- Ngọc Hồ, Nhà sáng lập Maison De Bijoux: Thương hiệu kim cương “thuần Việt” sẽ tỏa sáng
- Doanh nhân Dave Bùi, Nhà sáng lập AhaSlides: “Đem chuông đi đánh xứ người” bằng phần mềm make in Vietnam
- Tô Anh, Nhà sáng lập Limu Paletas: Rẽ hướng khởi nghiệp với kem trái cây tươi
- Đại học Luật Hà Nội sẽ mở cơ sở 2 ở Bắc Ninh
Doanh nhân Phạm Văn Hưởng, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư GFI. |
Đón đầu làn sóng mới
Nổi tiếng với vai trò “người anh” trong làng blockchain, song ít ai biết, doanh nhân Phạm Văn Hưởng khởi nghiệp với một doanh nghiệp nhựa tại Bình Dương từ năm 2009. Khoảng thời gian sau đó, công việc kinh doanh của anh khá ổn định.
Tuy nhiên, là một người yêu công nghệ, luôn thích học tập, thử sức với những điều mới, anh Hưởng không muốn công việc và cuộc sống của mình cứ diễn ra đều đều, bình lặng... Năm 2015, anh bắt đầu nghiên cứu về công nghệ blockchain.
Sau một thời gian dài nghiên cứu kỹ lưỡng các dự án tiềm năng, đến đầu năm 2016, anh Hưởng bắt đầu rót vốn đầu tư vào blockchain. Trong thời gian ngắn, danh mục đầu tư của anh tăng trưởng nhảy vọt với mức lợi nhuận đạt hơn 3.300%, gấp hơn 33 lần tổng vốn đầu tư. Đây là nền móng vững chắc để doanh nhân Phạm Văn Hưởng tấn công vào thị trường số.
Trong quá trình đầu tư, tìm hiểu, anh Hưởng đã nhìn ra tiềm năng sâu rộng của công nghệ blockchain với xu hướng chuyển đổi số của hầu hết các lĩnh vực trong tương lai, từ các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đến y tế, giáo dục, quản trị…
“Những dự án có mô hình kinh doanh tiềm năng, dòng tiền rõ ràng, thị trường lớn, đội ngũ nhân lực được trang bị nền tảng kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn, có tư duy tốt và cởi mở sẽ luôn là ưu tiên của Quỹ đầu tư GFI”, anh Hưởng nói.
“Blockchain có thể nói là cơ sở dữ liệu, là nền tảng cho chuyển đổi số, xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp, nên tiềm năng của thị trường này trong tương lai là vô cùng lớn, do còn rất mới ở Việt Nam”, doanh nhân Phạm Văn Hưởng nhận định.
Bởi vậy, đến giữa năm 2018, khi thị trường tiền mã hóa có những biến chuyển không mấy tích cực khiến một lượng lớn nhà đầu tư rời đi, anh Hưởng vẫn kiên trì nghiên cứu và đầu tư sâu hơn nữa.
Tuy nhiên, lúc này, anh cũng tự đặt câu hỏi, tại sao lại dùng tiền của mình đầu tư cho các dự án nước ngoài, mà không thu hút dòng tiền của nước ngoài về đầu tư vào các dự án khởi nghiệp ở Việt Nam, đầu tư cho nguồn nhân lực ở trong nước để thúc đẩy lĩnh vực blockchain đầy tiềm năng này phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, đưa Việt Nam đứng trong top các nước phát triển về lĩnh vực công nghệ mà từ trước đến nay chúng ta chưa từng có cơ hội.
Nghĩ là làm, đầu năm 2019, Phạm Văn Hưởng cùng các cộng sự thành lập Quỹ đầu tư Golden Finance Solutions (GFS). Cuối năm 2022, GFS chính thức đổi tên thành Golden Financial Innovation (GFI), hoạt động với quy mô vốn đầu tư 50 triệu USD.
