MobiFone nói riêng, các doanh nghiệp viễn thông nói chung đang nỗ lực đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh |
Chuyển mình để vượt qua suy thoái
Thị trường viễn thông bão hòa, bắt buộc doanh nghiệp phải đổi mới, mở rộng quy mô kinh doanh với sản phẩm và dịch vụ chất lượng để không bị đào thải.
Những năm gần đây, ngành viễn thông truyền thống chứng kiến sự suy giảm mạnh về mặt doanh thu. Năm 2023, tổng doanh thu ngành dịch vụ viễn thông vào khoảng 139.260 tỷ đồng, chỉ tăng 0,41% so với năm 2022 và đạt 99,5% kế hoạch đề ra.
Cụ thể, 3 “ông lớn” trong ngành viễn thông là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone đều cho thấy dấu hiệu chững lại về mặt tăng trưởng so với quá khứ.
Theo đó, doanh thu của Viettel ước tính đạt 172.500 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022, thị phần viễn thông tăng thêm 1,64%. VNPT cho biết, tổng doanh thu năm 2023 đạt 54.856 tỷ đồng, bằng 102,14% so với cùng kỳ năm trước, đạt 98,2% kế hoạch; lợi nhuận chạm mức 4.468 tỷ đồng, đạt 100,8% kế hoạch, bằng 100,7% so với cùng kỳ năm 2022. Còn với MobiFone, tổng doanh thu công ty mẹ trong năm 2023 đạt 25.440 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ghi nhận 1.638 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 7,25%.
So với giai đoạn 2008 - 2015, cả 3 tập đoàn viễn thông này đều cho thấy dấu hiệu giảm sút về tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Theo đánh giá khái quát của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, một nhà mạng viễn thông thế hệ mới nên có chỉ số tăng trưởng xung quanh mức 10%, muốn đạt yêu cầu ít nhất cũng phải trên 5%.
Các chuyên gia lý giải, sự phát triển của công nghệ và xu hướng chuyển đổi số là nguyên nhân chính khiến ngành viễn thông truyền thống hết thời.
Dịch vụ gọi thoại, nhắn tin trên di động thoái trào (giảm 10 -15%/ năm) để nhường chỗ cho data và dịch vụ OTT lên ngôi. Cuộc gọi video thay thế cho gọi điện thoại truyền thống, nhắn tin trên mạng xã hội phổ biến hơn nhắn tin SMS… Đồng thời, các công nghệ hiện đại ngày càng bùng nổ: trí tuệ nhân tạo (AI), chatGPT, mạng ảo, robotics, phần mềm điều khiển eKYC… thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn để đáp ứng nhu cầu của người dùng, tạo áp lực lên ngành viễn thông truyền thống bắt buộc phải đổi mới, mở rộng không gian, dịch vụ/sản phẩm mới để không bị đào thải khỏi thị trường.
Tại Hội nghị di động thế giới năm 2023, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, dịch vụ viễn thông di động đang giảm dần, thay vào đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh với các ứng dụng, giải pháp mới cho ngành viễn thông.
Trong cuộc chơi đó, các tên tuổi trong ngành đang tìm cách khẳng định vị thế riêng để thoát khỏi sự bão hòa của thị trường, điển hình là MobiFone.
Được giao nhiệm vụ nòng cốt xây dựng nhiều nhóm nền tảng chuyển đổi số quốc gia, MobiFone đã nỗ lực chuyển mình để thay đổi, không chỉ kiến tạo nhiều hệ sinh thái phục vụ đời sống của khách hàng, mà còn đóng góp quan trọng vào công cuộc chuyển đổi số của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.
Các giải pháp, dịch vụ, sản phẩm chuyển đổi số của MobiFone đã ghi nhận nhiều thành tích ấn tượng, đem đến lợi ích thực tiễn cho cả khách hàng cá nhân lẫn khách hàng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số của MobiFone, trong năm 2024, có 5 xu thế công nghệ 4.0 nổi bật trên toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống, bao gồm: sự phát triển bền vững của 5G; dữ liệu trở thành lực lượng sản xuất mới; AI trở thành công cụ sản xuất mới; sức mạnh tính toán trở thành nguồn năng lượng cơ bản mới; tăng tốc đầu tư, chi tiêu cho chuyển đổi số.
Trong năm nay, MobiFone sẽ khai thác tối đa, đồng thời nâng cấp các nền tảng công nghệ sẵn có, bám sát kế hoạch mục tiêu đề ra để chuyển mình từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng phổ cập, hạ tầng điện toán đám mây và hạ tầng công nghệ số).
Trong bối cảnh thị trường viễn thông dần bão hòa, MobiFone dự kiến giữ vững thị phần viễn thông, mở rộng triển khai kế hoạch kinh doanh dựa trên 5 trụ cột chính là khách hàng, sản phẩm, công nghệ, vận hành, năng lực.
MobiFone sẽ đầu tư khai thác mạng 5G, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ số, cung cấp các nền tảng, giải pháp số dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến: AI, BigData, điện toán đám mây, OTT… nhằm xây dựng hệ sinh thái số MobiFone hoàn chỉnh.
Dự kiến, trong năm 2025, các dịch vụ số mới như thương hiệu giới trẻ, nội dung số, thanh toán số, quảng cáo số, trò chơi trực tuyến, y tế số, dịch vụ Cloud, an ninh, an toàn thông tin, giáo dục số, IoT… sẽ chiếm 27% tổng doanh thu. Trong đó, các lĩnh vực giáo dục số và y tế số được cho là sẽ đóng góp doanh thu lớn cho doanh nghiệp.
Có thể thấy, MobiFone đang rất nỗ lực để đón đầu công nghệ, chuyển mình hoàn thành mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ chủ lực của Việt Nam.
