ngày 25/10 tại Hà Nội.
Dẫn kết quả nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Hiếu cho biết hơn 10 ngành, lĩnh vực có thể tạo ra cơ hội kinh doanh mới từ việc thúc đẩy phát triển bền vững và giá trị mang lại lên tới hàng trăm tỷ USD.
Khi doanh nghiệp hướng đến phát triển bền vững, đơn cử như sản xuất bao bì, sản phẩm tái tạo như vỏ chai nước, sẽ xuất hiện ngành dịch vụ mới như tư vấn giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp, ông Hiếu nhận định.
Đại diện nhóm nghiên cứu sự tham gia của kinh tế tư nhân vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) đánh giá, kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung, phát triển năng lượng và cơ sở hạ tầng bền vững nói riêng.
Riêng đối với giao thông, sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này đã tăng lên, giúp thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông, bà Nguyễn Thị Luyến nhận định. Số liệu của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015 đã huy động được 186.660 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, chiếm 42% tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Đa số nguồn vốn tư nhân được huy động đầu tư vào hạ tầng giao thông đường bộ, với 58 dự án có tổng mức đầu tư lên tới 185.070 tỷ đồng, chiếm 99.15%.
Tuy nhiên, sự tham gia, đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững còn khiêm tốn. Nguyên nhân là khu vực kinh tế này còn yếu, đa số doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô nhỏ, thiếu vốn, năng suất lao động thấp, thiếu liên kết… Đây cũng là rào cản lớn đối với doanh nghiệp tư nhân trong nước khi tham gia các dự án hạ tầng, năng lượng.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cần xem xét sâu hơn yếu tố bền vững và cách thức doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án hạ tầng bền vững. “Nếu ta làm rõ các thách thức doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt khi tham gia các dự án phát triển bền vững, thì chính sách hỗ trợ của chúng ta sẽ cụ thể và rõ ràng hơn”, ông Hiếu nói.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào thực hiện phát triển bền vững, cần xác định ưu tiên, có chương trình trọng tâm để thúc đẩy những doanh nghiệp tư nhân đủ khả năng cũng như đẩy mạnh mô hình kinh doanh phát triển bền vững. “Bản thân doanh nghiệp cũng cần ý thức sử dụng công nghệ sạch, sản phẩm tái tạo”, ông Hiếu đề nghị.
Chuyên gia kinh tế Trần Văn Dũng đánh giá, doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển khá nhanh trong thời gian qua. Để huy động khu vực tư nhân vào thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, cần cân nhắc hỗ trợ có trọng tâm đối với các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả và có khả năng tăng quy mô và cải thiện mối liên kết giữa chuỗi giá trị.
Ngoài ra, để doanh nghiệp tư nhân lớn được, cần nghiên cứu thực hiện giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nhằm tạo bình đẳng cho kinh tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực Nhà nước độc quyền, nhất là đầu tư cảng hàng không, cảng biển, truyền tải điện trên 220kV.