GFI tập trung vào việc đầu tư, tư vấn, cố vấn và ươm mầm cho các dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực Web 3.0 (ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI với các ứng dụng và tương tác dành cho người dùng linh hoạt hơn). Bên cạnh đó, GFI còn có các chương trình đào tạo lập trình trong lĩnh vực blockchain và gia công phần mềm, marketing trong lĩnh vực Web 3.0. Có thể nói, đây là nền móng cho chặng đường đầu tư, kinh doanh của doanh nhân Phạm Văn Hưởng.
Quỹ đầu tư GFI đã ký kết hợp tác với nhiều trường đại học nhằm tổ chức các lớp đào tạo cung cấp kiến thức về lĩnh vực blockchain cho các bạn sinh viên có mong muốn phát triển trong ngành nghề này. |
“Phải đi mới thành đường”
Khi doanh nhân Phạm Văn Hưởng nghiên cứu và đầu tư vào công nghệ blockchain, lĩnh vực này vẫn còn rất mới ở Việt Nam. Anh đã gặp không ít khó khăn, vấp ngã do thiếu kiến thức và kinh nghiệm, thậm chí từng thất bại do nhận định sai tiềm năng của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, hơn ai hết, anh hiểu sâu sắc về sự quan trọng của việc tích lũy nền tảng kiến thức trong kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh trong lĩnh vực blockchain. Coi những lần vấp ngã trong quá khứ là bài học kinh nghiệm, Hưởng không ngừng học tập, tích lũy nền tảng kiến thức.
“Thành công sẽ trọn vẹn khi tạo giá trị cho cộng đồng”
- Doanh nhân Phạm Văn Hưởng
Triết lý trong kinh doanh của anh?
Theo tôi, kiến thức là chìa khóa của thành công và thành công sẽ trọn vẹn khi mình tạo ra được nhiều giá trị cho cộng đồng và xã hội, chứ không chỉ cho bản thân mình. Đây cũng là một trong 5 giá trị cốt lõi của GFI, bao gồm tri thức - tử tế - sáng tạo - trách nhiệm xã hội - thịnh vượng.
Được biết, anh có một “người cộng sự” rất đặc biệt…
Vợ tôi, doanh nhân Riley Trần, cũng là người đồng sáng lập GFI. Riley là người rất tâm lý, đồng quan điểm với tôi trong công việc, cuộc sống và nuôi dạy con cái, nên luôn là hậu phương vững chắc để tôi tập trung phát triển sự nghiệp. Giai đoạn khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc, nhưng cô ấy luôn tin tưởng và động viên tôi tiếp tục hành trình.
Riley còn là một cộng sự tuyệt vời, bổ khuyết cho những hạn chế của tôi để tăng thêm sức mạnh cho Công ty...
Anh có thể chia sẻ bí quyết để cân bằng giữa cuộc sống đời thường và công việc kinh doanh?
Ban đầu, tôi rất “cuồng” công việc và hay bị vợ “nhắc nhở khéo” về việc quan tâm tới gia đình. Sau khi có con, tôi nhận thấy rõ, mình phải dành thời gian chăm sóc và dạy dỗ con, vì con cái mới chính là “tài sản” lớn nhất của cha mẹ, nên tôi đã xây dựng thời khóa biểu rõ ràng cho công việc và gia đình.
Ngoài ra, để cân bằng tốt cuộc sống và công việc, tôi cũng đã xây dựng Công ty theo quy trình bài bản và có đội ngũ quản lý đủ năng lực để vận hành công việc trong những lúc không có mình, nên tôi vẫn có thời gian dành cho gia đình và bạn bè.
Năm 2021, anh cùng người cộng sự, GS. Đinh Ngọc Thạnh, giảng dạy tại Đại học Soongsil (Hàn Quốc) thành lập Vietnam Blockchain
Innovation Lab (VBI). VBI tập hợp gần 100 giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên… đầu ngành đang làm việc ở nhiều nước trên thế giới để chia sẻ kiến thức chuyên môn và đào tạo lập trình viên blockchain bài bản cho nhiều loại ngôn ngữ lập trình, như Java Script, Solidity, Rust, Move, Go...
