Nguồn tiền kếch xù
Những năm gần đây, các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), gồm Ả-rập Xê-út, Oman, Kuwait, Qatar, Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đang tận hưởng thu nhập cao từ giá dầu. Với nguồn tiền kếch xù, họ sẵn sàng thông qua các quỹ để đầu tư vào những thị trường tiềm năng ngoài Ấn Độ. Giá trị tài sản mà các quỹ đầu tư quốc gia thuộc GCC nắm giữ lên tới gần 2.500 tỷ USD, chiếm 25% tổng tài sản các quỹ đầu tư của quốc gia trên toàn cầu. Bên cạnh đó, hàng trăm quỹ đầu tư tư nhân lớn nhỏ cũng đang hoạt động rất sôi nổi khắp thế giới.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính, các nhà xuất khẩu năng lượng ở Trung Đông và Trung Á sẽ kiếm được khoản thu khoảng 1.000 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2026. Dòng tiền này nhiều hơn so với dự đoán của chính IMF một năm trước, cho thấy giá dầu thô sẽ tăng cao hơn, bất chấp những lo ngại suy thoái kinh tế có thể kéo giá dầu đi xuống trong những tháng cuối năm nay.
Giới chuyên gia cho rằng, ngành dầu khí ở Vùng Vịnh trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với tư cách là một nguồn vốn, bởi tín dụng toàn cầu bị thắt chặt khi lạm phát tăng cao, lãi suất tăng mạnh, khủng hoảng năng lượng…
Đối với Ả-rập Xê-út, quỹ tài sản có chủ quyền của họ đã chuyển hàng tỷ USD vào thị trường chứng khoán và quỹ tài sản trên toàn cầu. Dự trữ quốc tế ở các quốc gia gồm Ả-rập Xê-út, UAE, Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman sẽ lên tới gần 843 tỷ USD trong năm nay và tăng lên hơn 950 USD vào năm 2023.
Những con số trên cho thấy, bức tranh đầu tư từ Vùng Vịnh đang rất sôi nổi, không chỉ đơn thuần vì giá dầu cao, mà là vì họ đang bắt đầu giai đoạn di chuyển khối tiền kếch xù từ dầu mỏ sang các mảng khác, nhằm đón đầu xu thế kinh tế mới.
Trong đó, chủ trương của các nhà đầu tư Vùng Vịnh tập trung phần lớn vào dòng tiền kỹ thuật số và công nghệ blockchain. Đây là “cơ hội vàng” cho các start-up của Việt Nam.
Đặc biệt, nổi lên là UAE với tham vọng xây dựng chính phủ trên metaverse (vũ trụ ảo). Tháng 7/2022, Thái tử Dubai Sheikh Hamdan bin Mohammed bin Rashid Al Maktoum đã đưa ra Chiến lược Dubai Metaverse. Chiến lược đặt mục tiêu gia tăng 4 tỷ USD vào GDP của Dubai, hỗ trợ 40.000 việc làm ảo vào năm 2030 và thu hút 1.000 công ty chuyên về công nghệ blockchain, metaverse.
Thị trường metaverse toàn cầu dự kiến đạt 1.600 tỷ USD vào năm 2030, với tổng mức tăng trưởng hàng năm là 43,3%. Với cơ sở hạ tầng vật chất và kỹ thuật số tiên tiến, tay nghề cao và luật ủng hộ doanh nghiệp, UAE có lợi thế cạnh tranh để trở thành một trong 10 nền kinh tế siêu đa dạng hàng đầu thế giới và là trung tâm đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực này.
Việt Nam sẽ là “điểm đến mới”
Các quỹ và start-up từ Việt Nam đang dần tiếp cận luồng vốn kếch xù từ Vùng Vịnh.
Ông William Đỗ, CEO Quỹ đầu tư Hobbit Investment, đơn vị chuyên gọi vốn cho các dự án blockchain từ thị trường UAE cho hay, Dubai đang được coi là thủ phủ của ngành blockchain trên thế giới vì rất nhiều quỹ đầu tư, dự án và các chuyên gia lần lượt đổ về đây để xây dựng và phát triển.
Hành lang pháp lý của Dubai dành cho các dự án và tổ chức có liên quan đến blockchain đang rất thuận lợi. Cụ thể, nước này không chỉ công nhận, mà còn thúc đẩy giao dịch bằng tiền điện tử qua các ứng dụng trên nền tảng blockchain. Có thể Dubai không phải là nơi bắt đầu của nhiều start-up công nghệ giá trị tỷ USD, nhưng đang là một trong những địa chỉ hàng đầu để các nhân tài chuyển về “định cư”.
Ông William Đỗ tiết lộ, Djinn Guild do Hobbit Investment gọi vốn ở UAE vừa trở thành dự án đầu tiên và duy nhất được lựa chọn cho buổi gây quỹ kín “MeteVestors Meet” do Quỹ Dubai Future Foundation và Metacon tổ chức. Đây là dự án cung cấp các giải pháp cần thiết đến các dự án đang gặp khó khăn để tìm kiếm lối thoát cho nhà các phát hành game trong thị trường blockchain nói riêng và game truyền thống nói chung.
Bên cạnh đó, Jade Forest Capital và FundGo cũng liên tục có những chuyến “viếng thăm” các nhà đầu tư thuộc các quốc gia Vùng Vịnh.
