- Doanh nhân Đỗ Quang Hiển: “Tôi luôn tự hỏi đã làm gì cho Tổ quốc!”
- Doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco: Thành công chỉ đến với người có khát vọng, có quyết tâm, có lao động
- [Emagazine] Doanh nhân Gabor Fluit: Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp nước ngoài
- [Emagazine] Doanh nhân Vũ Mạnh Hùng: Người thủ lĩnh doanh nghiệp phải quyết đoán và quyết nhanh
Ông Võ Quang Huệ hiện là Tổng giám đốc Công ty tư vấn VOCIS, từng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup và Tổng giám đốc Bosch Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn |
Hai lần lái thử xe ở Việt Nam
Ngày 3/6/2018, 3 ngày trước lễ đón chiếc xe ô tô made by VinFast đầu tiên, trên đường thử xe tại Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast ở Cát Hải (Hải Phòng), ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Vingroup phụ trách giám sát đề án VinFast đã lái chiếc Lux SA 2.0 đầu tiên sản xuất cho giai đoạn thử nghiệm dây chuyền.
Là người từng theo khóa học lái đặc biệt trên đường thử xe BMW tại Ismaning, gần Munich (Đức), có kinh nghiệm lái thử, nhưng ông không tránh khỏi hồi hộp khi tăng ga, quẹo và thắng gấp…
“Tôi đã đọc các báo cáo của Magna Steyr (công ty 120 năm kinh nghiệm, đã gia công sản xuất 32 mẫu xe cho 11 công ty, trong đó có Mini Cooper, Mercedes Benz G63) và AVL (công ty lâu đời trong nghiên cứu và phát triển các động cơ và hệ thống truyền lực cho các hãng ô tô trên thế giới). Họ đã chạy thử chiếc xe này một cách bài bản, gồm kiểm tra ở các thời tiết, nhiệt độ khác nhau, ra kết quả rất tốt. Nhưng, tôi muốn chính tay tôi lái”, ông Huệ kể lại thời khắc đặc biệt không chỉ với cá nhân ông.
Đây là lần thứ hai ông lái thử xe ở Việt Nam. Lần đầu vào cuối năm 1994, trên con đường mới mở từ Hà Nội lên Hòa Bình, ông đã lái chiếc BMW 520i đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam trong sự hưng phấn và hạnh phúc tràn ngập.
“Tôi từng tự hỏi, BMW làm xe ở Hà Nội thì bán cho ai”, ông Huệ nhớ lại.
Sinh ra ở miền Nam, chỉ biết đến Sài Gòn, ra nước ngoài từ những năm còn chiến tranh, ông Huệ về Việt Nam vào đầu năm 1994 trong vai trò quản lý dự án của BMW tại Công ty liên doanh Ô tô Hòa Bình (VMC - liên doanh của Việt Nam và Philippines). Khi đó, Hà Nội chỉ có khách sạn Metropole đạt chuẩn 5 sao quốc tế. Nhiều con đường của Thủ đô chưa có đèn điện. Sân bay Nội Bài chỉ có 1 đường băng duy nhất. Trong quyết định thực hiện đề án lắp ráp xe tại Việt Nam, BMW dự kiến khiêm tốn bán 300 xe/năm, nhưng thực tế lúc ấy họ chỉ bán được một nửa.
Còn lần thử xe sau 19 năm này, hàng chục ngàn khách hàng đã đăng ký mua xe VinFast khi mới thấy hình vẽ của chiếc xe và nhà máy vẫn trong quá trình xây dựng, tuyển dụng nhân sự. Việt Nam đã là thị trường hấp dẫn hàng đầu khu vực ASEAN của các hãng xe với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu.
Hơn thế, suốt 22 tháng kể từ khi động thổ khởi công xây dựng Nhà máy VinFast tại Hải Phòng, ông đã nhận được nhiều lời bàn ra từ cả người quen trong nước và nước ngoài. Nào là “chuyện không tưởng, sao mà ra xe mới được sau 2 năm” hay là “làm sao được khi Việt Nam chưa sản xuất nổi đinh ốc”… Nhiều người bạn còn lo cho ông sau khi đã đạt đỉnh cao sự nghiệp tại Bosch Việt Nam. Ông đã yên lặng, không tham gia bất cứ cuộc thảo luận nào.
“Nhiều người không hiểu rằng, chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành ô tô đã hình thành từ lâu, quan điểm phải làm tất cả đã lỗi thời”, ông Huệ chia sẻ.
