Doanh nhân Đặng Phương Hằng, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam. |
Tháng 4/2017, giới tư vấn bất động sản tại Việt Nam khá ngạc nhiên khi nghe tin Marc Townsend - người đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển CBRE tại Đông Nam Á kể từ đầu thập kỷ 90 và đã tham gia thành lập Văn phòng CBRE Việt Nam vào năm 2003 - rời khỏi vị trí Tổng giám đốc CBRE Việt Nam sau hơn 14 năm tại vị.
Ngạc nhiên hơn nữa, người ngồi vào “ghế nóng” thay cho Marc Townsend - vị trí mà trước đây đều do người nước ngoài nắm giữ, lại là một doanh nhân nữ người Việt Nam - bà Đặng Phương Hằng.
Cơ duyên gắn bó với kinh doanh bất động sản
Lý do nào khiến bà quyết định đi theo con đường kinh doanh bất động sản?
Con đường kinh doanh bất động sản đến với tôi rất tình cờ. 25 năm trước, tôi đang làm việc tại một công ty kiểm toán hàng đầu, nhưng vì phải đi công tác quá nhiều, trong khi con còn nhỏ, nên có ý định chuyển việc. Một người bạn giới thiệu với tôi Công ty Richard Ellis (tên cũ của CBRE), lúc đó vừa vào Việt Nam. Tôi đã ứng tuyển và trở thành người Việt Nam đầu tiên của CBRE vào những ngày đầu tiên ấy.
Thị trường bất động sản Việt Nam vào thời điểm đó còn rất sơ khai. Nhưng với bản tính say mê khám phá cái mới, tôi đã bén duyên với kinh doanh bất động sản và ngày càng yêu nghề. Trải qua nhiều công ty, nhiều vị trí, đã 25 năm trôi qua và tôi vẫn còn đang rất say mê lĩnh vực này. Công việc giúp tôi được gặp gỡ rất nhiều người, trải nghiệm nhiều dự án khác nhau, không bao giờ nhàm chán.
Như vậy, cơ duyên đưa bà đến với CBRE Việt Nam không phải chỉ một lần. Điều gì đã khiến bà quay lại CBRE và nắm giữ vị trí “thuyền trưởng” dẫn dắt doanh nghiệp?
Năm 2017, tôi đang làm việc cho một chủ đầu tư bất động sản lớn ở Hà Nội. Nhưng vì gia đình sống ở TP.HCM, nên tôi tìm cơ hội chuyển công tác vào TP.HCM để sống cùng gia đình. Đúng lúc đó, tôi tình cờ nhận được lời mời gia nhập CBRE Việt Nam.
Tôi đã làm việc tại CBRE từ cách đây 25 năm cho đến khi Công ty đóng cửa tại Việt Nam vào năm 1998 do khủng hoảng tài chính. Do vậy, khi được mời quay lại làm việc, tôi rất hào hứng, cảm giác giống như được trở về nhà vậy. Tôi nhận lời luôn, dù chưa cập nhật tình hình chi tiết về hoạt động kinh doanh của Công ty. Điều duy nhất khiến tôi quyết định trở về CBRE khi đó chính là những tình cảm thân quen khi được trở lại với điểm khởi đầu đưa mình gắn bó với ngành bất động sản.
Áp lực và niềm tin
Là người kế nhiệm Marc Townsend, bà có gặp áp lực gì không và làm cách nào để vượt qua những áp lực đó?
Giữ “ghế nóng” tại CBRE Việt Nam chắc chắn rất nhiều áp lực. Là lãnh đạo nữ duy nhất trong số các công ty tư vấn bất động sản nước ngoài ở Việt Nam hiện nay, để xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng, tôi phải nỗ lực hơn rất nhiều so với các đồng nghiệp nam.
Cùng với đó, tôi cũng chịu sức ép khá lớn từ người tiền nhiệm - ông Marc Townsend, người rất nổi tiếng trong ngành bất động sản ở Việt Nam. Nhắc đến CBRE, người ta luôn nhắc đến ông Marc như một biểu tượng. Lần này, khi tôi đầu quân cho CBRE Việt Nam và giữ vị trí Tổng giám đốc, mọi người cũng thường so sánh tôi với người tiền nhiệm, tạo cho tôi rất nhiều áp lực. Cho đến nay, CBRE Việt Nam vẫn luôn ghi nhận sự đóng góp to lớn của ông Marc.
Tiếp quản vị trí Tổng giám đốc từ ông Marc, hơn 2 năm qua, tôi đã cố gắng rất nhiều để khách hàng và nhân viên chấp nhận sự thay đổi cũng như công nhận những nỗ lực của tôi. Tôi chọn chiến lược “Teamwork” - cấu trúc hoạt động mạnh về tính đồng đội bổ sung cho nhau, tạo điều kiện cho đội ngũ nhân sự quản lý cấp cao tỏa sáng.
Triết lý nằm lòng của tôi với đồng nghiệp tại CBRE luôn là: “Đi một mình thì đi nhanh, nhưng muốn đi xa hơn thì phải đi cùng nhau”. Đối với CBRE Việt Nam, tập thể nhân viên là tài sản quý giá nhất. Tôi luôn đánh giá cao sức mạnh tập thể. Một người dù giỏi đến mấy cũng chỉ làm được những việc nhỏ bé, nhưng với cả tập thể nhiều người giỏi, chúng ta sẽ tạo ra những điều to lớn.
