Nhiều năm qua, ngành Y dược Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Các nhà khoa học ngành y đã thực hiện hàng loạt công trình nghiên cứu có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Trong suốt quá trình phát triển, sự đồng hành cộng đồng doanh nghiệp Y dược trong nước và quốc tế thông qua các dự án đầu tư, nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ đã góp phần lớn vào sự phát triển của ngành.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành y tế vẫn đang đối mặt với nhiều thử thách, như sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, quá tải bệnh viện, già hóa dân số, chất lượng dịch vụ y tế,... Điều này đòi hỏi sự đổi mới, cũng như tăng cường hợp tác từ các bên liên quan để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai.
GS.TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Chí Cường |
Tại Hội thảo "Triển khai Nghị quyết 29: Tiếp cận mới trong phát triển ngành y, dược" do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 20/7, GS.TS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ: Trong giai đoạn phát triển mới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành kim chỉ nam cho các ngành, trong đó có ngành y tế. Việc ban hành chương trình hành động với những nội dung được cụ thể hóa sẽ góp phần hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển bền vững của ngành công nghệ sinh học và dược phẩm.
Tính theo thị phần sản lượng, Việt Nam đang có sự chuyển động mạnh trong sản xuất thuốc khi các công ty đã đầu tư sản xuất những sản phẩm chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao. Đó là sản phẩm có thử tương đương sinh học, sản phẩm gia công chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển cũng đã có xu hướng gia tăng với 28,2% công ty có mức đầu tư 5-10% và 8,6% công ty đã có tỷ lệ chi cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm trên 10%.
Cũng tại buổi Hội thảo, ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Đại dịch Covid-19 đã khiến mọi người nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế đối với sứ mệnh công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ tại Hội thảo. . Ảnh: Chí Cường |
Không chỉ là động lực mới cho phát triển, đổi mới còn là cơ hội hợp tác cho một Việt Nam khỏe mạnh hơn trong tương lai. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, xây dựng hệ sinh thái y tế phong phú, củng cố năng lực, nhân lực y tế cũng như quan hệ đối tác, định hướng giải pháp,... sẽ giúp Việt Nam xây dựng được một lĩnh vực y tế năng động, sáng tạo, có khả năng chống lại mọi thách thức.
“Do vậy, các cơ quan quản lý cần xây dựng hành lang pháp lý đủ linh động để thích ứng với các thay đổi nhanh chóng trong công nghệ và tri thức, đồng thời củng cố tính dự báo, hỗ trợ thúc đẩy khối nghiên cứu và doanh nghiệp thực hiện phát triển được các dự án nghiên cứu đổi mới sáng tạo.”, ông Cương nêu rõ.
Với sự tranh ngày càng gia tăng từ các nước trong khu vực và nhu cầu phát triển của ngành Y dược. Hơn bao giờ hết, đây chính là thời điểm để thay đổi, để có cách tiếp cận mới và hành động để thu hút tốt nguồn lực, công nghệ, góp phần thực hiện mục tiêu chung của đất nước là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn trong giai đoạn phát triển mới.
Đồng thời, cần tập trung cải cách thể chế, xây dựng mục tiêu, cụ thể là rút ngắn thời gian tiếp cận thuốc mới của người dân, cũng như đưa ra cơ chế tài chính y tế linh hoạt, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên như phát triển công nghệ y tế, nghiên cứu sản xuất thuốc, xây dựng hệ thống y tế thông minh, phát triển y tế điện tử,...
Tuy nhiên, cần có thêm sự đầu tư và hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức và cá nhân để tiếp tục khuyến khích và phát triển những cải tiến trong lĩnh vực này.