Đều liên tục 4 nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc và đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đều cho rằng, đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp chính là động lực để Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa.
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, kể từ khi Quốc hội ứng dụng công nghệ, người dân không giám sát được đại biểu của mình khi biểu quyết. Ảnh: N.L |
Tác động sâu sắc, toàn diện
Hơn một tháng nữa, vào kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối của nhiệm kỳ, Quốc hội khoá XIV sẽ xem xét hoạt động của chính mình trong cả nhiệm kỳ.
Nhìn về khối lượng, 72 luật và bộ luật, 135 nghị quyết được thông qua, 7 chuyên đề được giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm, tiến hành chất vấn hầu hết các thành viên Chính phủ..., thì một chữ “lớn” có lẽ không chuyển tải hết được công việc Quốc hội đã làm trong 5 năm qua.
Nói riêng về công tác lập pháp - nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội, theo dự thảo báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIV đang được gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, trong 72 đạo luật được Quốc hội nhiệm kỳ này thông qua, có những đạo luật giữ vị trí, vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật, có những luật hoặc chính sách mới lần đầu tiên được ban hành, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống kinh tế - xã hội, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Ví như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Phòng, chống tham nhũng…
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận xét, đầu năm 2021, có nhiều đạo luật mới, trong đó có 3 luật rất quan trọng về đầu tư kinh doanh là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư có hiệu lực, chắc chắn sẽ là điểm tựa vững chắc hơn cho nền kinh tế đang ở giai đoạn rất nhạy cảm này.
Còn theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, nhiệm kỳ này, các cơ quan trình và được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật rất quan tâm đến kiến nghị của các đại biểu Quốc hội, kể cả ý kiến từ nhiệm kỳ trước, nên đã có nhiều đạo luật nhanh chóng đi vào đời sống và có hiệu quả ngay, như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Một đạo luật nữa, theo bà Khánh, cũng tạo được dấu ấn nổi bật trong nhiệm kỳ này, đó là Luật Bảo vệ môi trường. “Trên cương vị Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường từ nhiệm kỳ khoá XI, tôi thấy, Luật Bảo vệ môi trường mới được thông qua tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội có tinh thần rất đổi mới, đột phá, vì sự phát triển bền vững của đất nước, chứ không duy ý chí như trước nữa”, bà Khánh trao đổi.
Động lực để thay đổi
Là đại biểu hiếm hoi có sáng kiến lập pháp về Luật Hành chính công, bà Khánh cũng nhấn mạnh điểm tích cực rất đáng ghi nhận là, trong lịch sử 75 năm của Quốc hội Việt Nam, lần đầu tiên trong khoá XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Ban Soạn thảo dự án luật xuất phát từ sáng kiến của một đại biểu Quốc hội, do đại biểu làm Trưởng ban.
Sau đó, Dự án Luật Hành chính công phải dừng, vì chưa đủ điều kiện trình Quốc hội, nhưng đại biểu Khánh tiếp tục đề xuất xây dựng Luật Dịch vụ công. Cơ sở của đề xuất này là trong công tác lập pháp, quản lý, điều hành nền hành chính và tổ chức cung ứng dịch vụ công, chưa nghiên cứu, ứng dụng các luận cứ khoa học quản lý về hành chính công và dịch vụ công, nên hệ thống pháp luật chưa thực sự minh bạch, rõ ràng về công và tư, chồng chéo, chưa đồng bộ với pháp luật về đầu tư công, quản lý tài chính công và tài sản công. Đó là nguyên nhân cốt lõi để giải ngân vốn đầu tư công còn gặp nhiều khó khăn thời gian qua.
Nếu hệ thống pháp luật rõ ràng về công tư thì có thể sẽ tránh được những tiêu cực trong mua trang thiết bị y tế chống Covid-19 vừa rồi, nhưng nữ đại biểu bày tỏ, lý do để chưa xây dựng Luật Dịch vụ công lại chưa thực sự thuyết phục. Vẫn theo bà Khánh, cả doanh nghiệp và người dân đều đòi hỏi pháp luật về môi trường đầu tư, kinh doanh phải được hoàn thiện hơn và đó cần được coi là động lực mạnh mẽ để Quốc hội tiếp tục đổi mới trong nhiệm kỳ tới.
Bên cạnh xây dựng luật, nhiệm kỳ này, theo đại biểu Dương Trung Quốc, Quốc hội có khá nhiều đổi mới đáng ghi nhận, đã chuyển từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ - thông tin cũng đã góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, giúp Quốc hội có thể linh hoạt trong thời gian chống Covid-19.
Tuy nhiên, ông Dương Trung Quốc cho rằng, tiến bộ của công nghệ - thông tin không phải khi nào cũng tỷ lệ thuận với chất lượng hoạt động của Quốc hội. “Yêu cầu rất cao của Quốc hội là tính minh bạch, nhưng có những điều tôi đã góp ý rất nhiều, song không có sự thay đổi. Đó là kể từ khi ứng dụng công nghệ, thì người dân không giám sát được đại biểu của mình khi biểu quyết. Khoá XI là khoá đầu tiên tôi tham gia Quốc hội, cách thức biểu quyết rất thô sơ, mỗi người chọn một tấm biển đồng ý hay không đồng ý để giơ lên. Nhìn thô sơ, nhưng rất đàng hoàng, người dân giám sát được đại biểu, trong những quyết định quan trọng tại Quốc hội người dân biết được đại biểu có đồng lòng với mình không để tiếp tục tín nhiệm hay không tín nhiệm”, ông Quốc nhìn lại cả quá trình gần 20 năm làm người đại diện cho dân.
Công khai, minh bạch là đòi hỏi của nhân dân và chính đòi hỏi của nhân dân, theo đại biểu Dương Trung Quốc, là động lực để Quốc hội tiếp tục đổi mới. Và để Quốc hội nhiệm kỳ mới đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cử tri, ông Quốc cho rằng, vai trò cá nhân của đại biểu ngày càng quan trọng và đó là yếu tố quan trọng nhất.
Ông Quốc nêu quan điểm, Quốc hội không phải cơ quan hành chính, lá phiếu của Chủ tịch cũng như lá phiếu của đại biểu khác, nên tính bình đẳng rất quan trọng. Như vậy, Quốc hội cần đổi mới để làm sao tăng tính độc lập của đại biểu.