Doanh thu bán hàng của Vinacafé Biên Hoà giảm mạnh trong nửa đầu năm 2021. |
Lợi nhuận giảm 40% vì thu hẹp doanh thu và giá nguyên liệu tăng
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hoà kỳ này chỉ đạt gần 805 tỷ đồng, tương đương thu về hơn 4,4 tỷ đồng mỗi ngày. Con số trên thấp hơn 30% so với nửa đầu năm 2020.
Cùng đó, biên lợi nhuận gộp cũng giảm khá. Mỗi 100 đồng doanh thu kỳ trước mang về 29,1 đồng lợi nhuận gộp, nhưng kỳ này chỉ mang về 25 đồng. Chi phí cho nguyên vật liệu, yếu tố đầu vào chiếm trên 80% giá vốn hàng bán, giảm chậm hơn tốc độ giảm của doanh thu. Tương tự khá nhiều nông sản, giá hạt cà phê cũng tăng mạnh. Giá hợp đồng kỳ hạn cà phê arabica trên sàn liên lục địa (ICE) hiện cao gấp rưỡi thời điểm một năm trước.
Lợi nhuận gộp Vinacafé Biên Hoà xấp xỉ 200 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất cho cổ đông công ty mẹ đạt 157 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021, công ty đề ra hai kịch bản kinh doanh, trong đó mức thận trọng hơn là 2.900 tỷ đồng doanh thu và 710 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty. Với kết quả trên, hãng đồ uống này mới chỉ hoàn thành gần 28% mục tiêu doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận.
Nếu không có sự cải thiện mạnh ở nửa cuối năm 2021, Vinacafé Biên Hoà sẽ có năm thứ ba liên tiếp thu hẹp quy mô doanh thu. Với dòng sản phẩm chính mang nhãn hiệu Vinacafé, Wakeup và đặc biệt Nước tăng lực vị cà phê Wake up Coffee 247 và các sản phẩm ngũ cốc, công ty có chỗ đứng trong ngành đồ uống.
Tuy nhiên, các năm gần đây, thị trường tiêu dùng về ngành đồ uống cà phê khá sôi động, với nhiều dòng sản phẩm ra mắt từ cà phê nguyên chất, hữu cơ, cà phê có hạnh nhân, sữa dừa, cà phê viên nén… Tình hình xuất khẩu khó khăn do đại dịch cũng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê trong năm 2020 chuyển hướng sang đẩy mạnh thị trường tiêu thụ.
Bất chấp xu hướng giảm của doanh thu, tỷ suất lợi nhuận của Vinacafé Biên Hoà các năm gần đây đều cải thiện. Theo lãnh đạo công ty, điều này có được nhờ tối ưu hóa các chi phí bằng việc thực hiện và đẩy mạnh cải tiến trong sản xuất. Tuy nhiên, biến động khó lường của giá nguyên liệu có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến biên lợi nhuận năm nay.
Đầu tư thêm 170 tỷ đồng vào Café de Nam
Đến cuối quý II/2021, quy mô tài sản của hãng đồ uống này đạt 2.065 tỷ đồng. Tháng 1/2021, công ty đã mua thêm 17 triệu cổ phần phát hành mới của công ty con Café De Nam (CDN), nâng tỷ lệ sở hữu lên 97,77%. Vốn điều lệ của CDN tăng vọt lên gần 200 tỷ đồng với hoạt động kinh doanh chính vẫn là sản xuất cà phê, bán máy pha cà phê, cụ thể gồm kinh doanh phin điện và viên rang xay.
Ngoài khoản đầu tư mới trên, Vinacafé Biên Hoà còn chi 920 tỷ đồng là số tiền đặt cọc trong hợp đồng hợp tác kinh doanh từ giữa năm 2020. Các bên thứ ba cam kết mức tỷ suất lợi nhuận tối thiểu trên số tiền đã đặt cọc là 6,5%/năm. Tại ngày 30/6, khoản lãi dự thu là hơn 53 tỷ đồng.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh chính, tồn kho công ty cuối quý II xấp xỉ 285,5 tỷ đồng, nhỉnh hơn thời điểm đầu năm. Các tài sản cố định gồm nhà xưởng máy móc đã khấu hao được trên 60%, hiện giá trị còn lại ghi nhận trên sổ sách là 434 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, Vinacafé Biên Hoà chủ yếu sử dụng nguồn vốn tự có. Trong nửa đầu năm, công ty còn giảm lượng tiền vay tại ngân hàng. Nguồn vốn từ lợi nhuận chưa phân phối là 1.144 tỷ đồng, đóng góp chính vào nguồn vốn chủ sở hữu cũng như tổng nguồn vốn của công ty. Vốn điều lệ của công ty tiếp tục duy trì ở mức 266 tỷ đồng.
Với số lượng cổ phiếu lưu hành khá khiêm tốn, Vinacafé Biên Hoà là một trong những doanh nghiệp có thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu (EPS) lớn nhất trên sàn chứng khoán nhiều năm nay. Sự sụt giảm của lợi nhuận vừa qua khiến EPS 6 tháng giảm còn 5.909 đồng, trong khi cùng kỳ đạt 9.797 đồng. Cổ phiếu VCF đang niêm yết trên sàn HoSE với mức giá đóng cửa phiên 20/8 là 235.500 đồng/cổ phiếu. Cổ đông lớn nhất của Vinacafé Biên Hoà là Công ty TNHH MTV Masan Beverage (MSB) - công ty con do Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (MCH) sở hữu 100% vốn điều lệ và cũng là đơn vị thành viên của Tập đoàn Masan (MSN).