Tháng 4/2022, trong suốt quá trình diễn ra Tuần lễ Binance Blockchain tại Dubai, đại diện Jade Forest Capital và FundGo đã gặp gỡ và thảo luận về những ưu, nhược điểm của thị trường blockchain tại Việt Nam. Hai bên đã đạt được thỏa thuận đầu tư trị giá 100 triệu USD để hỗ trợ các công ty khởi nghiệp blockchain tại Việt Nam cũng như cấp giấy chứng nhận đầu tư Ethereum để phổ biến đầu tư tài sản kỹ thuật số tại đây.
Sau thương vụ gọi vốn này, Jade Forest Capital và FundGo nhắm đến các dự án công nghệ tiên phong và có tiềm năng tăng trưởng cao. Cả hai quỹ luôn đánh giá cao các công ty có tham vọng với những người sáng lập muốn mở rộng quy mô công ty ra thị trường toàn cầu.
Tùng Nguyễn, CEO Jade Forest Capital kỳ vọng, Quỹ nhanh chóng khám phá các cơ hội sinh lời tại Việt Nam - một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực thời điểm này.
Trong khi đó, Eric Vương, CEO FundGo tin rằng, đây là thời điểm quan trọng đối với lĩnh vực này ở Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, nơi có các công ty khởi nghiệp chất lượng cao cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng cho đầu tư và phát triển ở cấp độ tiếp theo.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư tại Vùng Vịnh cũng đang phóng tầm ngắm về thị trường Việt Nam.
Mạng lưới Abrahamic Circle - chuyên tập hợp các nhà đầu tư tại UAE và Israel - đã đưa Việt Nam vào danh sách mục tiêu ưu tiên tìm kiếm dự án tiềm năng. Quỹ Amima chuyên đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang dành nhiều sự quan tâm tới Việt Nam và dự kiến sẽ gửi đại diện tới Việt Nam để trực tiếp tìm hiểu về cơ hội đầu tư.
Theo chia sẻ của ông Abdalatti Abuassi (Quỹ đầu tư Nông nghiệp Amima, UAE) với giới truyền thông Việt Nam, khi đầu tư vào một quốc gia, Quỹ quan tâm tới sự cam kết, tính nhất quán và những thành tích của quốc gia đó thời gian qua. Những gì nhóm nhà đầu tư này đang thấy được từ Việt Nam đều là những tín hiệu tích cực.
Tỷ phú Ấn Độ Adani cũng đã cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Việt Nam, qua đó cho thấy những đánh giá tích cực vào triển vọng kinh tế Việt Nam.
Với nền kinh tế có độ mở và tốc độ phát triển cao, thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân, Việt Nam sẽ là “điểm đến mới” của các quỹ đầu tư. Những mảng đầu tư truyền thống của Vùng Vịnh từ trước đến nay vẫn thường là bất động sản và tài chính, du lịch. Nhưng với Việt Nam, họ muốn đầu tư vào nông nghiệp, năng lượng tái tạo và công nghệ (an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo…).
Còn quá sớm để xác định nền kinh tế Việt Nam hưởng lợi đến đâu nhờ dòng vốn từ Vùng Vịnh, nhưng có thể thấy rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, hình ảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn đang không ngừng được cải thiện. Hiện vốn FDI rót vào Việt Nam chủ yếu đến từ các thị trường Âu - Mỹ và châu Á. Do vậy, khu vực Vùng Vịnh là nguồn đầu tư có nhiều tiềm năng khai phá.
Gỡ điểm nghẽn để kích hoạt dòng vốn
Để đón làn sóng đầu tư từ Vùng Vịnh, Hobbit Investment đã liên kết với nhiều đối tác trong nước và ở các thị trường trọng điểm để tạo thành mạng lưới cung cấp dịch vụ dựa theo yêu cầu đầu tư và được đầu tư của các tổ chức, cá nhân.
- Ông William Đỗ, CEO Quỹ đầu tư Hobbit Investment
Ông William Đỗ nhấn mạnh, văn hóa giao tiếp minh bạch, kế hoạch rõ ràng, sự cam kết cao và tính nhất quán trong quá trình làm việc chính là chìa khóa để mở ra “cánh cửa” cơ hội nhận vốn đầu tư từ các nước Vùng Vịnh cho các dự án công nghệ tại Việt Nam.
Muốn hấp thụ được lượng vốn kếch xù từ các nước Vùng Vịnh, Việt Nam cần nhanh chóng tạo cơ hội cho các doanh nghiệp truyền thống thích nghi với hệ quy chiếu tiêu chuẩn, từ đó dùng dòng vốn đến từ Vùng Vịnh làm đòn bẩy để phát triển vượt bậc.
“Điều này phụ thuộc vào tư duy và phong cách làm việc từ Vùng Vịnh cũng như của các quỹ đầu tư và hệ thống làm việc quy chuẩn ở các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam đang dần tạo được dấu ấn của riêng mình trong nền kinh tế thế giới”, ông William Đỗ đánh giá.
Hiện chủ trương của các nhà đầu tư Vùng Vịnh tập trung vào tiền kỹ thuật số và công nghệ blockchain. Tuy nhiên, cơ chế thu hút vốn đầu tư của Việt Nam đối với lĩnh vực này còn hạn chế, khiến dòng tiền còn tắc nghẽn, ứ đọng. Bởi vậy, gỡ điểm nghẽn về cơ chế sẽ giúp Việt Nam kích hoạt dòng vốn đầy tiềm năng này.