Ngày nay, các hãng sản xuất ô tô tập trung nhiều hơn vào thiết kế kiểu dáng riêng, xây dựng năng lực cốt lõi nhằm tích hợp công nghệ mới và sản phẩm, giảm chí phí và quảng bá thương hiệu. Không có hãng nào tự sản xuất tất cả linh kiện. Các công ty ô tô trên thế giới như BMW phải luôn nghiên cứu, tìm ra các giải pháp mới để giảm độ sâu sản xuất, không ngừng chuyển giao ra ngoài làm khi kiếm được các đối tác cung cấp linh kiện, cụm linh kiện với giá rẻ hơn mà cùng chất lượng, thậm chí tốt hơn…
Dù vậy, ông thừa nhận, câu chuyện 22 tháng của VinFast với tất cả người trong cuộc là một kỳ tích. Từ kịch bản ra xe, chọn lựa các công nghệ và phát triển các dòng xe mới Lux 2.0 và SA 2.0; từ thiết kế đến xây dựng nhà máy, từ thương thảo hợp đồng đến vận chuyển hàng ngàn container máy móc, thiết bị đến Hải Phòng rồi lắp ráp, xếp đặt các dây chuyền sản xuất; rồi tuyển dụng, đào tạo, chuẩn bị cho vài ngàn công nhân làm việc…
“Tôi từng nói với báo chí rằng, yếu tố quan trọng nhất để có kỷ lục đó là quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tập đoàn. Không ở đâu mà có ngày tôi họp 2 lần với chủ tịch tập đoàn, một tuần họp vài ngày như vậy. Cũng không có công ty nào trên thế giới mà tôi xin ý kiến chủ tịch thì chỉ 1-2 hay 5 phút sau đã nhận được phản hồi. Với tinh thần như vậy của người lãnh đạo, đội ngũ hoàn toàn có thể vượt qua giới hạn”, ông Huệ nói.
Đội ngũ mà ông nhắc đến không chỉ là những người Việt, mà có khoảng 180 người nước ngoài đã rời gia đình đến VinFast.
“Tôi đã lái xe như ôm con vào lòng, vô cùng hạnh phúc”, ông Huệ nhớ lại cảm xúc ngày hôm đó. Tại VinFast, giấc mơ làm ô tô “made in Vietnam” của chàng thanh niên Võ Quang Huệ khi quyết định du học ngành ô tô của Đức để về Việt Nam mở hãng ô tô thương hiệu Việt vào năm 1970 đã thành hiện thực.
We can do it - người Việt có thể
Đường dài đi giữa Trường Sơn/ Nghe vọng bài ca đất nước/ Đất nước/ Bốn ngàn năm không nghỉ/ Những đạo quân song song cùng lịch sử/ Đi suốt thời gian, đi suốt không gian… Ôi Tổ quốc mà ta yêu quý nhất…
Ông Huệ đã ngâm bài thơ “Chúng con chiến đấu cho người sống mãi Việt Nam ơi” của tác giả Nam Hà trong một ngày cuối tháng 4/2017, buổi làm việc cuối cùng của ông tại Bosch Việt Nam để chuyển sang Vingroup, sau 10 năm gây dựng, phát triển và gắn bó, giữa những cộng sự thân tình.
Trích cuốn “Dặm đường tôi đi - Hành trình từ BMW, Bosch đến VinFast” của tác giả Võ Quang Huệ
“Tôi đã khóc. Nhiều cộng sự của tôi cũng khóc. Tôi cảm nhận được sâu xa trong mỗi con người đều có lòng yêu nước thầm lặng, theo cách riêng. Họ hiểu vì sao tôi cứ quần quật với khó khăn, kéo thêm việc về. Với tôi, trở về Việt Nam làm việc ở Bosch là cơ hội để thực hiện một phần giấc mơ hòa bình và tham gia tái thiết đất nước ở tuổi thanh niên, khi chúng tôi có mặt trong phong trào phản chiến ở Tây Đức”, ông Huệ nói. Đây là lần đầu ông nhắc đến việc này.
So với gần cả cuộc đời làm việc ở nước ngoài, thì với ông, việc vận động Bosch chuyển kế hoạch đặt nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam với sáng kiến Trung Quốc +1 vào năm 2008, rồi phát triển Bosch Việt Nam đạt được hệ thống toàn trình (end-to-end), vừa sản xuất, vừa kinh doanh, sau này thêm cả bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D), tạo việc làm cho người lao động Việt Nam… là hạnh phúc không thể đong đếm. Cho đến nay, tại Việt Nam, duy nhất Bosch Việt Nam là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đạt được hệ thống như vậy.
