Nguồn hàng tốt cho các nhà đầu tư ngoại
Theo Báo cáo các xu hướng M&A toàn cầu mà PwC vừa công bố cho thấy, hoạt động M&A toàn cầu tiếp tục đối mặt khó khăn, nhưng sẽ tăng trưởng vào nửa sau năm 2023. Việc xây dựng chiến lược M&A và tối ưu hóa danh mục đầu tư vẫn là ưu tiên của ban lãnh đạo và là chìa khóa để chuyển đổi doanh nghiệp trong năm 2023. Trong đó, y tế và sức khỏe là một trong những lĩnh vực có hoạt động M&A sôi động nhất.
Các chuyên gia phân tích của PwC cho hay, nhu cầu đổi mới sáng tạo hướng tới tăng trưởng sẽ thúc đẩy hoạt động M&A đối với những doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Tại thị trường Việt Nam, theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital, ngành dược phẩm, y tế nói chung đang rất thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch HĐQT CTCP Y khoa và Thẩm mỹ Thu Cúc cho rằng, tiềm năng phát triển y tế tư nhân ở Việt Nam còn rất lớn. Một đất nước có 100 triệu dân với thu nhập và dân trí đang cao lên, nhu cầu được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao, được phục vụ tốt ngày một tăng và đó chắc chắn là xu hướng tất yếu khi xã hội phát triển.
Tuy nhiên, theo bà Cúc, hệ thống y tế hiện tại vẫn chưa đáp ứng toàn diện các nhu cầu của người dân trong thời kỳ mới, dẫn đến việc nhiều người dân ra nước ngoài chữa bệnh. Theo thống kê, mỗi năm có tới hơn 2 tỷ USD chảy ra nước ngoài trong lĩnh vực y tế.
Liên quan đến các khẩu vị đầu tư, ông Andy Ho gọi tên 3 mảng, gồm: đầu tư sản xuất dụng cụ y tế, dược sản xuất; phân phối thuốc và dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe.
Đầu tiên, các công ty sản xuất liên quan đến dược phẩm, dụng cụ y tế. Báo cáo cập nhật ngành dược của SSI Research mới công bố cho thấy, việc chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe năm 2022 đã có bước nhảy vọt tới 25% so với năm trước và hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu lẫn lợi nhuận ròng ở mức 2 con số. Điển hình như ông lớn Dược Hậu Giang, Traphaco, Dược Bình Định, Imexpharm…
Trong khi đó, ở mảng phân phối, bán lẻ đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Bằng chứng sau giai đoạn tăng trưởng nóng, An Khang dừng mở mới, Pharmacity cơ cấu lại chuỗi cửa hàng, còn Long Châu vươn lên đứng đầu về quy mô nhà thuốc.
Năm 2020, Quỹ đầu tư Vietnam Oppoturnity (VOF) của VinaCapital đã đầu tư 26,7 triệu USD để sở hữu 30% cổ phần CTCP Y khoa và Thẩm mỹ Thu Cúc - chủ sở hữu bệnh viện đa khoa quốc tế cùng tên. Thu Cúc đã chọn VinaCapital vì đây là nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực y tế khám chữa bệnh, sẽ thuận lợi hơn khi quyết định chiến lược liên quan đến ngành nghề đặc thù này.
Bắt tay với Quỹ đầu tư VinaCapital được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phát triển cả chiều rộng và chiều sâu của hệ thống y tế Thu Cúc.
Việc đầu tư Bệnh viện Thu Cúc hay Y khoa Hoàn Mỹ trước đây của VinaCapital đã tạo ra nguồn hàng tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Đòn bẩy chiến lược
Gần đây, động thái đáng chú ý là các doanh nghiệp dược phẩm lớn tại Ấn Độ muốn rót vốn vào khu công nghiệp dược phẩm, vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD tại Việt Nam. Thông tin này được các quỹ đầu tư để ý và muốn “nuôi dưỡng” những công ty tốt để có thể tạo ra nguồn hàng tốt, rơi vào tầm ngắm M&A cho các “đại gia” trong ngành của Ấn Độ.
“Chúng tôi sẽ tìm được những công ty tăng trưởng tốt trong ngành để bán lại cho họ, nếu họ có nhu cầu”, ông Andy Ho cho biết.
Phát triển khu công nghiệp dược phẩm chuyên biệt là một trong những thế mạnh của các doanh nghiệp Ấn Độ, đưa nước này trở thành trung tâm sản xuất thuốc lớn thứ ba thế giới. Các công ty dược phẩm của Ấn Độ ngày nay là một trong những công ty cạnh tranh nhất trong lĩnh vực thuốc gốc và vaccine trên toàn cầu.
Theo số liệu của IBEF, Ấn Độ cung cấp hơn 60% loại vaccine khác nhau trên toàn cầu, chiếm 20% lượng thuốc gốc xuất khẩu của thế giới. Hơn 40% nhu cầu thuốc gốc ở Mỹ và 25% ở Anh là do Ấn Độ cung cấp. Hơn 80% các loại thuốc kháng virus được sử dụng trên toàn cầu để chống lại bệnh HIV-AIDS được sản xuất bởi các công ty dược phẩm Ấn Độ.
Quy mô của ngành dược phẩm Ấn Độ ước tính vào khoảng 43 tỷ USD vào năm 2019 và đạt khoảng 55 tỷ USD trong năm 2022. Hiện ngành này gồm 3.000 công ty dược phẩm và 10.500 đơn vị sản xuất, với số lượng lớn các nhà máy đạt tiêu chuẩn của US-FDA nằm ngoài lãnh thổ nước Mỹ.
Ông Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm SMS, đơn vị muốn hợp tác phát triển công viên dược phẩm tại Việt Nam nhìn nhận, công viên dược phẩm này có thể coi là “đòn bẩy chiến lược” để biến Việt Nam thành một cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu Đông Nam Á. Đó cũng là kỳ vọng để nổ ra các thương vụ M&A đình đám trong thời gian tới.