Với GFI và VBI, doanh nhân Phạm Văn Hưởng kỳ vọng có thể hỗ trợ tối đa cho các lập trình viên trẻ có cơ hội tiếp cận thị trường blockchain, giúp các bạn trẻ có môi trường học tập chuyên sâu để có thêm cơ hội nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp trong thị trường blockchain.
Không dừng lại ở đó, doanh nhân Phạm Văn Hưởng còn liên kết với hơn 10 trường đại học lớn trên cả nước, như Trường đại học Tôn Đức Thắng, Trường đại học Bách khoa và Trường đại học Công nghệ thông tin (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM)… tổ chức những khóa học cung cấp kiến thức về lĩnh vực blockchain cho các bạn sinh viên có mong muốn phát triển trong ngành nghề này.
“Phải đi mới thành đường. Vì nếu chờ để phát triển các khóa học này thành các ngành đào tạo chính quy sẽ mất rất nhiều thời gian, khoảng vài năm. Tuy nhiên, thị trường blockchain nói riêng và thị trường công nghệ nói chung có sự dịch chuyển rất nhanh. Nếu chúng ta không bắt tay vào học và làm ngay lập tức, thì sẽ bị chững lại so với thế giới”, doanh nhân Phạm Văn Hưởng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Ngoài ra, sau khi đào tạo lập trình, anh còn tổ chức các cuộc thi Hackathon với giải thưởng từ hàng chục triệu đồng đến vài tỷ đồng để các học viên có điều kiện thực hành sau quá trình học tập, từ đó được trau dồi kinh nghiệm, phát huy khả năng làm việc nhóm, phát triển những ý tưởng đổi mới sáng tạo…
Anh Hưởng cho biết, đến nay, VBI đã tổ chức hơn 18 khóa đào tạo lập trình và hơn 15 cuộc thi lập trình với quy mô 100 - 500 người dự thi dành cho học viên các khóa học. Các lập trình viên trẻ sau khi được đào tạo sẽ trực tiếp thực hành, áp dụng kiến thức trong cuộc thi này để xây dựng những sản phẩm, ứng dụng hoặc các công cụ phần mềm cho lĩnh vực blockchain và Web 3.0. Mỗi cuộc thi như vậy, các lập trình viên trẻ sẽ nhận được các giải thưởng với giá trị 30 - 120 triệu đồng.
Đặc biệt, vào tháng 9/2023, doanh nhân Phạm Văn Hưởng cùng GFI sẽ tổ chức cuộc thi lập trình lớn nhất từ trước tới nay với giải thưởng lên tới hơn 2,5 tỷ đồng. Anh mong muốn thông qua cuộc thi này, sẽ thu hút thật nhiều dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain, tạo môi trường cho các bạn trẻ sáng tạo, trau dồi kinh nghiệm, hoàn thiện các ý tưởng để xây dựng các dự án khởi nghiệp chất lượng.
Không những vậy, các học viên tham gia cuộc thi còn có điều kiện tiếp cận với các lãnh đạo trong ngành để cập nhật tiến bộ công nghệ, kết nối với dự án kỳ lân trong ngành để học hỏi bí quyết thành công, gặp gỡ trực tiếp các quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới để nắm rõ các quy trình gọi vốn và hoàn thiện sản phẩm về sau.
“Như vậy, mới có thể thu hút dòng vốn quốc tế về thúc đẩy việc phát triển lĩnh vực blockchain ở Việt Nam một cách mạnh mẽ và chất lượng hơn, để có thể định danh Việt Nam trên bản đồ blockchain thế giới trong những năm tới”, doanh nhân Phạm Văn Hưởng bày tỏ.