Coi khách hàng là trên hết để đổi mới sáng tạo
Ngành dầu khí đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia, mang lại nguồn ngoại tệ lớn, làm cân đối hơn cán cân xuất, nhập khẩu thương mại quốc tế, tạo sự phát triển ổn định của đất nước.
Bên cạnh việc góp mặt trong Top 10 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và kinh doanh hiệu quả năm 2024, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) còn là doanh nghiệp dẫn đầu trong nhóm ngành dầu khí - năng lượng - điện.
Trong những năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhưng Petrovietnam vẫn đạt hiệu quả cao trên cơ sở thực hiện đồng bộ chuyển đổi số, quản trị biến động, quản trị danh mục đầu tư, quản trị chuỗi liên kết…
Kết quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong 5 tháng đầu năm 2024 vẫn giữ vững sự ổn định, với 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, khai thác dầu thô vượt 4,4%; khai thác khí vượt 7,7%; sản xuất điện vượt 8,9%; sản xuất đạm urê vượt 6,5%; sản xuất NPK vượt 15,4%; sản xuất xăng dầu vượt 21,5%; LPG vượt 0,4%; condensate vượt 0,4%; polypropylen vượt 9,4%.
Petrolimex xác định, chiến lược dài hạn là xây dựng thành tập đoàn kinh tế mạnh của Việt Nam và quốc tế. Muốn vậy, Tập đoàn phải xác định các mục tiêu cụ thể, nhận diện các động lực chủ yếu để thành công.
Mục tiêu trên hết là kinh doanh phải có hiệu quả để bảo toàn và phát triển vốn, tái đầu tư sản xuất theo chiều sâu, chiều rộng cho sự phát triển tiếp theo.
Bên cạnh việc đầu tư nền tảng phần cứng, yếu tố cốt lõi để Petrolimex đổi mới và sáng tạo thành công, tạo kết quả kinh doanh tốt nằm ở việc lãnh đạo, quản lý là nơi xác định đường lối và đề ra các quy định. Đó là yếu tố quan trọng đầu tiên của sự thành công. Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Petrolimex là động lực quyết định và hiện thực hóa mục tiêu phát triển.
Trong khi đó, với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, xoay quanh triết lý coi khách hàng là trên hết để đổi mới sáng tạo, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam - thành viên của Tập đoàn Dai-ichi Life (Nhật Bản), luôn nỗ lực cải tiến công nghệ, đầu tư hệ sinh thái số. Thông qua chuỗi quy trình xuyên suốt bằng việc tự động hóa các nghiệp vụ bảo hiểm, đầu tư sâu rộng cho chất lượng dịch vụ nhằm tối ưu hóa trải nghiệm và mang đến cho khách hàng sự hài lòng cao nhất.
Hàng loạt cải tiến vượt bậc được Công ty thực hiện trong năm 2023, có thể kể đến các ứng dụng quan trọng như: Dai-ichi Connect - cổng thông tin khách hàng; Dai-ichi Success - nền tảng trợ lý số dành cho tư vấn tài chính; nền tảng bán bảo hiểm trực tuyến Dai-ichi ON, cùng nhiều giải pháp trực tuyến giúp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng như eClaims, ePOS, ePolicy, ePayment...
Các “trợ lý số” Voicebot, Chatbot 24/7 với sự hỗ trợ của công nghệ AI cũng được Dai-ichi Life Việt Nam sử dụng cho quy trình nghiệp vụ bảo hiểm cơ bản. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai liên tục như VNPay, MoMo, Payoo, chuyển khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ủy thác thanh toán…, tạo sự thuận tiện tối đa cho khách hàng.
“Chúng tôi hướng đến mục tiêu trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ tốt nhất tại Việt Nam, cũng như nâng tầm thương hiệu tại khu vực ASEAN”, ông Đặng Hồng Hải, Tổng giám đốc Dai-ichi Life Việt Nam chia sẻ.
Trong bối cảnh thị trường đầy thử thách của năm 2023, Dai-ichi Life Việt Nam là một trong số ít doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt mức lợi nhuận sau thuế hơn 2.430 tỷ đồng, tổng doanh thu phí bảo hiểm trên 19.550 tỷ đồng, nâng thị phần của Công ty lên 12,5%. Với mức vốn chủ sở hữu 9.800 tỷ đồng và tổng tài sản gần 67.000 tỷ đồng, Dai-ichi Life Việt Nam tiếp tục giữ vững vị thế trong nhóm Top 3 công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài lớn nhất và có hiệu quả kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam.
Hướng đến mục tiêu đạt cột mốc phục vụ trên 5 triệu khách hàng và cam kết tăng trưởng xanh bền vững trong năm nay, Công ty đã và đang triển khai nhiều dự án, không ngừng nỗ lực mang hạnh phúc và bình an đến mỗi người, mỗi nhà thông qua 4 giá trị trải nghiệm: bảo vệ tài chính, tạo dựng tài sản, nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần và kết nối yêu thương.
Có thể nói, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, là phương thức hữu hiệu giúp doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, nâng cao khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.
Mặc dù vậy, kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho thấy, mức độ hoạt động đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam chưa tương xứng, chưa bắt kịp xu hướng và sự phát triển nhanh của công nghệ.
Đổi mới không nhất thiết phải là đột phá lớn về công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mới, mà đơn giản nhất có thể qua việc nâng cấp dịch vụ khách hàng của công ty hoặc các tính năng được thêm vào sản phẩm hiện có. Và dù có đo lường bằng cách nào đi chăng nữa, đổi mới thành công sẽ mang lại sự tăng trưởng ròng đáng kể cho doanh nghiệp.