“Các giải pháp về hệ điều hành Bosch với các phần mềm nhúng cho xe VinFast, đặc biệt là các dòng xe Lux A 2.0, Lux SA 2.0 và President là thành quả của các kỹ sư Việt tại eTown”, ông Huệ tự hào chia sẻ thông tin.
eTown tại TP.HCM là điểm đặt trụ sở chính của Bosch Global Software Technologies (Trung tâm Công nghệ và Phần mềm đầu tiên của Tập đoàn Bosch tại Đông Nam Á). 13 năm trước, ông Huệ là người đề nghị và thúc đẩy việc chọn TP.HCM làm nơi Bosch đầu tư cho công nghệ phần mềm, với mục tiêu khởi đầu là cánh tay nối dài của Công ty mẹ nằm ở Bangalore (Ấn Độ). Hiện tại, hơn 4.000 tiến sỹ, kỹ sư trong nước và các chuyên gia nước ngoài làm việc tại đây, khoảng 2/3 trong số họ đang nghiên cứu và phát triển các giải pháp như hệ thống lái xe tự động, cung cấp các giải pháp cho các tập đoàn ô tô tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên toàn cầu. Nghĩa là, nhiều đề án đã được chính các kỹ sư Việt Nam trực tiếp điều hành và thực hiện.
“Sự phát triển của Trung tâm đã chứng minh quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm R&D của Bosch là đúng đắn. Chưa biết khi nào nơi đây có 10.000 , 20.000, rồi 30.000 kỹ sư, nhưng tôi tin, con số mục tiêu 6.000 kỹ sư mà Bosch đề ra để đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2025 sẽ đạt được”, ông Huệ nói.
Thực ra, khi ông và Tổng giám đốc đầu tiên của Trung tâm là ông Sudhakar Kunte, người Ấn Độ thực hiện dự án, họ muốn chứng minh “We can do - người Việt có thể” làm R&D giỏi, thậm chí cho ngành ô tô, nhưng lo ngại về nguồn nhân lực khá lớn. Ông Huệ kể, khi đó đã rất vất vả đi gặp cơ quan chức năng để giới thiệu đề án, đến các trường đại học tìm kiếm nguồn nhân lực tương lai… và tìm mọi cách thuyết phục Tập đoàn. Cũng may là, lợi thế biết tiếng Đức so với các tổng giám đốc trong khu vực và ý thức tranh thủ mọi cơ hội để giới thiệu về Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ Việt Nam năng động, ham học… đã khiến ông “gầy duyên” được cho các đề án mới.
Tình hình nay đã khác. Ông rất tự tin khi nói về các kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học có tiếng trong nước. Nhưng, môi trường làm việc phù hợp để đào luyện họ lại là vấn đề làm ông suy nghĩ. Vì để thành lập những trung tâm R&D như của Bosch đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực cùng với các yếu tố hợp lực khác, nhất là việc xây dựng tư duy và văn hóa công ty với những giá trị nền tảng cho sáng tạo và phát triển bền vững ngay từ đầu…
“Tôi hy vọng các công ty lớn, trung bình của Việt Nam có một bộ phận R&D, hợp tác được với các đại học, viện nghiên cứu, trở thành nguồn sáng tạo phát triển các sản phẩm mới, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất...”, ông Huệ nói.
Đó sẽ là nền tảng vững vàng để Việt Nam theo kịp và cùng nhịp với các nước phát triển.
Dặm đường đi tới
Nhìn lại chặng đường đã qua, nhất là gần 1.000 ngày lăn xả tại VinFast, ông Huệ nhiều khi không hiểu tại sao có nhiều năng lực tích cực thế. Nhưng ông chắc chắn là đã dành cho đề án “Mãnh liệt tinh thần Việt” này tất cả tinh túy cá nhân, kinh nghiệm tích lũy từ 4 lần “start-up thuê” trước đó.
Ông đã viết những dòng này trong cuốn “Dặm đường tôi đi - Hành trình từ BMW, Bosch đến VinFast”, sẽ ra mắt trong năm nay, năm Giáp Thìn, năm tuổi của ông, để hồi tưởng buổi ban đầu, nơi ông đã xuất phát, nơi từng đến và từng rời đi.
Nhưng con đường phía trước cũng đã thành hình ngay sau quyết định rời VinFast vào năm 2020, khi Công ty đã hoàn thành những dòng xe đầu tiên, với 4 dòng xe xăng, 3 dòng xe máy điện, được thị trường đánh giá cao. Đó là mong muốn đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI, Data cho toàn cầu…
Kế hoạch này đã bắt đầu với việc ông tham gia Hội đồng Trường Đại học Việt Đức (VGU), các hoạt động thúc đẩy, giáo dục nghề qua hợp tác với GIZ và AHK. Ông cũng đang tiến hành tư vấn, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công ty và kết nối với các đối tác quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam, các start-up trong lĩnh vực công nghệ và đặc biệt là giới trẻ.
Trên dặm đường tới đây của ông, hẳn sẽ có thêm câu chuyện về những người trẻ Việt…