Doanh nhân
Doanh nhân Nguyễn Quốc Định, CEO Imexpharm: Người lao động khỏe mạnh là điều hạnh phúc nhất
Hồng Phúc - 11/02/2022 15:58
Hơn 1.200 lao động an toàn trước Covid-19 là điều khiến ông Nguyễn Quốc Định hạnh phúc nhất, bởi đó là tài sản lớn nhất, là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của CTCP Dược phẩm Imexpharm.
Doanh nhân Nguyễn Quốc Định, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm.

Vững vàng vượt qua thách thức

Từ thời điểm Việt Nam ghi nhận ca nhiễm biến chủng Delta, các phương án phòng, chống dịch liên tục thay đổi khiến hầu hết hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước bị gián đoạn, hệ thống phân phối dần rơi vào trạng thái ngừng trệ.

Là doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh dược phẩm, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (Imexpharm) không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Doanh số bán thuốc qua cả hai kênh không kê toa (OTC) và kê toa (ETC) đều bị sụt giảm nặng nề. Nếu năm 2020, tình trạng sụt giảm doanh thu chỉ diễn ra trong quý II và quý III, thì trong năm 2021, mức độ sụt giảm trầm trọng hơn và kéo dài từ nửa cuối quý II đến hết quý IV, do ảnh hưởng của các đợt giãn cách xã hội và phong tỏa trước diễn biến căng thẳng của đại dịch.

Hoạt động lưu thông hàng hóa bị gián đoạn liên tục khiến Imexpharm gặp khó khăn trong khâu phân phối. Trong khi đó, gánh nặng chi phí phòng, chống dịch do phải tổ chức sản xuất theo phương án 3 tại chỗ, 4 tại chỗ, xét nghiệm định kỳ cho người lao động làm cho chi phí sản xuất tăng cao. Không những thế, Imexpharm chỉ khai thác được tối đa 30 - 50% công suất các nhà máy. Nghiêm trọng nhất là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh, bởi đến 90% nguyên liệu dược phụ thuộc kênh nhập khẩu.

Trong hơn 23 năm đảm nhận các vị trí quản lý doanh nghiệp, trong đó có 9 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Imexpharm, dù đã không ít lần đối mặt và vượt qua những thách thức lớn, nhưng chưa bao giờ ông Nguyễn Quốc Định cùng đội ngũ phải ở trong trạng thái bất an như thời gian qua.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động sản xuất - kinh doanh trong năm 2020 khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, ngay từ quý IV/2020, ông Định đã cùng với Ban lãnh đạo Imexpharm chủ động làm việc với các nhà sản xuất, phân phối để chốt đơn hàng nguyên liệu cho cả năm 2021. Mục đích nhằm đảm bảo an toàn cho sản xuất và cung ứng hàng hóa, cũng như hạn chế rủi ro biến động giá cả nguyên liệu trên thị trường thế giới đẩy giá thành sản xuất tăng cao. 

Điều này đồng nghĩa, ông Định chấp nhận để Imexpharm đối mặt với áp lực tồn kho, đồng thời, phải giải trình với các bên liên quan về hiệu quả sử dụng vốn.

Khép lại năm 2021 với kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh khả quan, ông cùng Ban lãnh đạo Imexpharm đã ngồi lại và đánh giá, việc chủ động dự trữ nguyên liệu là quyết định đúng đắn, kịp thời để giảm thiểu được tác động từ tình trạng tăng giá nguyên liệu, góp phần ổn định giá thành sản xuất.

“Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đồng hành tài trợ vốn cho Imexpharm trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh. ADB đã cấp khoản vay 8 triệu USD bổ sung vốn lưu động cho Imexpharm nhằm duy trì sản xuất các loại thuốc Generics (thuốc có cùng hoạt chất với thuốc biệt dược gốc đã đăng ký bản quyền phát minh sáng chế - PV), giúp Công ty đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, kịp thời cho thị trường, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch”, ông Định bày tỏ.

Chính trong giai đoạn thách thức, thị trường ngưng trệ, Imexpharm cũng có cơ hội  để nhìn nhận lại chuỗi cung cầu. Ông Định đã chỉ đạo đội ngũ rà soát lại phương án sản xuất, tập trung cho những sản phẩm chủ lực, kiểm soát hiệu quả và tối ưu các chi phí hoạt động.

Theo đó, một trong những thay đổi của Imexpharm là triển khai phương thức bán hàng đa kênh, thay vì chỉ duy trì phương thức truyền thống (tiếp xúc trực tiếp).

Dịch bệnh cũng cho Imexpharm cơ hội lớn để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, khi người dân ngày càng sử dụng hình thức thanh toán chuyển khoản nhiều hơn.

“Năm 2022, chúng tôi đưa ra chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ chiết khấu thanh toán ngay nếu khách hàng thanh toán qua ngân hàng hoặc Internet banking. Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn hệ thống bán hàng, giúp hạn chế các rủi ro khi tiếp xúc với tiền mặt”, ông Định cho biết.

Kỳ vọng sức bật mới

Theo dự báo của ông Định, quý đầu năm 2022 tiếp tục là giai đoạn khó khăn với các doanh nghiệp, khi biến chủng mới của Covid-19 vẫn còn là ẩn số. Nhưng, những trải nghiệm trong một năm thử thách vô cùng khắc nghiệt như 2021 đã tạo ra nhiều bài học quý giá cho cả các cơ quan nhà nước, các nhà hoạch định chính sách cũng như người dân và doanh nghiệp. Theo đó, các giải pháp phòng, chống dịch sẽ được thực hiện linh hoạt hơn, phù hợp hơn.

