- Doanh nhân Tạ Thanh Hải, Đồng sáng lập Công ty Công nghệ OLLI: Đưa AI đến từng ngóc ngách cuộc sống người Việt
- Doanh nhân Phạm Quốc Anh, Tổng giám đốc CTCP Thiết kế Xây dựng và Phát triển Minimal: Khởi nghiệp từ nét vẽ tối giản
- [Megastory] Doanh nhân Bradley Lalonde - Sứ giả gắn kết quan hệ kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ
- [Megastory] "Giàng A Hiếu" - Người đánh thức "xứ sở hạnh phúc Suối Giàng" và khát khao đưa trà Việt lên đỉnh thế giới
Doanh nhân Mã Thanh Danh, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB. |
Thành lập “đội phòng thủ” cho doanh nghiệp
Không phải ngẫu nhiên mà ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB là khách mời quen thuộc trong các chương trình khởi nghiệp, vượt qua khủng hoảng. Với hàng chục năm “chinh chiến” trên thương trường và dẫn dắt doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, ông có nhiều kinh nghiệm trong quản trị rủi ro.
Ông Danh chia sẻ, đối với nhiều doanh nghiệp, trong những năm đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế, hai từ “khủng hoảng” thường được nhắc đến, có nghĩa là họ chỉ nghĩ đến những điều tiêu cực. Tuy vậy, đối với doanh nhân Mã Thanh Danh, giai đoạn này được nhìn nhận một cách đa chiều, với cả cơ hội chứ không hẳn là toàn khó khăn.
“Tôi định nghĩa khủng hoảng rất đơn giản, đó là những yếu tố bất ngờ mà mình không chuẩn bị để xử lý. Như vậy có thể suy ra nhiều khía cạnh khác của khủng hoảng, chứ không chỉ gói gọn trong những điều tiêu cực”, ông chia sẻ.
Với kinh nghiệm làm quản trị rủi ro cho một số tập đoàn lớn, ông Danh cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất để ứng phó với khủng hoảng là sự chuẩn bị đến từ cá nhân và tập thể. Vì thế, lãnh đạo doanh nghiệp cần phải xây dựng những kịch bản khó khăn nhất để không bị lúng túng.
“Công ty chúng tôi cũng phải xây dựng nhiều kịch bản, đặc biệt là 3 kịch bản chính: tốt nhất, trung bình và xấu nhất. Mỗi kịch bản đòi hỏi sự chuẩn bị cụ thể từ mỗi bộ phận và đặt ra câu hỏi về vai trò của họ trong từng tình huống”, ông Danh chia sẻ về chiến lược phòng ngừa khủng hoảng.
Trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa do khó khăn, thì doanh nghiệp của ông Danh vẫn quyết định mở rộng sang một số lĩnh vực mới như cung cấp thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe... Giải thích về cách làm ngược với các doanh nghiệp khác, ông Danh nói rằng, khi nhìn nhận một cách đa chiều, sẽ thấy được trong nguy có cơ và nhận ra được lối đi trong ngổn ngang những khó khăn.
Không ngần ngại dấn thân với những ý tưởng lớn, song cách làm của vị doanh nhân này rất bài bản, khoa học, áp dụng theo các nguyên tắc mà ông đã được học và đúc rút từ hàng chục năm làm kinh doanh. Chia sẻ về điều này, ông Danh cho rằng, để thành công trong việc mở rộng sang lĩnh vực mới, đầu tiên là phải có nghiên cứu thị trường đầy đủ. Tiếp đến là áp dụng đúng nguyên tắc 80/20, tức là chỉ đầu tư 20% nguồn lực vào lĩnh vực mới muốn mở rộng, còn 80% nguồn lực vẫn đầu tư vào lĩnh vực truyền thống đang có.
Theo ông, mặc dù lĩnh vực mới có tiềm năng rất lớn, khả năng thắng lợi rất cao, nhưng vẫn không nên đầu tư quá 50% nguồn lực vào lĩnh vực mới. Bởi lẽ, nếu lĩnh vực mới không đạt được những kết quả như kỳ vọng hoặc gặp khó khăn, thì 80% dành cho ngành truyền thống vẫn tạo ra dòng tiền ổn định để giải quyết những rủi ro của lĩnh vực mới.
“Tỷ lệ 80/20 rất hiệu quả và được coi là tỷ lệ vàng, chúng tôi liên tục áp dụng trong các chiến lược thực hiện dự án mới. Nhờ vậy, dự án chăm sóc sức khỏe của chúng tôi mở ra trong thời kỳ dịch Covid-19 rất thành công”, ông Danh chia sẻ.
Suốt hàng chục năm tham gia điều hành doanh nghiệp, từ bài học kinh nghiệm trong thực tế, vị doanh nhân này cho rằng, trong quản trị thời đại mới, doanh nghiệp phải xây dựng được hệ thống kiểm soát rủi ro và phải có giám đốc điều hành và quản lý rủi ro.