Trong công việc, tôi may mắn có được đội ngũ nhân sự quản lý cấp cao rất giỏi và tâm huyết, đã gắn bó lâu dài với Công ty. Chúng tôi cùng nhau tìm cơ hội để phát triển Công ty cũng như cùng nhau giải quyết các thách thức trong công việc để đem lại dịch vụ bất động sản chất lượng quốc tế, sát với nhu cầu khách hàng, thị trường Việt.
Hơn 25 năm gắn bó với nghề, chắc bà có nhiều trải nghiệm đáng nhớ?
Cách đây hơn 20 năm, khi bắt đầu làm việc tại Richard Ellis (tên cũ của CBRE), lần đầu tiên, tôi phụ trách quản lý và cho thuê Tòa nhà HITC ở Hà Nội. Thời điểm đó, HITC là tòa nhà văn phòng hạng A đầu tiên của Hà Nội, nằm ở quận Cầu Giấy, cách trung tâm Thành phố 8 km. Đối với đa số người Hà Nội lúc đó, 8 km là khá xa, nên các khách hàng tiềm năng đều rất e ngại.
Còn nhớ, những ngày đầu, chúng tôi phải vất vả để mời được khách hàng đến tham quan, thu xếp để có xe bus đưa đón và mời khách dùng bữa trưa tại căng-tin của tòa nhà… Dù e ngại tòa nhà đặt ở vị trí xa trung tâm, nhưng khi đến nơi mục sở thị chất lượng tòa nhà, 100% khách hàng đều hài lòng về chất lượng, dịch vụ. Sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã có những khách hàng đầu tiên như Siemen, ABB, Prudential… và nhanh chóng lấp đầy tòa nhà theo đúng tiến độ.
Thêm một trải nghiệm đáng nhớ nữa, vào những năm 1994 - 1995, Richard Ellis tư vấn cho Dự án Phú Mỹ Hưng
ở quận 7 (TP.HCM). Nhìn những vùng đầm lầy ở khu Phú Mỹ Hưng khi đó, ít ai hình dung nổi sau 10 - 20 năm, nơi đây sẽ trở thành đô thị hiện đại nhất Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với tầm nhìn của chủ đầu tư Dự án Phú Mỹ Hưng - Tập đoàn CT&D. Họ đã truyền cảm hứng về việc xây dựng một thành phố mới hiện đại. Những ngày đầu mở bán tòa nhà đầu tiên ở Phú Mỹ Hưng gần 20 năm trước, chủ đầu tư cũng rất vất vả, nhưng sau đó, Phú Mỹ Hưng đã nhanh chóng khẳng định được thương hiệu.
Nghề nghiệp cũng cho tôi cơ hội được chứng kiến các buổi lễ cất nóc các tòa nhà cao nhất Việt Nam từ Bắc vào Nam, những kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ, tòa nhà xây dựng sau luôn cao hơn tòa xây dựng trước, từ Keangnam (Hà Nội), đến Bitexco và gần đây nhất là Landmark 81 (TP.HCM). Mỗi lúc như vậy, tôi cảm thấy thực sự xúc động khi được chứng kiến những thay đổi của đất nước mình, những cột mốc của ngành bất động sản Việt Nam.
Chèo lái con thuyền CBRE Việt Nam hơn 2 năm qua, bà cùng Công ty đã đạt được những thành tựu gì? Kế hoạch phát triển trong 5 - 10 năm tới của CBRE Việt Nam sẽ như thế nào, thưa bà?
Trong 2 năm qua, CBRE đã phát triển gấp đôi so với thời kỳ tôi nhận bàn giao đầu năm 2017. Hiện nay, chúng tôi có 1.300 nhân viên với 2 văn phòng chính ở Hà Nội và TP.HCM. Trong 5 năm tới, số lượng nhân viên cũng như quy mô của Công ty sẽ gấp vài lần con số hiện nay và thêm nhiều văn phòng trên cả nước.
CBRE Việt Nam cung cấp cho khách hàng các loại dịch vụ đa dạng, gồm nghiên cứu và tư vấn phát triển dự án; định giá; tư vấn và môi giới đầu tư; quản lý tài sản; quản lý dự án; các dịch vụ liên quan đến nhà ở bán, nhà ở cho thuê, mặt bằng văn phòng, mặt bằng bán lẻ, khu công nghiệp - hậu cần và bất động sản nghỉ dưỡng.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai các ứng dụng phần mềm công nghệ hiện đại vào các dịch vụ phục vụ khách hàng như: phần mềm Calibrate trong bán lẻ, Floored và Matteport cho khách hàng văn phòng, MRI cho quản lý bất động sản…
Về dài hạn, chúng tôi sẽ tập trung để đem đến cho khách hàng tại Việt Nam các giải pháp công nghệ xanh, công nghệ 4.0 và các giải pháp công nghệ PropTech (công nghệ trong lĩnh vực bất động sản). Chúng tôi đang làm việc với một số công ty trên thế giới để tư vấn và hỗ trợ cho các địa phương, các chủ đầu tư Việt Nam xây dựng các thành phố thông minh.
Bà Đặng Phương Hằng nắm giữ vai trò Tổng giám đốc CBRE từ ngày 3/4/2017, sau hơn 23 năm đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau trong các công ty bất động sản. Trước đó, bà Hằng làm việc cho Vingroup, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và giữ vị trí Phó giám đốc điều hành Vincom Retail.
Bà Hằng bắt đầu sự nghiệp từ lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn 1994 - 1998 tại Công ty Richard Ellis với các hoạt động nghiên cứu, tư vấn và môi giới. Sau đó, bà đảm nhận chức Tổng giám đốc của Cushman & Wakefield tại Việt Nam trước khi trở thành "thuyền trưởng" tại CBRE Việt Nam.