Từ khi mới thành lập đến nay, qua hơn 7 thập kỷ xây dựng và trưởng thành (22/12/1944 - 22/12/2015), Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn xác định tham gia lao động sản xuất và phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng là một nhiệm vụ chính trị, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài.
Với tinh thần “sản xuất cũng là một mũi tiến công”, quân đội vừa là “đội quân chiến đấu”, “đội quân công tác” và “đội quân sản xuất”, quân đội ta đã chủ động ra quân trên nhiều lĩnh vực sản xuất, mạnh dạn đi vào nhiều ngành kinh tế mũi nhọn và hội nhập quốc tế, đảm bảo một phần nhu cầu hậu cần thiết yếu của mình, góp phần giữ gìn năng lực sản xuất quốc phòng, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đồng thời đóng góp ngày càng quan trọng cho nền kinh tế đất nước.
Doanh nghiệp quân đội đã chủ động trên nhiều lĩnh vực sản xuất. Ảnh: Đức Thanh |
Qua từng giai đoạn phát triển, lực lượng quân đội làm kinh tế từng bước được tổ chức lại chặt chẽ và khoa học theo mô hình doanh nghiệp. Đến nay, so với 20 năm trước, số lượng doanh nghiệp quân đội ước tính chỉ còn một nửa, nhưng quy mô và năng lực của từng doanh nghiệp đã lớn mạnh hơn nhiều.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp quân đội cũng đã xác lập được vị trí, tạo dựng được uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp và trên thị trường, tích cực tham gia vào những lĩnh vực, những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Tiêu biểu là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty xây dựng Trường Sơn…
Cùng dòng chảy hội nhập của đất nước, Bộ Quốc phòng đã ban hành Chương trình hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với đặc thù quân sự, quốc phòng. Các doanh nghiệp quân đội - lực lượng giữ vai trò xung kích, nòng cốt của quân đội trong tham gia hội nhập kinh tế quốc tế đã từng bước được sắp xếp, đổi mới, phát triển phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong giai đoạn mới.
Đến nay, các doanh nghiệp quân đội đã cơ bản chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
Hầu hết các doanh nghiệp quân đội đã đứng vững trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, phát huy được quyền tự chủ, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thích ứng được với thị trường trong nước và hội nhập thị trường thế giới.
Năm 2014, doanh thu của các doanh nghiệp quân đội đạt trên 292.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2013; lợi nhuận trước thuế đạt trên 46.000 tỷ đồng, tăng 15%; nộp ngân sách đạt 41.000 tỷ đồng, tăng 12%.
Trong số những “lá cờ đầu” của doanh nghiệp quân đội, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) vẫn dẫn đầu, với doanh thu ước đạt trên 196.650 tỷ đồng. Hay như Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vẫn giữ vị trí doanh nghiệp khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam, chiếm 80% thị phần khai thác cảng biển phía Nam và gần 50% thị phần cảng biển phía Bắc.
Nhiều tên tuổi khác vẫn giữ được mức tăng trưởng cao như Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty 319, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 789, Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC…
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của quân đội nói chung và doanh nghiệp quân đội nói riêng trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Một số đơn vị, doanh nghiệp quân đội còn lúng túng, chưa chủ động tận dụng các cơ hội, cũng như chưa lường trước những thách thức và tác động tiêu cực để chủ động ứng phó.
Trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, quân đội tiếp tục đẩy mạnh tham gia hội nhập kinh tế quốc tế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, đưa hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của quân đội nói chung và các doanh nghiệp quân đội nói riêng đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, vững chắc.
Theo Thượng tướng Lê Hữu Đức, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong quá trình thực hiện mục tiêu trên, quân đội và doanh nghiệp quân đội phải luôn kiên định, giữ vững mục tiêu, định hướng hội nhập, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; chủ động hội nhập với lộ trình, bước đi phù hợp; chủ động dự báo, xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để bị động, không hội nhập bằng mọi giá, nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội.
Ông Đức cũng cho biết, Bộ Quốc phòng giao các cơ quan chức năng của Bộ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất với Quân ủy Trung ương và Bộ để sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế của quân đội.