Ông ví von, kinh doanh cũng giống như chơi một trận bóng đá, đội nào phòng thủ tốt thì luôn có kết quả tốt hơn đội tấn công mà không phòng thủ. Hiểu được điều này nên doanh nghiệp của ông đã thành lập một đội “phản ứng nhanh” trực thuộc hội đồng quản trị để ra quyết định nhanh chóng khi có việc cấp bách.
Tại thời điểm xảy ra dịch Covid-19, rất nhiều công ty ồ ạt vay vốn đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất khẩu trang mà không có kịch bản phòng ngừa rủi ro khi đại dịch Covid-19 qua đi, doanh nghiệp không đủ thời gian hoàn vốn, vốn vay ngân hàng chưa kịp trả hết, nên tiếp tục mắc nợ. Theo ông Danh, đây là bài học rất lớn cho các doanh nghiệp khi ít chú ý vào vai trò quản trị rủi ro, nên khi có các sự cố thì không tránh được và dễ sụp đổ.
Chia sẻ kinh nghiệm “chinh phục cơn hoảng loạn”
Từ kinh nghiệm thực tiễn đúc rút được, ông Mã Thanh Danh quyết định viết cuốn sách “Chinh phục cơn hoảng loạn”. Thông điệp bao trùm trong cuốn sách được gửi đến người đọc chính là, sự thay đổi không quan trọng, quan trọng là thái độ của mỗi người trước sự thay đổi. Trong thời điểm khủng hoảng, ai giữ được bình tĩnh, có sự phòng ngừa rủi ro, người đó sẽ giành chiến thắng.
Ông Danh nói rằng, cuốn sách này không chỉ viết về các bài học thành công, mà còn có cả những bài học thất bại, để sau khi đọc, các doanh nhân có thể áp dụng cho chính doanh nghiệp của mình nhằm tránh những thất bại mà nhiều doanh nghiệp đã gặp phải trước đó. Sau thành công của cuốn sách nêu trên, doanh nhân tiếp tục xuất bản cuốn sách thứ 2 mang tên “Cuộc khủng hoảng kế tiếp”, với mong muốn mang đến một tư duy mới để người đứng đầu các doanh nghiệp đối đầu rủi ro và tự tìm ra vắc-xin cho doanh nghiệp mình.
“Cuộc chiến trên thương trường chỉ xếp sau cuộc chiến với chọn lọc tự nhiên. Với những bài học được nêu ra trong cuốn sách, tôi hy vọng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể tự nâng tầm nhìn, tìm thấy cơ trong nguy, chứ không chỉ thấy toàn nguy cơ”, ông Danh nói về mục đích khi viết sách.
Khi được hỏi vì sao ông không giữ bí quyết của mình để đi tư vấn riêng, ông cho biết, hiện nay, các cuốn sách nói về quản trị rủi ro, đi đến thành công đa phần là của các tác giả người nước ngoài, có rất ít tác giả Việt Nam. Giải pháp và mô hình của tác giả nước ngoài dù phù hợp ở nước ngoài, nhưng có thể chưa phù hợp với các doanh nghiệp Việt. Chính vì điều này, ông muốn các doanh nhân Việt viết ra các câu chuyện thực tế, thiết thực hơn với doanh nghiệp Việt.
Cùng với đam mê viết sách, chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng, giờ đây, doanh nhân Mã Thanh Danh đang ấp ủ dự định xây dựng một viện dưỡng lão dành cho doanh nhân Việt. Theo ông, xã hội ngày càng hiện đại, các gia đình có điều kiện hơn, nhiều người lớn tuổi với tư duy đổi mới cũng có nhu cầu tìm kiếm môi trường tốt để chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt cộng đồng, gặp gỡ, giao lưu với những người đồng thế hệ của mình. Điều này sẽ giúp nâng cao tinh thần, hạnh phúc và có thêm nhiều động lực cho cuộc sống mỗi ngày.
“Viện dưỡng lão mà tôi dự kiến đầu tư không chỉ là nơi chăm sóc sức khỏe, mà còn là nơi để các doanh nhân cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để giúp ích cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Danh đặt kỳ vọng vào dự án mới.
Với kinh nghiệm đúc rút được từ thực tế trong điều hành doanh nghiệp của mình và tư vấn cho các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, ông Mã Thanh Danh đã viết và xuất bản 2 cuốn sách gồm: Chinh phục cơn hoảng loạn và Cuộc khủng hoảng kế tiếp. Thông điệp mà ông muốn đưa ra tại 2 cuốn sách này là, sự thay đổi không quan trọng, quan trọng là sự sẵn sàng thích ứng của doanh nghiệp trước sự thay đổi. Khi gặp khủng hoảng, nếu bình tĩnh xem xét tình hình, thì doanh nghiệp có thể tự tạo ra cho mình những cơ hội tốt, biến nguy thành cơ.