“Tôi tin rằng, tình hình kinh doanh của Imexpharm trong thời gian tới sẽ có những cải thiện nhất định so với năm vừa qua”, ông Định nói. Chủ tịch Imexpharm cũng đồng thời bày tỏ kỳ vọng từ việc mở lại đường bay quốc tế sẽ giúp Nhà máy Dược công nghệ cao Bình Dương (IMP4) - dự án trọng điểm của Imexpharm sớm đi vào hoạt động sau quãng thời gian dài trễ hẹn.

Imexpharm đã hoàn tất quy trình sản xuất, số đăng ký sản phẩm, vận hành thiết bị ổn định… để sẵn sàng đón chuyên gia từ châu Âu sang xét duyệt tiêu chuẩn EU-GMP (tiêu chuẩn Thực hành sản xuất tốt - EU). Tuy nhiên, năm 2021, việc này vẫn chưa thực hiện được, bởi khi dịch bệnh ở châu Âu tạm lắng, thì tại Việt Nam, tình hình biến chuyển ngược lại.

Ban lãnh đạo Imexpharm hy vọng, quá trình xét duyệt EU-GMP cho Nhà máy IMP4 sẽ được thực hiện trong nửa cuối quý I/2022. Nếu tình hình thuận lợi, nhà máy có tổng giá trị đầu tư hơn 475 tỷ đồng, đã được cấp chứng nhận WHO-GMP từ cuối năm 2019 có thể đi vào sản xuất từ nửa cuối năm nay.

Ông Định cho biết, Nhà máy IMP4 là dự án được đầu tư lớn nhất của Imexpharm với kỳ vọng tạo sức bật mạnh mẽ về doanh thu của kênh ETC, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào mảng đấu thầu thuốc nhóm 1 và nhóm 2, đồng thời giúp Imexpharm tăng cường năng lực cạnh tranh trước sự gia nhập ngày càng mạnh mẽ của thuốc ngoại vào thị trường nội địa.

Có thể, trong Báo cáo thường niên năm 2021 sắp được công bố, một lần nữa, Ban lãnh đạo Imexpharm sẽ tiếp tục ghi nhận điểm thành công nhất mà họ đã đề cập và nhấn mạnh trong Báo cáo thường niên một năm trước. Đó là, không chỉ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn, mà còn là bảo vệ từng thành viên của “ngôi nhà” Imexpharm an toàn trong đại dịch.

“Năm vừa qua, điều tôi hạnh phúc nhất là ở trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng Imexpharm vẫn bảo vệ được đội ngũ hơn 1.200 người, không có sự mất mát nào. Đó cũng là điều thành công nhất của Imexpharm”, ông Định tâm sự. Chủ tịch Imexpharm tin tưởng, đội ngũ nhân lực - tài sản lớn nhất của doanh nghiệp nhất định sẽ trở thành nguồn lực vững chãi nhất để bảo vệ “ngôi nhà” Imexpharm trước những cơn sóng lớn và viết tiếp những câu chuyện thành công.

Imexpharm và kế hoạch M&A

Trong Báo cáo thường niên năm 2020, Imexpharm đã dự báo, xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Theo ông, đối với ngành dược, xu hướng này sẽ diễn biến như thế nào trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

Xu hướng M&A trong ngành dược sẽ phát triển mạnh, khi Việt Nam không còn theo đuổi chiến lược “zero Covid” và các nhà đầu tư nước ngoài đang bắt đầu trở lại Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Do tác động tiêu cực của Covid-19, những đơn vị không có tiềm lực mạnh khó có thể gượng dậy trong thời gian tới và trở thành đối tượng cho các thương vụ M&A. Đặc biệt, đối với ngành dược, các tập đoàn đa quốc gia đều đã có kinh nghiệm, có bí quyết về công nghệ, có bản quyền sáng chế và sẽ chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất, nên xu hướng M&A sẽ càng mạnh mẽ.

Imexpharm có kế hoạch M&A không, thưa ông?

Từ năm 2006, Imexpharm đã tham gia thị trường M&A với việc mua lại Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười. Công ty cũng đang có những tính toán chiến lược cho giai đoạn tới.

Ông quan niệm thế nào là một thương vụ M&A thành công?

Với chúng tôi, M&A không đơn thuần là 1 cộng 1 bằng 2. Thành công của một thương vụ M&A phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là con người và văn hóa doanh nghiệp giữa 2 bên.

Vậy mối hợp tác giữa Imexpharm và SK Investment Vina III Pte. Ltd. là phép tính 1 + 1 bằng mấy, thưa ông?

Hiện SK giữ vai trò nhà đầu tư vốn vào Imexpharm, còn xét về chiến lược lâu dài, thì cần có thêm thời gian. Hai bên cũng khá tương đồng về văn hóa doanh nghiệp, sản phẩm và thị trường. Do đó, sự hợp tác được kỳ vọng sẽ phát huy thế mạnh của cả hai bên. Gần đây, HĐQT Imexpharm đã xin ý kiến của cổ đông về việc miễn chào mua công khai cho SK Investment Vina III nâng tỷ lệ nắm giữ tại Imexpharm lên 46,47% thông qua việc mua lại từ các cổ đông ngoại khác.

SK rất nóng lòng muốn qua Việt Nam để gặp gỡ, làm việc trực tiếp; chúng tôi cũng đang rất muốn sang Hàn Quốc để tìm hiểu và đánh giá đối tác. Trong tương lai, sau khi hai bên làm việc kỹ lưỡng, chúng tôi sẽ đưa ra định hướng hợp tác cũng như chiến lược phát triển cụ thể.
Tin liên quan
Tin khác